II. Những phương pháp dập tắt trah cã
06. Đa nhân ngữ Tì-n
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỳ-kheo nổi lên tranh chấp, Tăng ở đây không thể giải quyết được, vì các Tỳ-kheo có liên quan trong vụ việc không chịu phục tùng phán quyết của Tăng. Để dập tắt sự tranh chấp nầy, Phật bèn chế định pháp Yết-ma Đa Nhân Ngữ.
Theo nghĩa được hiểu ở đây, pháp Yết-ma này căn cứ vào ý kiến của đa số để giải quyết vấn đề, và được thực hiện bằng phương thức đầu phiếu. Người được Tăng đề cử đứng ra làm phiếu phải hội đủ 5 đức tính; (1) Không thiên vị; (2) Không giận dữ; (3) Không khiếp sợ; (4) Không ngu si; (5) Biết ai nhận phiếu rồi, ai chưa nhận phiếu. Sau khi nhận công tác, vị này phải làm 2 loại phiếu: Một loại phiếu trắng, chỉ ý kiến thuận; một loại phiếu đen, chỉ ý kiến chống, rồi tổ chức đầu phiếu. Thể thức đầu phiếu gồm có 3 trường hợp: 1/ Hiển lộ; 2/ Phú tàng; 3/ Nhĩ ngữ.
1/ Hiển lộ: Bỏ phiếu công khai. Trong trường hợp người chủ trì việc bỏ phiếu biết chắc ý kiến của những người như pháp nhiều hơn.
2/ Phú tàng: Bỏ phiếu kín. Trong trường hợp người đưa phiếu biết những Tỳ-kheo như pháp đa số, nhưng Hòa Thượng, A-xà-lê của họ theo quan điểm phi pháp, nếu đưa phiếu công khai e rằng các Tỳ-kheo sẽ bắt chước thầy của họ mà rút phiếu, thành ra phiếu phi pháp đa số. Do đó, khi đưa phiếu phải che kín, để cho người này không biết người kia rút loại phiếu nào.
3/ Nhĩ Ngữ: Trong trường hợp người đưa phiếu biết các Tỳ-kheo như pháp đa số, nhưng Hòa thượng A-xà-lê của họ lại phi pháp, thì khi đưa phiếu phải nói nhỏ với Tỳ-kheo rút phiếu rằng: “Hòa thượng, A-xà-lê của thầy đã
rút phiếu rồi, lành thay thầy hãy dùng tâm từ bi mà rút phiếu. Nếu Tỳ-kheo như pháp đa số, sự tranh cãi được dập tắt, thì thầy sẽ có công đức rất lớn”.
Nếu sau khi đếm phiếu thấy phiếu như pháp nhiều hơn, thì kết quả sẽ được công bố ngay. Trái lại, nếu thấy số phiếu phi pháp nhiều hơn chừng một cái, thì phải tuyên bố việc đầu phiếu bất thành. Sau đó tìm cách vận động cho đến khi nào nắm chắc phiếu như pháp đa số, sẽ tổ chức đầu phiếu trở lại. Về cách rút phiếu thì có phi pháp và như pháp. Mười trường hợp rút phiếu phi pháp như sau: 1/ Không biết các rút phiếu: Chỉ người không biết rõ nội dung tranh chấp, không biết vấn đề ấy đúng pháp hay phi pháp, đúng lời Phật dạy hay không đúng; 2/ Không đứng về phía người tốt khi rút phiếu; 3/ Vì muốn phe phi pháp đa số mà rút phiếu; 4/ Biết phe phi pháp đa số nên rút phiếu để yểm trợ họ; 5/ Vì muốn Tăng bị chia rẽ mà rút phiếu; 6/ Biết Tăng đang bị chia rẽ nên rút phiếu để yểm trợ việc ấy; 7/ Rút phiếu trong trường hợp yết-ma phi pháp (như thay vì bạch tứ lại bạch nhị v.v…); 8/ Rút phiếu biệt chúng: Các Tỳ-kheo trong trú xứ tập họp không đông đủ, người không đến dự không gởi dục; 9/ Vì một việc phạm tội nhỏ mà tổ chức đầu phiếu; 10/ Rút phiếu ngược lại với ý nghĩ của mình. Nếu làm trái lại 10 trường hợp trên tức là rút phiếu đúng pháp, sự tranh chấp sẽ được dập tắt.