HÌNH DÁNG CỦA THÁP

Một phần của tài liệu Một Số Vấn Đề Giới Luật. HT Phước Sơn (Trang 125 - 126)

Về chủng loại của tháp rất phong phú. Nếu dùng hình dáng để phân loại thì ta có: Tháp phú bát, tháp khám, tháp trụ, tháp nhạn, tháp lộ, tháp ốc, tháp vô bích, tháp Lạt-ma, tháp nhiều tầng, tháp vuông, tháp tròn, tháp hình lục giác, tháp hình bát giác, tháp đại, tháp đa bảo, tháp du kỳ, tháp Ngũ luân, tháp hình trứng, tháp vô phùng, tháp lâu các, tháp mật diêm, tháp kim cương bảo tòa, tháp mộ.

Trong các hình thức của tháp thì hình thức tháp Phú bát (bát úp) là xưa nhất. Theo luật Ma-ha-tăng-kỳ, quyển 33, Hữu bộ Tì-nại-da tạp sự quyển 18 thì tháp Phú bát gồm có các bộ phận sau đây cấu thành: Lan can, nền tháp, thân tháp có hình bát úp, đầu bằng có trụ hình bánh xe, tướng luân và bảo bình.

Luật quy định, nếu dựng tháp thờ Phật thì phải có đầy đủ các hình thức kể trên. Nếu dựng tháp cho Độc Giác Phật thì không được an trí bảo bình. Nếu xây tháp cho vị A-la-hán thì tướng luân không được nhiều hơn 4 tầng. Nếu xây tháp cho vị chứng quả Bất Hoàn thì tướng luân không quá 3 tầng. Nếu xây tháp cho vị chứng quả Nhất Lai, thì tướng luân không quá 2 tầng. Nếu xây tháp cho vị chứng quả Dự Lưu thì tướng luân không quá 1 tầng. Nếu xây tháp cho người thiện trong hàng phàm phu thì phải xây bằng trên đầu và không được dùng hình thức tướng luân. Kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 41, còn ghi rõ: Vị Chuyển luân thánh vương (như vị nguyên thủ của một đại cường quốc) cũng được xây tháp, nhưng không được dùng tướng luân (tầng tháp hình lục giác hay bát giác) và chỉ xây bên ngoài khuôn viên chùa. Vì vị này tuy có phước đức lớn nhưng chưa đoạn trừ hết 3 độc tham, sân, si.

Nền của tháp theo thể thức Ấn Độ thời xưa thì phần lớn làm hình tròn. Nhưng Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... thì thường dùng tứ giác hoặc bát giác để cấu trúc. Thân tháp càng về sau càng biến thành nhiều tầng. Vào khoảng thế kỷ thứ 3, thứ 4 có tháp 3 tầng xuất hiện, sau đó lại có 5 tầng, 7 tầng, 9 tầng, 13 tầng, 15 tầng, 17 tầng, thậm chí cho đến 37 tầng. Nhưng theo Tỳ-nai-da tạp sự, quyển 18, (Đ.24, tr.291c) qui định thì số lượng các tầng tướng luân hoặc là 1,2,3,4 cho đến 13 tầng là tối đa. Tuy vậy, trên thực tế vẫn có một số tháp nhiều tầng nổi tiếng, như tại chùa Tung Nhạc, núi Trung Sơn (Trung Quốc) có ngôi tháp gạch cao 15 tầng. Ở chùa Tiến Phúc, tại Tây An có ngôi tháp tiểu nhạn cao 15 tầng; Và chùa Hương Tích, tại Tây An có ngôi tháp gạch cao 13 tầng.

Một phần của tài liệu Một Số Vấn Đề Giới Luật. HT Phước Sơn (Trang 125 - 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)