Trong các năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã luôn coi việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một công tác trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng và chặt chẽ để phát triển, quản lý hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài
Huyện Hiệp Hòa đã thực thi những chủ trương, chính sách về quản lý xuất khẩu lao động đúng theo quy định của Nhà nước. Tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội phụ nữ, Hội nông dân... phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người có nhu cầu tham gia XKLĐ và gia đình của họ hiểu được các quy định pháp luật, quyền, nghĩa vụ, thủ tục, trình tự và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu XKLĐ cho từng năm và giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn.
Đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, năng lực, trình độ còn hạn chế. Do vậy công tác XKLĐ và quản lý XKLĐ chưa thực sự đạt hiệu quả. Mặt khác, một số lao động tham gia XKLĐ theo hình thức môi giới, không thông qua cơ quan QLNN về XKLĐ nên khó quản lý, theo dõi.
Hộp 3. Khó kiểm soát, quản lý các đối tượng LĐXK
Do một số lao động làm thủ tục đi làm việc tại nước ngoài (Hàn Quốc) không thông qua phòng nên đến nay phòng không nắm được số lượng, thời hạn, địa chỉ cụ thể của người lao động đó nên khó khăn trong việc rà soát, tuyên truyền đến từng đối tượng về nước đúng thời hạn. Số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của huyện do Sở Lao động - TB&XH tỉnh gửi về. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn để cùng tuyên truyền, vận động gia đình có người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc vận động con, em họ về nước.
(Theo ông Ngô Văn Trung – Phó Trưởng Phòng LĐTB & XH huyện Hiệp Hòa)
Công tác phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn huyện về tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, qua điều tra 8 doanh nghiệp thì có 87,5% ý kiến cho rằng khi các doanh nghiệp về địa phương tuyển chọn lao động thì UBND huyện mà trực tiếp là BCĐ CTGDNN&GQVL có sự phối hợp nhưng mức độ chưa cao, chủ yếu là giới thiệu cho các doanh nghiệp về các xã, thị trấn tuyển chọn, còn công tác tuyển chọn lao động giao cho các doanh nghiệp tự tuyển dụng, đào tạo.