KHÁI QUÁT PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘ

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG (Trang 82 - 84)

Từ những tiềm năng và lợi thế so sánh, thời cơ và thách thức đối với vùng KTTĐMT; mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng đến năm 2010 và 2020 đặt ra như sau:

1. Phương hướng, mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐMT với tốc độ nhanh và bền vững, trở thành khu vực phát triển năng động, một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế; cải thiện cơ bản đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân trong vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế để trở thành vùng công nghiệp lớn của cả nước với các trung tâm dịch vụ hiện đại vào năm 2020; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực của vùng và tranh thủ sự hỗ trợ ban đầu từ bên ngoài để VKTTĐMT phát triển nhanh, làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn vùng Trung Bộ và Tây Nguyên, thực hiện vai trò “cửa mở” ra bên ngoài, đưa miền Trung sớm hoà đồng với sự phát triển chung của cả nước và hội nhập với khu vực.

- Nhanh chóng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng mạnh và đồng bộ, tạo dựng môi trường pháp lý ổn định để phát triển mạnh công nghiệp và du lịch dịch vụ, trong đó có các trọng điểm như lọc hoá dầu, đóng tầu, luyện kim, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu, chế biến thực phẩm, dịch vụ cảng biển và hàng hải, phát triển tổng hợp du lịch.

- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí phải được đặt ở vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển. Đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của VKTTĐMT và của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

- Phát triển công nghiệp và đô thị phải gắn liền với yêu cầu sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Kết hợp đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế với giải quyết từng bước các vấn đề xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững. Bên cạnh tập trung phát triển các đô thị và cảng biển, các khu công nghiệp tập trung ven biển, phải chú

trọng phát triển nông nghiệp và công nghiệp nông thôn ở vùng đồng bằng, bãi ngang ven biển, miền núi của các tỉnh nhằm hướng tới giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cân bằng trong tương lai.

- Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh, chú trọng vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.

2. Phương hướng, mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 1,2 lần, giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 1,25 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tổng sản phẩm trong vùng (GDP) năm 2010 ít nhất tăng gấp trên 2,7 lần so với năm 2000 và năm 2020 gấp trên 3,5 lần so với năm 2010.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt: Công nghiệp - xây dựng: 40%; Dịch vụ: 41 - 42%; Nông - lâm - thuỷ sản: 18 - 19% vào năm 2010 và tương ứng đạt 47 - 48%; 44 - 46%; 6 - 9% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 5% hiện nay lên khoảng 5,5% vào năm 2010 và 6,5% vào năm 2020, trong đó đóng góp trên 36% tổng GDP của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

- Nâng GDP bình quân đầu người lên đạt 6 triệu đồng vào năm 2010 và 12,5 triệu đồng vào năm 2020 (giá cố định năm 1994). Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 149 đô la Mỹ năm 2005 lên 375 đô la Mỹ năm 2010 và 2.530 đô la Mỹ năm 2020.

- Tăng mức đóng góp của vùng trong thu ngân sách của cả nước từ 4,6% năm 2005 lên 6% năm 2010 và 7% năm 2020.

- Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20%/năm trong tiến trình hiện đại hoá, nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt khoảng 50%.

- Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ đô thị hoá của vùng đạt 37,3% và đến năm 2020 đạt khoảng 52%.

- Giảm và giữ không tăng tỷ lệ lao động không có việc làm xuống 5% và tiếp tục kiểm soát dưới mức an toàn cho phép là 4% đến năm 2020, phấn đấu mỗi năm giải quyết hơn 60 - 70 nghìn chỗ làm việc mới.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,5% năm 2005 xuống dưới 8,8% năm 2010 và khoảng 2% năm 2020.

- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường bền vững ở đô thị và nông thôn.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG (Trang 82 - 84)