Về tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác phân bổ ngân sách nhà nước Tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2007 – 2010.doc (Trang 39 - 41)

4. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

2.1.2.1.2 Về tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2006 đạt 10,4%, là giai đoạn có mức tăng trưởng khá cao, tương đối ổn định và có tính bền vững hơn so với các giai đoạn trước.

Cơ cấu kinh tế công nghiệp - du lịch, dịch vụ - nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Năm 2006, tỷ trọng giá trị công nghiệp - xây dựng 35,9%, dịch vụ 43,1%, nông nghiệp 21% (năm 2000, tương ứng là: 30,9% - 45% - 24,1%). Các vùng, các thành phần kinh tế phát triển đồng đều. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực.

Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại ngày càng mở rộng, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc đổi mới, góp phần nâng cao vị thế của thành phố Huế và của tỉnh, từng bước trở thành trung tâm quan hệ đối ngoại và hợp tác với

các tỉnh láng giềng, các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế, mở ra khả năng mới trong hợp tác và hội nhập.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) có chuyển biến, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính phủ (ODA) và phi chính phủ (NGO) năm sau cao hơn năm trước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã đóng góp tích cực vào phát triển KTXH và tăng nguồn thu NS.

Xuất khẩu tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là hàng thủy sản, giá cả biến động nhưng bình quân hàng năm vẫn tăng 13,9%. Một số sản phẩm tăng khá như khoáng sản, hàng dệt may, dăm gỗ, thủ công mỹ nghệ... Hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho nền kinh tế. Giá trị sản xuất tăng bình quân 16,1%/năm, so với năm 2000, công nghiệp chế biến khoáng sản tăng 6,5 lần, chế biến thực phẩm tăng 1,8 lần, vật liệu xây dựng tăng 1,9 lần... các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như xi măng, sợi, bia, vật liệu xây dựng,... có mức sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh, có uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Các ngành dịch vụ khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế so sánh; xây dựng mạng lưới rộng khắp và đa dạng; giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 10,2%, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP. Cơ sở vật chất một số ngành dịch vụ như bưu chính - viễn thông, ngân hàng, du lịch, bảo hiểm, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục... được đầu tư hiện đại, mở rộng quy mô, nhiều loại hình dịch vụ mới.

Du lịch phát triển cả quy mô và chất lượng, sản phẩm từng bước đa dạng. Hoạt động tuyên truyền quảng bá mở rộng thị trường được chú trọng, tiềm năng văn hóa, du lịch được phát huy. Đặc biệt, thành công của 3 kỳ Festival đã mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch. Hoạt động du lịch được xã hội hóa với nhiều hình thức phong phú: nhà vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, lễ hội; gắn du lịch với khôi phục ngành, nghề thủ công truyền thống.

Nông nghiệp phát triển khá tích cực và có mặt bền vững. Đã tập trung công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ sinh học; từng bước mở mang ngành, nghề và dịch vụ trong nông thôn; hoàn thành công tác “dồn điền, đổi thửa”. Mặc dù chịu ảnh hưởng thiên tai (bão lụt, hạn hán), nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, vùng gò đồi, miền núi đã khẳng định được hiệu quả kinh tế vườn và một số cây chủ lực có giá trị cao như cao su, cà phê, sắn nguyên liệu.

Lâm nghiệp phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng gò đồi và miền núi, tạo ra sản phẩm mới để xuất khẩu. Đã trồng mới gần 19 nghìn ha rừng tập trung, trên 10 nghìn ha rừng phân tán, khoanh nuôi tái sinh trên 6 nghìn ha/năm.

Nuôi trồng thủy sản tăng nhanh cả diện tích, sản lượng, hiệu quả; phương thức, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng. Năng suất tôm nuôi bình quân tăng từ 0,36 tấn/ha lên 1,06 tấn/ha, tăng 2,9 lần. Hình thành một số khu nuôi tôm công nghiệp trên cát, bước đầu mang lại hiệu quả.

Tài chính, ngân hàng có bước tiến tương đối vững chắc. Các nguồn thu ổn định và phát triển, thu NS hằng năm đều đạt và vượt. Tỷ lệ huy động NS từ GDP năm 2006 là 16,2%, cao hơn 3,4% so với giai đoạn 1996 - 2000 (12,8%) và đã là thành viên “câu lạc bộ 1.000 tỷ”. Chi NSĐP năm 2006 tăng 2 lần so với năm 2001, chủ yếu tăng chi ĐTPT kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế,... Đáp ứng tốt hơn nhu cầu củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Các thành phần kinh tế phát triển tích cực, đúng hướng, nhất là kinh tế tư nhân. Công tác sắp xếp, đổi mới DNNN thực hiện đúng lộ trình của Chính phủ. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa từng bước nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, bình quân doanh thu tăng gấp 2,9 lần, đóng góp NSNN tăng 4,5 lần [38].

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác phân bổ ngân sách nhà nước Tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2007 – 2010.doc (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w