Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề và NNTT chủ yếu là thị trường trong nước (80 - 90%). Một số sản phẩm có thị trường xuất khẩu khá như: mộc Kim Bồng có tỷ lệ xuất khẩu 45%, gốm sứ La Tháp 50%, mây tre đan thị trấn Nam Phước, Duy Thành ( tỉnh Quảng Nam ), sản phẩm xuất khẩu 100% Ở tỉnh
Bình Định, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, thảm xơ dừa bước đầu đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Trong những năm gần đây, các hộ và cơ sở sản xuất kinh doanh đã có nhiều cố gắng mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm mộc Kim Bồng từ lô hàng đầu tiên xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các khách sạn ở thủ đô Viên Chăn (Lào) đến nay đã có nhiều đơn đặt hàng khá ổn định sang nhiều nước châu Âu, châu Mỹ… Đèn lồng Hội An hiện có 50 cơ sở sản xuất, mỗi năm xuất khẩu trực tiếp hơn 100000 lồng đèn sang các nước. Thị trường tiêu thụ hương của làng quán Hương (Quảng Nam) từ chỗ tiêu thụ nhỏ lẻ, chủ yếu trên địa bàn huyện Thăng Bình thì đến nay thị trường tiêu thụđã vươn ra các tỉnh Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai và còn xuất khẩu sang Lào, Cămpuchia. Làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) thị trường tiêu thụ khá rộng như Đà Lạt, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… và còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài: Hồng Kông, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Úc…
Ở Phú Yên, thông qua chương trình khuyến công đã đầu tư mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng nước mắm nhãn hiệu Mỹ Quang được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục sở hữu công nghiệp. Nước mắm Gành Đỏ sau khi dự án khoa học công nghệ của tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hoá đã vươn ra thị trường cả nước.
Một hướng đi khác cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề là gắn phát triển du lịch với phát triển các LNTT. Ở Quảng Nam, một số LNTT đã phát triển thành điểm tham quan du lịch, như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đồng Phước Kiều, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa Mã Châu và Duy Trinh. Tỉnh Bình Định đã quy hoạch làng rèn Tây Phương Danh, LN sản xuất chế biến rượu Bàu Đá, LN tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, LN vải thổ cẩm Hà Rẽ thành LN gắn với du lịch. Tỉnh Phú Yên đang cùng với các tỉnh Khánh Hoà, Lâm Đồng hình thành tam giác du lịch gắn các LNTT với các tour du lịch để tạo ra thị trường xuất khẩu tại chỗ.
Tuy nhiên, thị trường đầu ra của các LN và NNTT còn nhỏ bé, thiếu ổn định, chủ yếu là tiêu thụ tại chỗ nhưng thị trường này cũng kém phát triển do trên 70% số hộ trong tỉnh có thu nhập chính từ nông nghiệp, đời sống của nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu rất hạn chế, các cơ sở sản xuất trong các LN nếu có xuất khẩu thì hầu hết thông qua uỷ thác. Công tác quảng bá, tham gia hội
chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm tuy có làm nhưng chưa được bao nhiêu. Việc đăng ký thương hiệu, xúc tiến bảo hộ tên, xuất xứ hàng hoá còn mới bước đầu, gặp nhiều lúng túng. ỞĐà Nẵng mới có sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước, Bình Định có rượu Bàu Đá mang nhãn hiệu công ty trách nhiệm hữu hạn - thương mại Thanh Thảo, rượu Bàu Đá doanh nghiệp tư nhân Ngọc Hương đăng ký thương hiệu. Ngay cả các sản phẩm có đăng ký thương hiệu nhưng do không quản lý được nên nhiều cơ sở sản xuất đã lợi dụng nhãn hiệu, sản xuất không đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm.
Bên cạnh đó , năng lực cạnh tranh của sản phẩm LN còn yếu do chưa tạo ra sự đồng đều về mẫu mã sản phẩm, cùng với tập quán sản xuất nhỏ nên nhiều hộ trong LN bằng lòng với sản phẩm của mình làm ra; kiểu dáng, mẫu mã, bao bì chậm đổi mới; sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Theo số liệu điều tra của Sở Công nghiệp Bình Định, trong tổng số các LN trên địa bàn tỉnh có 41,5% LN có sức cạnh tranh tốt còn lại đạt trung bình và yếu.