Định hướng phát triển logistic sở Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 140 - 143)

Biểu đồ 3.1: So sánh chỉ số LPI 2012 của Việt Nam Singapore Thái Lan Malaysia

3.3. Định hướng phát triển logistic sở Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Logistics có vai tròlà động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt phát triển thương mại trong nước và xuất nhập khẩu, cung ứng và phân phối hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, với thực trạng phát triển logistics chưa cao nên chi phí logistics chiếm tới gần 25% GDP của Việt Nam, cao hơn nhiều so với Singapore (8% GDP), Malaysia (13% GDP), Trung Quốc (18% GDP) và Thái Lan (19% GDP) vào năm 2009 [14,tr.86]).Theo một nghiên cứu, nếu giảm được 1% chi phí logistics có thể dẫn đến tiết kiệm nguồn lực tương đương 0,15% - 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) [26]. Chi phí logistics cao cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giảm sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và cản trở tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam nói chung. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 vừa được Diễn đàn

Kinh tế Thế giới (WEF) công bố khảo sát 144 nền kinh tế dựa trên 12 tiêu chí thì Việt Nam được xếp ở hạng 75/144, bị đánh tụt 10 bậc so với báo cáo năm 2012.

Việc gia nhập WTOtạo áp lực cạnh tranh trong ngành logistics của Việt Nam ngày một cao hơn. Dịch vụ logistics là một trong 12 ngành dịch vụ mà Việt Nam mở cửa khi hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ cho phép các công ty dịch vụ hàng hải, logistics 100% vốn nước ngoài hoạt động bình đẳng tại Việt Nam. Điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Vì vậy, cần phải nhanh chóng có những giải pháp, cơ chế chính sách pháp lý phù hợp để tạo điều kiện và thúc đẩy logistics Việt Nam phát triển.

Để đuổi kịp trình độ phát triển logistics trong khu vực, Việt Nam cần coi trọng việc phát triển logistics. Việc coi trọng phát triển logistics không chỉ làm thúc đẩy ngành này phát triển mà nó còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế quốc gia. Một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, đối với những nước đang phát triển, tất yếu cần phát triển lĩnh vực logistics, bởi có như vậy mới nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của quốc gia và thu hẹp được khoảng cách tụt hậu. Vì thế, với yêu cầu phát triển kinh tế quốc gia và với tính chất đặc biệt của ngành logistics, Việt Nam nên chú trọng phát triển logistics và có những chính sách, biện pháp thiết thực để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các quốc gia có trình độ logistics phát triển hàng đầu ở ASEAN, Việt Nam cần có một định hướng đúng cho phát triển logistics. Việc học hỏi những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực là rất cần thiết, không chỉ từ những bài học thành công mà cả những vấn đề các quốc gia đó đang gặp phải.

Với mục tiêu tổng quát là phát triển logistics quốc gia, tạo dựng những điều kiện tối ưu cho hoạt động logistics doanh nghiệp thực hiện hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững. Căn cứ trên các điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế xã hội, khí hậu, năng lực phát triển kinh tế, năng lực hạ tầng và môi trường logistics trong khu vực, định hướng phát triển logistics của Việt Nam cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, logistics trong khu vực đã phát triển mạnh với 2 nước tiên phong là Singpore và Malaysia, hai nước láng giềng là Lào và Campuchia chưa có hệ thống logistics phát triển nhưng láng giềng xa Thái Lan đã có những bước đi vượt trước Việt Nam để vươn lên trong việc phát triển logistics. Việt Nam cần phát triển logistics theo hướng liên kết với hệ thống logistics cụm các quốc gia lục địa, kết hợp với các cụm

quốc gia biển đảo để tham gia vào mạng lưới logistics khu vực, không cạnh tranh đối đầu với các nước đã phát triển và đang có lợi thế cạnh tranh lớn.

Thứ hai, Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện về nguồn lực kinh tế quốc gia nên cần chọn hướng phát triển phù hợp. Việt Nam nên tính đến giải pháp đầu tư theo hướng cải tạo, nâng cấp hơn là xây mới, chỉ xây mới những hạng mục còn thiếu hoặc các hạng mục bổ trợ. Những hạng mục nếu phải xây mới thì phải đảm bảo tính hiện đại, phù hợp và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, địa hình Việt Nam trải dài và hẹp theo trục Bắc - Nam, chỉ có hai vùng đồng bằng lớn là Đồng bằng Châu thổ Sông Hồng ở phía Bắc và Đồng bằng Nam bộ ở phía Nam, khu vực phía Bắc giáp Trung Quốc địa hình đồi núi phức tạp, dọc tuyến biên giới với Lào là dãy Trường Sơn cùng với một dải duyên hải hẹp, vùng biên giới Tây Nam Bộ với Cam-pu-chia tương đối rộng nhưng bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Địa hình này không thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng đường bộ, đường sắt theo mô hình mạng lưới mà nên phát triển theo mô hình xương cá với một tuyến trục chính kết hợp với các nhánh ngang. Đặc điểm của thềm lục địa Việt Nam không thuận lợi cho các tàu container trọng tải lớn, bờ biển dài nhưng mớn nước không sâu nên Việt Nam cần phát triển cụm vận tải biển theo hướng là điểm dừng và san hàng cho các tàu lớn, chỉ phát triển ở quy mô vừa đủ để làm trung tâm phân phối cho các nhóm tàu vừa và nhỏ. Trong kế hoạch phát triển 10 năm (2013-2023), Việt Nam chưa cần phát triển theo hướng tăng quy mô mà phải theo hướng tăng chất lượng hệ thống hạ tầng logistics. Điểm quan trọng nhất trong định hướng phát triển hệ thống hạ tầng logistics Việt Nam cần thực hiện là: Tập trung đầu tư mạnh để phát triển tính kết nối và hệ thống bổ trợ cho hạ tầng hơn đầu tư trực tiếp vào hạ tầng.

Thứ tư, phải hiện đại hóa logistics trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đặc trưng của ngành, cùng với xây dựng hạ tầng cơ sởvật chất, cần thiết phải đồng bộ hóa với việc phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông và đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn.

Thứ năm, tạo dựng môi trường để logistics phát triển. Có kế hoạch thúc đẩy sự tăng trưởng những nhà cung ứng dịch vụ logistics 3PL trong nước, xem đây là tiền đề phát triển thị trường dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Thứ sáu, Chính phủ không chỉ làm các nhiệm vụ có tính định hướng, thúc đẩy mà phải trực tiếp tham gia vào việc triển khai các kế hoạch phát triển logistics. Có như vậy, những chủ trương, chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 140 - 143)