Đánh giá chung về hiệu quả và những tồn tại trong sử dụng đất

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG (Trang 70 - 72)

- Đất trồng rừng đặc dụng

2. Đánh giá chung về hiệu quả và những tồn tại trong sử dụng đất

Nhìn chung việc sử dụng đất trong những năm qua trên địa bàn vùng KTTĐMT đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đưa nền kinh tế toàn vùng cũng như các địa phương trong vùng ngày càng phát triển, đời sống xã hội ngày một nâng cao, được thể hiện ở một số mặt sau:

- Thực hiện giao đất sản xuất nông nghiệp ổn định cùng với các chính sách đẩy mạnh sản xuất hàng hoá đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp: giá trị sản xuất tăng từ 11,88 triệu đồng/ha năm 1995 lên 13,20 triệu đồng/ha năm 2000 và đạt 13,84 triệu đồng/ha năm 2005; sản lượng lương thực có hạt năm 2005 tăng gấp 1,4 lần so với năm 1995; bình quân lương thực có hạt đạt 270 kg/người…

- Đất lâm nghiệp được duy trì, phát triển trên cơ sở trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng, đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp của vùng lên đạt 521,7 tỷ đồng năm 2005, tăng gấp 5,74 lần so với năm 2000; nâng độ che phủ của rừng từ 37,44% năm 2000 lên đạt 40,31% năm 2005, từng bước cải thiện môi trường; giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho các hộ gia đình…

- Đất nuôi trồng thuỷ sản được sử dụng hiệu quả, phát huy khá tốt tiềm năng, lợi thế ven biển, đưa sản lượng nuôi trồng năm 2005 đạt 19.033 tấn, tăng gấp 2,34 lần năm 2000 và gấp 5,03 lần so với năm 1995.

- Việc bố trí quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư đô thị, nông thôn… đã tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển với tốc độ khá cao, bình quân đạt 10,10%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (7,50%); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 21% năm 1995 lên 28,3% năm 2000 và chiếm 37,3% năm 2005, tỷ trọng dịch vụ duy trì ổn định ở mức 40%; GDP bình quân đầu người tăng gấp 3 lần so với năm 1995 và đạt 5,94 triệu đồng năm 2005, cao hơn bình quân cả nước (4,73 triệu đồng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực trạng cho thấy việc sử dụng đất trên địa bàn vùng KTTĐMT vẫn còn bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục, đó là:

- Trong cơ cấu sử dụng, đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất cao (chiếm 85,31% diện tích đất đang sử dụng và 63,44% tổng diện tích tự nhiên), trong khi đất phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ còn thấp (chiếm 10,93% tổng diện tích tự nhiên và chiếm 14,69% tổng diện tích đất đang sử dụng). Điều này phản ánh phần nào thực trạng phát triển của các ngành phi nông nghiệp trên địa bàn vùng còn nhiều hạn chế.

- Đất chưa sử dụng vẫn còn nhiều, chiếm tỷ trọng khá lớn 25,63% trong cơ cấu sử dụng đất, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến môi trường bền vững.

- Quỹ đất dành cho các hoạt động phát triển kinh tế, phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch... nhiều nơi chưa được khai thác sử dụng hiệu quả, một số công trình, dự án đã được giao đất nhưng tiến độ triển khai còn chậm hoặc chưa được thực hiện, gây lãng phí trong sử dụng đất. Việc quản lý chưa chặt chẽ, nhất là cấp cơ sở đã dẫn đến việc sử dụng đất chưa hợp lý, kém hiệu quả và sai mục đích ở một số địa phương.

- Việc khai thác, chặt phá rừng bữa bãi trong những năm trước đây đã để lại hậu quả kéo dài, làm rửa trôi, xói mòn đất ở vùng đồi núi, gây hạn hán, lũ lụt cho hạ lưu, hủy hoại môi trường sinh thái và ô nhiễm tài nguyên đất ở các khu vực ven biển.

- Việc mất đất nông nghiệp cho các mục đích phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hoá là điều tất yếu trong quá trình phát triển, song lại đặt ra thách thức cho sản xuất và đời sống người dân nông thôn, nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu của vùng khá khắc nghiệt.

- Quá trình khai thác khoáng sản, nguyên vật liệu thiếu kế hoạch tái tạo trong sự dụng không chỉ phá hủy cảnh quan, bề mặt tự nhiên của đất mà còn gây ô nhiễm môi trường đất bởi các chất độc hại được thải ra.

- Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, việc sử dụng quá nhiều các chất hoá học trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là nguyên nhân làm giảm số lượng của nhiều loại vi sinh vật có ích, giảm đa dạng sinh học cũng như tăng hàm lượng các chất gây độc trong đất do hàm lượng tồn dư.

- Các chất thải, nước thải, rác thải trong các đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh… cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sống cũng như tác động xấu đến môi trường đất…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên cần quan tâm một số vấn đề cơ bản sau:

- Cần quy hoạch ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phù hợp với tiềm năng đất đai của từng khu vực, thực hiện đầu tư thâm canh theo chiều sâu, sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa theo hướng xuất khẩu. Tăng cường có hiệu quả công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, duy trì diện tích thành rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

- Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tăng cường sức hút đầu tư phát triển kinh tế, đô thị bằng những chính sách hợp lý cũng như ưu tiên đầu tư vốn cho các công trình, dự án trọng điểm,

đặc biệt là các khu kinh tế như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội; các khu công nghiệp như Phú Bài, Hoà Khánh, Điện Nam - Điện Ngọc, Tịnh Phong, Phú Tài….

- Xây dựng quy hoạch thống nhất trên địa bàn toàn vùng cũng như trên địa bàn từng tỉnh; quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt. Kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích…

- Cụ thể hóa các văn bản pháp luật đất đai của Nhà nước vào tình hình thực tế của vùng cũng như từng địa phương, tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý đất đai cấp cơ sở...

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w