Thái Lan là nước có diện tích canh tác bình quân đầu người đạt 3756m2, diện tích bình quân của một hộ nông dân là 4,5 ha, cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Trong những năm 60 Thái Lan vẫn còn là nước lạc hậu, yếu kém cả về nông nghiệp và công nghiệp, do đó họđã chọn công nghiệp hoá làm con đường phát triển đất nước.
Thời gian đầu, Thái Lan tập trung vào công nghiệp hoá đô thị (vùng Băng Cốc) dựa vào vốn vay và công nghệ kỹ thuật của nước ngoài. Với chủ trương đó, kinh tế Thái Lan không những không phát triển, mà còn lâm vào tình trạng trì trệ, nông nghiệp vẫn lạc hậu. Thấy được vấn đề, Thái Lan đã kịp thời chuyển hướng chiến lược sang đa dạng hoá nền kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá cả đô thị và nông thôn, cả nông nghiệp và công nghiệp đều hướng về xuất khẩu. Trong quá trình công nghiệp hoá, Thái Lan đã thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, trong đó vừa phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa mở mang các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá.
Kết quả Thái Lan là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm qua, đặc biệt về công nghiệp hoá và đô thị hoá.
Tuy kết quả phát triển CNNT ở Thái Lan chưa cao, nhưng cũng có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, Thái Lan coi phát triển CNNT là vấn đề chiến lược để giải quyết một cách đồng bộ những vấn đề kinh tế - xã hội nông thôn và là giải pháp để điều chỉnh những mất cân đối giữa thành thị và nông thôn.
Trong giai đoạn tập trung vào công nghiệp hoá ở đô thị quá mức xem nhẹ phát triển kinh tế nông thôn nên kinh tế Thái Lan phát triển không cân đối, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh. Do đó trong 2 kế hoạch 5 năm lần thứ V và VI (1982 – 1992) Thái Lan xem phát triển CNNT là vấn đề chiến lược và là nhiệm vụ trung tâm để giải quyết một cách đồng bộ những vấn đề kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập của dân cư, sử dụng có hiệu quả tài nguyên ở nông thôn, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phục hồi và phát triển các nghề truyền thống, khắc phục việc đô thị hoá quá mức trong những năm qua.
Hai là, Thái Lan đã có cơ chế hỗ trợ phát triển từ phía Nhà nước để tạo điều kiện môi trường khuyến khích đầu tư CNNT.
Thái Lan đã có chính sách hỗ trợ khác nhau đối với từng vùng tuỳ theo trình độ phát triển công nghiệp. Chính phủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nối liền các vùng sản xuất nông nghiệp với thị trường làm cho nông thôn hướng về thị trường tạo tiền đề để phát triển CNNT. Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp như bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông sản, sửa chữa máy nông nghiệp… Chính phủ quy định nghiêm ngặt về kiểm tra hàng nhập lậu với chính sách bảo hộ có chọn lọc. Thái Lan đã hình thành được bộ máy hỗ trợ phát triển CNNT: Bộ công nghiệp chịu trách nhiệm chính về phát triển CNNT. Trực thuộc Bộ công nghiệp có Cục nghiên cứu phát triển và các Viện nghiên cứu kinh tế, trung tâm công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Các cơ quan đó đều có nhiệm vụ chức năng cụ thểđể hỗ trợ CNNT phát triển.
Tuy nhiên, việc phát triển CNNT nói riêng, phát triển kinh tế nói chung ở Thái Lan còn bộc lộ mặt trái của nó là sự phát triển thiếu cân đối và chênh lệch khá lớn giữa thủ đô Băng Cốc và vùng phụ cận với các vùng khác, dẫn đến mức sống
chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng lãnh thổ khá cao. Vì thế khi vận dụng các kinh nghiệm trên trong việc phát triển CNNT cần chú ý khắc phục hiện tượng này.