6. Nuôi trồng thủy sản Mở đầu
6.3.6. Bảo quản và vận chuyển cá sống
Phần này được thiết kế để bảo quản và vận chuyển cá sống là cá nuôi hoặc khai thác ngoài tự nhiên. Mối nguy tiềm ẩn: nhiễm bẩn vi sinh, độc tố sinh học, nhiễm bẩn hóa học (ví dụ: dầu máy, các chất tẩy rửa và khử trùng).
Khuyết tật tiềm ẩn: cá chết, tổn thương vật lý, mùi khó chịu, thay đổi vật lý/sinh hóa do cá bị chèn ép. Hướng dẫn kỹ thuật:
- Chỉ những con cá khỏe mạnh, không bị hư hại mới được chọn để bảo quản và vận chuyển sống. Những con cá chết và nhiễm bệnh phải bị loại trước khi đưa vào các thùng chứa hoặc thùng ngâm nhả tạp chất;
- Thùng chứa cá cần được kiểm tra định kỳ trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển. Khi phát hiện những con cá bị trầy xước, yếu và những con cá chết thì phải loại bỏ ngay;
- Nước sạch được sử dụng trong các thùng lưu giữ cá, hoặc trong các thùng ngâm nhả tạp chất phải có đặc tính tương tự như môi trường nước cá đã sống để giảm sốc cho cá;
- Nước không được nhiễm bẩn bởi chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Các thùng chứa cá và các hệ thống vận chuyển cần được thiết kế và vận hành hợp vệ sinh để tránh nhiễm bẩn nước và thiết bị;
- Nước trong các thùng chứa cá và các thùng ngâm nhả tạp chất phải đầy đủ dưỡng khí trước khi đưa cá vào;
- Đối với những loài cá dễ nhiễm tảo có độc tố, nơi lấy nước biển cho vào các thùng lưu giữ cá và các thùng ngâm nhả tạp chất phải tránh nguồn nước có hàm lượng tế bào tảo cao hoặc phải lọc nước đúng cách;
- Không cho cá ăn trong thời gian bảo quản và vận chuyển. Việc cho ăn sẽ làm nhiễm bẩn nước trong thùng chứa cá rất nhanh, nói chung, phải ngừng cho cá ăn trước thời điểm vận chuyển 24 h;
- Các vật liệu làm thùng chứa cá, thùng ngâm nhả tạp chất, máy bơm, máy lọc, ống dẫn nước, hệ thống kiểm soát nhiệt độ và bao gói không gây hại cho cá hoặc tạo ra những mối nguy đối với con người;
- Tất cả các trang thiết bị cần được làm sạch, khử trùng thường xuyên và khi cần thiết.