I. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐA
4. Công tác quản lý, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên trong những năm qua việc lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được các tỉnh trong vùng quan tâm triển khai ở cả 3 cấp tỉnh,
huyện, xã, cụ thể như sau:
- Cấp tỉnh: Cả 5 tỉnh, thành phố trong vùng đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2000 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, các đơn vị tiếp tục tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010), trong đó Đà Nẵng đã được phê duyệt, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế đang trình Chính phủ xét duyệt…
- Cấp huyện: Đã và đang triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cho 41/57 đơn vị (đạt 71,9%), trong đó 28 huyện đã được xét duyệt, 13 huyện đang triển khai; còn 16 huyện chưa thực hiện thuộc tỉnh Bình Định (9 huyện) và Quảng Nam (6 huyện).
- Cấp xã: Đã và đang triển khai ở 169 đơn vị (đạt 23,74%), trong đó có 133 xã đã được xét duyệt, 36 xã đang triển khai. Toàn vùng hiện còn 543 xã chưa triển khai, trong đó Quảng Ngãi 180 xã, Bình Định 155 xã, Quảng Nam 93 xã.
Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm cũng được quan tâm triển khai, cụ thể:
- Cấp tỉnh: 100% đơn vị đã lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2001 - 2005) được Chính phủ xét duyệt. Hiện nay, ngoại trừ Bình Định đang triển khai lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2006 - 2010, các đơn vị còn lại đang hoàn tất thủ tục trình Chính phủ xét duyệt.
- Cấp huyện: Đã có 54/57 huyện trong vùng lập kế hoạch sử dụng đất và đã được xét duyệt, 3 huyện còn lại đang tiến hành triển khai.
- Cấp xã: Toàn vùng có 532 đơn vị đã và đang lập kế hoạch sử dụng đất, đạt 74,72%; riêng tỉnh Quảng Ngãi 100% số xã chưa được triển khai.
Nhìn chung những năm qua, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, góp phần đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại:
- Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế nên tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã còn chậm, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
- Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số nơi chưa thật nghiêm túc. Việc phá vỡ quy hoạch tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển mục đích sử dụng đất theo lợi ích trước mắt vẫn còn xảy ra (như phá rừng ngập mặn ven biển, chuyển đất trồng lúa nước sang nuôi tôm).
- Một số phương án quy hoạch sử dụng đất được xây dựng chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong việc thực hiện quy hoạch, làm cho hiệu quả và tính khả thi của quy hoạch chưa cao.