Tây Nguyên là vùng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo, là một trong 7 vùng văn hóa lớn của nước ta. Tây Nguyên là vùng đất gặp gỡ nhiều luồng dân cư, nơi giao lưu văn hóa của nhiều tộc người, văn hóa Tây Nguyên vì vậy có nhiều màu sắc.
Sử thi Tây Nguyên là một dạng tự sự dân gian, gắn với những đặc thù Tây Nguyên về môi trường tự nhiên, truyền thống dân tộc bản địa, trình độ phát triển kinh tế-xã hội và các đặc trưng văn hóa, tạo nên sự thống nhất thể loại: độ dài tác phẩm, phương thức diễn xướng, hình thức truyền miệng, nội dung và đặc trưng nghệ thuật. Độ dài của sử thi thường 40-50 trường đoạn. Hình thức diễn xướng là hát kể, trong đó hát là cơ bản, còn kể là phụ. Chính vì vậy, sử thi Tây Nguyên được phổ biến rộng khắp vì lưu truyền lâu dài qua các thế hệ, mang tính cộng đồng và nhân dân sâu sắc.
Nhân vật anh hùng là biểu tượng của sức mạnh, ước vọng của cộng đồng, mẫu hình của chân, thiện, mỹ. Đặc trưng của sử thi là tính kỳ vĩ, thần kỳ, phóng đại đầy chất thi hứng.
Sử thi Tây Nguyên với Đăm xăn ra đời thế kỷ XVII, “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, Chương Han, Đăm Di, Kinh Dú, Sinh Nhã, Xinh Chi Ôn, Djông, Đam Noi, Dăm Dơ Roăn… phản ánh bức tranh xã hội cổ truyền đa dạng và phong phú, có giá trị nghệ thuật là vốn văn hóa dân gian mang tính nhân bản sâu sắc. Không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên làm phong phú văn hóa các dân tộc Việt Nam và là yếu tố quan trọng cho du lịch Tây Nguyên phát triển.
Ngoài các lễ hội dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, những năm gần đây các tỉnh tổ chức các lễ hội văn hóa tạo nên sinh hoạt truyền thống như:
- Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2005. Festival Hoa bao gồm các triển lãm hoa, hội thảo hoa, hội chợ hoa với các hoạt động giới thiệu các loài hoa trong nước và trên thế giới. Cùng với Festival Hoa còn có các hoạt động hội chợ thương mại, biểu diễn nghệ thuật, đêm hội rượu vang Đà Lạt, chinh phục đỉnh Langbiang… Năm 2009 Đà Lạt được Chính phủ công nhận là Thành phố Festival Hoa.
- Lễ hội ngành thêu được tổ chức vào ngày 12/6 âm lịch với tất cả nghệ nhân ngành thêu cả nước về Đà Lạt giỗ tổ ngành thêu. Lễ hội được tổ chức ba ngày. Ngày thứ nhất được gọi là “hội hành hương”. Ngày thứ hai lễ hội thi “người đẹp ngành thêu”. Ngày thứ ba là chương trình thời trang. Lễ hội ngành thêu là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của ngành thêu đang phát triển mạnh ởđây.
- Lễ hội văn hóa Trà được tổ chức đầu tiên tại Thị xã Bảo Lộc vào năm 2006; quy tụ 50 thương hiệu Trà của cả nước, mang dấu ấn đẹp và sâu đậm về một thế giới trà Việt. Trà từ lâu là một sản vật truyền thống nổi tiếng của cao nguyên B’lao và ngày nay đang được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.
- Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột do UBND tỉnh Đăk Lăk và Hiệp hội Cà phê Việt Nam tổ chức, nhằm tôn vinh ngành sản xuất cà phê, vinh danh những doanh nghiệp cà phê nổi tiếng, đồng thời tìm kiếm cơ hội cho đầu tư và tiêu thụ cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.