Séc là chứng từ thanh toán ghi nhận lệnh trả tiền của chủ tài khoản hoặc người đại diện, của chủ tài khoản, được lập trên mẫu in sẵn theo thể thức luật định, theo đó, tổ chức quản lí tài khoản trích một khoản tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán vô điều kiện để trả cho người thụ hưởng có tên ghi trên séc hoặc người cầm séc một số tiền nhất định hoặc toàn bộ số tiền gửi của chủ tài khoản [3] Người có tiền mở tại ngân hàng một tài khoản, ngân hàng sẽ cấp cho người gửi tiền một quyển séc, số tiền trên tờ séc khi phát hành không vượt quá số dư có trên tài khoản ở ngân hàng. Hiện nay séc thường được ưa chuộng sử dụng phố biến trong buôn bán kinh doanh lớn bởi tính tiện lợi và an toàn.
Theo công ước Genève năm 1931 được nhiều nước áp dụng, một tờ séc cần ghi đủ các thông tin như tiêu đề, địa điểm và ngày tháng phát hành, số tiền, địa chỉ người ký, số tài khoản trích trả, tên ngân hàng trả tiền, tên người hưởng số tiền trên séc. Các yếu tố trên đây phải được ghi rõ ràng, chính xác tuyệt đối, không tẩy xóa và phải được ghi cùng một loại chữ, một thứ mực, không được ghi bằng mực đỏ. Do có tính trừu tượng nên trên séc không cần ghi nội dung thanh toán. Giá trị của tờ séc phụ thuộc vào thời hạn sử dụng được in ngay trên séc và mỗi quốc gia đều có quy định riêng về thời hạn hiệu lực của séc thanh toán. Nhưng thông thường, thời hạn thanh toán đối với séc trong nước không dài như thời hạn của séc quốc tế. Séc được phân loại dựa trên cách xác định người thụ hưởng hoặc theo yêu cầu đảm bảo tính an toàn hoặc tùy theo mức độ đảm bảo sẽ nhận được tiền cho người thụ hưởng. Các loại séc phổ biến hiện nay gồm séc trơn, séc đích danh, séc vô danh, séc theo lệnh, séc du lịch, séc gạch chéo và séc tài khoản của người hưởng lợi.
Séc chuyển khoản
Séc chuyển khoản là loại séc được dùng trong thanh toán chuyển khoản bằng cách trích tài khoản của người trả tiền để chuyển trả vào tài khoản của người thụ hưởng. Séc chuyển khoản thường dùng trong trường hợp 2 bên mua và bán tín nhiệm nhau trong thanh toán. Ngân hàng chịu trách nhiệm thanh toán sẽ tiến
hành các bước như kiểm soát, hạch toán, ghi Nợ cho bên trả tiền sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định và truyền lệnh chuyển Có cho bên thụ hưởng.
Thanh toán bằng séc chuyển khoản không đòi hỏi mở riêng tài khoản tiền gửi đảm bảo thanh toán; giúp hạn chế tiền mặt tồn quỹ tại doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp nhận được tiền gửi hàng tháng. Tuy nhiên thời gian nhận tiền thanh toán của bên bán có thể bị kéo dài nếu tài khoản của bên ký phát Séc chưa đủ tiền. Phạm vi thanh toán của séc chuyển khoản chỉ giới hạn giữa các khách hàng có tài khoản ở cùng một ngân hàng (kho bạc). Trường hợp khác chi nhánh ngân hàng (kho bạc) thì thủ tục thanh toán sẽ được thực hiện bởi trung tâm thanh toán bù trừ séc mà các ngân hàng đó là thành viên.
Séc bảo chi
Séc bảo chi là một loại séc thanh toán đã được đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán xác nhận khả năng thanh toán trước khi người chi trả trao Séc cho người thụ hưởng để nhận hàng hoá và dịch vụ. Để đảm bảo khả năng thanh toán cho tờ séc, người kí phát phải có đủ tiền trên tài khoản thanh toán hoặc nếu không đủ tiền trên tài khoản thanh toán nhưng được người bị kí phát chấp thuận cho người kí phát thấu chi đến một hạn mức nhất định để bảo đảm khả năng thanh toán cho số tiền ghi trên tờ séc được quyền yêu cầu người bị kí phát bảo chi tờ séc đó. Do tính chất chắc chắn về khả năng chi trả và kiểm soát được ký hiệu mật nên thanh toán Séc bảo chi, giữa hai tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cùng hệ thống được coi là có uỷ quyền chuyển Nợ đương nhiên, do đó có thể cho phép đơn vị thu hộ ghi Có cho người thụ hưởng trước rồi báo Nợ sang đơn vị thanh toán để ghi Nợ người ký phát sau. Trường hợp thanh toán séc bảo chi giữa hai tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác hệ thống, do không thể kiểm soát và giải mã được ký hiệu mật nên phải thực hiện đúng nguyên tắc và quy trình luân chuyển chứng từ như thanh toán Séc chuyển khoản.
Hình 1. 1. Mẫu séc bảo chi của ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.
Ưu điểm, nhược điểm của hình thức thanh toán bằng Séc
Ưu điểm: Thủ tục thanh toán đơn giản, người trả tiền hoàn toàn chủ động trong thanh toán, không phải làm thủ tục bảo chi, kí quỹ. Người nhận tiền chủ động nộp Séc vào ngân hàng để thực hiện nhận thanh toán.
Nhược điểm: Nếu người thanh toán không thực hiện thanh toán kịp thời khi tài khoản không đủ tiền có thể bị trả thêm một khoản phạt trả chậm. Bên cạnh đó, người thụ hưởng cũng khá bị động trong việc nhận tiền thanh toán từ ngân hàng do còn phải thực hiện một số thủ tục khác.