- Công nghiệp và xây dựng 96.913 142.621 157.808 10,
4. Thực trạng phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn
Mạng lưới đô thị hiện nay của vùng bao gồm 5 thành phố (Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tam Kỳ), 1 thị xã (Hội An) và 57 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 132.299 ha, dân số 1.851,7 nghìn người (chiếm 29,85% dân số toàn vùng). Trong đó:
- Thành phố Huế (đô thị loại I): gồm 20 phường nội thị, 5 xã ngoại thị với tổng diện tích tự nhiên 710 ha, dân số trung bình 321.498 người; mật độ dân số bình quân 4.529 người/km2. Đây không những là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước.
- Thành phố Đà Nẵng (đô thị loại I): là thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 8 đơn vị hành chính (6 quận và 2 huyện, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa) với quy mô diện tích 125.644 ha, dân số 777.135 người; mật độ dân số bình quân đạt 619 người/km2 (khu vực nội thị đạt 2.741 người/km2). Đây là trung tâm của vùng KTTĐMT, giữ chức năng đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, dịch vụ của miền Trung và cả nước.
- Thành phố Quy Nhơn (đô thị loại II): là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội của tỉnh Bình Định, bao gồm 16 phường nội thị, 4 xã ngoại thị với tổng diện tích tự nhiên 21.644 ha, dân số trung bình 255.100 người, mật độ dân số bình quân 1.179 người/km2.
- Thành phố Quảng Ngãi (đô thị loại III): là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, gồm 8 phường nội thị, 2 xã ngoại thị với tổng diện tích tự nhiên 3.712,33 ha, dân số trung bình 119.306 người, mật độ dân số bình quân 3.214 người/km2.
- Thành phố Tam Kỳ (đô thị loại III): Là đô thị hạt nhân lớn nhất với vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh Quảng Nam; gồm 8 phường nội thị, 13 xã ngoại thị với tổng diện tích tự nhiên 9.263,52 ha, dân số trung bình 177.253 người, mật độ dân số bình quân 516 người/km2.
- Thị xã Hội An (đô thị loại III): thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, gồm 8 phường nội thị, 5 xã ngoại thị với tổng diện tích tự nhiên 6.145,36 ha, dân số trung bình 83.069 người, mật độ dân số bình quân 1.352 người/km2. Đây là đô thị cổ còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Ngoài ra, toàn vùng còn có 57 thị trấn, chủ yếu là trung tâm hành chính kinh tế văn hóa xã hội của các huyện. Trong đó các thị trấn Tô Hạp, Phước Dân, ... có mức tập trung dân cư tương đối cao, làm nhiệm vụ đô thị hạt nhân. Các thị trấn còn lại thường có quy mô nhỏ, mới chỉ mang tính chất hành chính, màu sắc đô thị chưa rõ nét, cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp.
* Nhận xét chung:
Trong những năm qua, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn vùng diễn ra khá mạnh mẽ với tốc độ đô thị hoá đạt gần 30%, cao hơn so với trung bình toàn quốc (24,8%). Ở các đô thị trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - xã hội của các tỉnh và nội vi thành phố Đà Nẵng, nhịp độ xây dựng đô thị diễn ra khá sôi động, nhất là xây dựng nhà ở, các công trình kinh doanh dịch vụ, công trình công cộng... góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa chung của vùng; vị thế các đô thị ngày càng được khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Về kiến trúc không gian, trong các đô thị lớn đa phần các khu dân cư đô thị được phân bố khá hợp lý, nhà xây dựng kiên cố, bán kiên cố, nhiều công trình có kiến trúc hiện đại, cơ sở hạ tầng ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại:
- Các đô thị chưa phát huy hết tiềm năng, vai trò là hạt nhân và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Cơ sở kinh tế - kỹ thuật tạo động lực phát triển đô thị còn yếu, chưa tạo ra nguồn thu lớn cho nền kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân đô thị.
- Sắc thái đô thị mới chỉ thể hiện rõ nét ở các khu vực trung tâm, dọc các tuyến phố chính, nhiều khu vực đô thị còn mang dáng dấp nông thôn, tỷ lệ xây dựng thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng (như điện, nước...) còn thiếu, nhiều nơi còn mang tính tạm bợ, đặc biệt là hệ thống đô thị vệ tinh, đô thị trung tâm huyện lỵ.
- Đa phần nhà ở chất lượng thấp, tầng cao xây dựng, hệ số sử dụng đất thấp, nhà tạm chiếm tỷ lệ cao. Hầu hết các đô thị nhỏ chưa có hệ thống thoát nước bẩn, rác thải chưa được thu gom và xử lý đã phần nào gây ô nhiễm môi trường.
- Sự cách biệt giữa khu vực phát triển và kém phát triển trong đô thị, giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn.
- Nhu cầu phát triển đô thị lớn nhưng nguồn lực và khả năng cung cấp vốn còn hạn chế.
Trong tương lai, cùng với sự hình thành và phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch,… dự báo quá trình đô thị hóa của vùng sẽ tiếp tục diễn ra rất mạnh mẽ với tốc độ cao, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO, nhu cầu đầu tư nước ngoài ngày càng lớn, vì vậy những hạn chế nêu trên là một thách thức đối với quá trình phát triển của vùng.
4.2. Thực trạng phát triển khu dân cư nông thôn
Theo số liệu thống kê năm 2005, toàn vùng có 626 xã với tổng diện tích đất khu dân cư nông thôn 237.717 ha, là địa bàn cư trú của 4.350,5 nghìn người, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Nam (chiếm trên 38% dân số nông thôn toàn vùng). Nhìn chung các khu dân cư được phát triển theo những hình thức khác nhau như thôn, bản, ấp... và được phân bố dưới các dạng:
- Điểm dân cư tập trung: phát triển như các thị tứ, trung tâm cụm xã, trung tâm xã, trung tâm kinh tế xã và các nông trường quốc doanh.
- Điểm dân cư theo tuyến: phát triển dọc theo các trục giao thông quan trọng (các nút giao thông) hoặc ở các trung tâm khu kinh tế mới, trung tâm xã, nông trường, trung tâm cụm xã.
- Các điểm dân cư nông thôn còn lại chủ yếu nằm dưới dạng phân tán, quy mô nhỏ (vài chục nóc nhà/điểm) rất khó xác định được ranh giới khu dân cư.
Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án như: Chương trình 327, 773, chương trình xóa đói giảm nghèo, dự án xây dựng trung tâm cụm xã, dự án định canh định cư,... trong những năm qua đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của vùng và được thể hiện thông qua một số chỉ tiêu sau:
- Tỷ lệ xã có điện toàn vùng đạt 98,91%, trong đó Đà Nẵng, Bình Định đạt 100%, thấp nhất là Quảng Nam đạt 98,05%.
- Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm toàn vùng đạt 96,73%, trong đó Đà Nẵng, Quảng Ngãi đạt 100%, thấp nhất là Thừa Thiên Huế đạt 90,67%.
- Tỷ lệ xã có trường tiểu học toàn vùng đạt 99,86%, trong đó riêng Thừa Thiên Huế đạt 99,33%, còn lại đạt 100%.
- Tỷ lệ xã có trường THCS toàn vùng đạt 85,15%, trong đó Đà Nẵng đạt 100%, còn lại từ 64 - 96%.
- Tỷ lệ xã có trạm y tế toàn vùng đạt 99,86%, trong đó riêng Quảng Nam đạt 99,51%, còn lại đạt 100%.
- Tỷ lệ xã có điện thoại toàn vùng đạt 97,55%, trong đó riêng Quảng Nam đạt 91,22%, còn lại đạt 100%.
* Nhận xét chung:
Về cơ bản các khu dân cư nông thôn trên địa bàn vùng không ngừng được đầu tư, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, không gian khu dân cư được mở rộng, điều kiện sống của người dân nông thôn từng bước được nâng lên; song thực trạng phát triển cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập cần được giải
quyết:
- Trừ Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là 2 địa phương có hệ thống giao thông nông thôn khá tốt (tỷ lệ bê tông hóa cao tương ứng đạt 80% và 70%), còn lại các tỉnh khác hầu hết giao thông nông thôn có kết cấu đường đất, lội về mùa mưa, bụi về mùa khô, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.
- Phần lớn nhà ở trong các khu dân cư được phân bố rải rác, khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, nước...) nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân.
- Nhà ở được xây dựng theo lối cổ truyền, phụ thuộc tập quán của từng dân tộc, có điều kiện sống thấp, tỷ lệ nhà kiên cố thấp, chủ yếu là nhà bán kiên cố và nhà tạm.