Xây dựng khung thể chế thuận lợi cho logistics

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 134 - 136)

Biểu đồ 3.1: So sánh chỉ số LPI 2012 của Việt Nam Singapore Thái Lan Malaysia

3.2.4. Xây dựng khung thể chế thuận lợi cho logistics

Nếu như hạ tầng cơ sở quyết định tốc độ phát triển của logistics thì khung thể chế là yếu tố quyết định qui mô và khả năng phát triển lâu dài của logistics. Đây là nhiệm vụ của Chính phủ.

Trước hết, cần phải ổn định chính trị, kinh tế, xã hộiquốc gia.Sự ổn định chính trị, kinh tế xã hội sẽ tạo môi trường hoạt động an toàn, hiệu quả cho logistics. Bài học từ sự ổn định của Singapore và những biến động chính trị của Thái Lan (tác động rõ rệt tới sự phát triển của logistics ở các quốc gia này), là những ví dụ điển hình cho sự tác động của ổn định chính trị xã hội tới công cuộc phát triển logistics.

Bên cạnh đó, chính phủ còn có thể tác động đến sự phát triển ngành logistics nói riêng thông qua việc ban hành và thực thi những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho logistics phát triển. Kinh nghiệm của các quốc gia nghiên cứu cho thấy, về thể chế phát triển logistics, các Chính phủ tập trung tác động đến 2 vấn đề chính là (i) thuận lợi trong các thủ tục thông quan và (ii) thuận lợi trong hoạt động thương mại và đầu tư.

Singapore tạo lập một môi trường mở hết sức thông thoáng, song cũng hết sức chặt chẽ. Các chính sách liên quan trực tiếp đến môi trường logistics, môi trường thương mại và đầu tư của Singapore rất thoáng và hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư, đặc biệt là các chính sách về thuế, thu nhập doanh nghiệp và chính sách tài chính. Các thủ tục thông quan của Singapore được công nghệ thông tin hỗ trợ tối đa để tạo thuận lợi cả về thời gian thực hiện lẫn quy trình thủ tục.

So với Singapore, Malaysia gặp phải khó khăn hơn Singapore rất nhiều trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho logistics do dân số đông, lãnh thổ rộng lớn khiến công tác quản lý nhà nước rất phức tạp, trong đó có cả vấn đề liên quan đến tôn giáo. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia đã thực thi nhiều chính sách tạo thuận lợi và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thu hút vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, kinh doanh logistics, nhất là logistics 3PL của các công ty logistics quốc tế. Bằng việc tạo thuận lợi cho môi trường thương mại, Malaysia tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, tự do đối với

môi trường logistics để tạo sức ép phát triển cho các nhà cung ứng dịch vụ logistics trong nước từ sức ép cạnh tranh đồng thời gián tiếp hỗ trợ cho logistics trong nước phát triển dưới nhiều hình thức có tính căn bản hơn như hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất trong nước để tăng cầu logistics nội địa, quảng bá và môi giới. Các website môi giới logistics, giới thiệu đầu tư, giới thiệu năng lực của các doanh nghiệp logistics Malaysia có thể được tìm kiếm dễ dàng trên mạng internet. Hệ thống thông tin khá mạnh và chính sách mở về thông tin cũng góp phần tạo nên một môi trường thuận lợi cho logistics phát triển.

Ở Thái Lan, các chính sách hỗ trợ thuận lợi hóa thương mại và thuận lợi hóa logistics đã được Thái Lan áp dụng từ lâu nhưng thủ tục thông quan của Thái Lan vẫn chưa thực sự được đánh giá cao về tính thuận lợi. Vấn đề của Thái Lan là thiếu đồng bộ trong chính sách. Khi hoạt động logistics 3PL phát triển với phương thức vận chuyển đa phương thức thì việc đồng bộ hóa các thủ tục thông quan, thủ tục kiểm hóa, các kênh vận tải khác nhau chưa phát triển theo kịp. Số lượng các công đoạn và hồ sơ thủ tục thông quan của Thái Lan còn tương đối nhiều gây cản trở cho việc thông quan hàng hóa. Một nguyên nhân căn bản khác nữa là năng lực thực thi chính sách của Thái Lan chưa tốt. Điều này thể hiện rõ khi mức độ lưu chuyển hàng hóa tăng cao việc giải quyết lúng túng trong vận hành hệ thống hải quan xảy ra thường xuyên, cụ thể là một số trục trặc trong thông quan hàng không và tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu đường bộ. Chính phủ Thái Lan cũng chưa có những chính sách cụ thể hướng vào việc thúc đẩy các dịch vụ logistics do các công ty Thái Lan cung ứng nên chưa tạo được động lực phát triển cho các doanh nghiệp logistics trong nước.

Với Việt Nam, để có thể chế thuận lợi cho logistics thì cần áp dụng bài học kinh nghiệm về vấn đề tạo dựng khung thể chế, tạo dựng môi trường thuận lợi để logistics phát triển. Một là, khung thể chế thuận lợi cho logistics phát triển phải bao gồm sự thuận lợi trong các thủ tục hải quan, giảm thiểu số công đoạn, thủ tục trong công tác thông quan. Vấn đề này liên quan đến các chính sách của chính phủ về các quy định, quy trình thông quan, các quy trình và tiêu chuẩn kiểm hóa.Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành hoạt động thông quan là nền tảng để tạo ra sự thuận lợi trong thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa.Ba là, năng lực thực thi các chính sách, quy định, quy trình hải quan, thông quan là yếu tố quyết định tính thuận lợi hóa.Bốn là, đồng bộ hóa hồ sơ thông quan là điều kiện để các thủ tục được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng.Năm là, ổn định chính trị, xã hội cũng là điều kiện chung tạo môi trường thuận lợi cho logistics phát triển.

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 134 - 136)