Trường hợp Malaysia

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 105 - 109)

Biểu đồ 2.4: Chỉ số LPI Thái Lan 2007 2010 –

2.4.2. Trường hợp Malaysia

Những nhân tố tạo điều kiện thuận lợi cho logistics Malaysia phát triển

Với Malaysia, điều kiện tự nhiên, khí hậu và vị trí địa lý là những yếu tố thuận lợi cho logistics phát triển.

Về điều kiện kinh tế xã hội. Những bất ổn chính trị nội bộ do xung đột sắc tộc trong suốt những năm 70 của thế kỷ XX đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế Malaysia. Vì thế trong nhiều năm, kinh tế Malaysia phát triển dựa trên nền tảng một nền kinh tế nông nghiệp nhưng sau những năm 1990, nền kinh tế Malaysia bắt đầu chuyển hướng và phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại cùng với một xã hội dần đi vào ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho logistics phát triển với những dấu hiệu khởi sắc.

Mặc dù lộ trình phát triển logistics tại Malaysia khởi động khá muộn (so với Singapore) nhưng logistics Malaysia có những bước phát triển rất nhanh và vững chắc. Thành tựu này có được là nhờ những chuyển biến kịp thời của Malaysia vào những năm 1990. Cùng sự chuyển hướng kinh tế tập trung sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thì logistics cũng là một trong những ngành dịch vụ được Malaysia chú trọng phát triển, ban đầu là phục vụ chính ngành công nghiệp và nông nghiệp quốc gia, sau đó hướng tới tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong quá trình phát triển logistics, Malaysia đã có những định hướng khá hợp lý với điều kiện địa lý và kinh tế quốc gia.

Thứ nhất, vừa để phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, vừa khai thác yếu tố địa hình tự nhiên, Malaysia đã chọn con đườngphát triển logistics toàn diệnở mọi loại hình vận tải trong chuỗi cung ứng gồm đường bộ, đường sắt, vận tải biển và hàng không. Đối với Malaysia, đây là một lựa chọn rất hợp lý khi hệ thống đường bộ và đường sắt tạo nên một mạng lưới liên thông, kết nối hệ thống cảng biển, kho băi và sân bay với nhau và với các khu công nghiệp, khu chế xuất nằm sâu trong nội địa. Kênh vận chuyển đường bộ thuận lợi đã không chỉ hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất, gia công mà quan trọng hơn là tạo điều kiện cho các ngành sản xuất trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài có thể khai thác hệ thống vận chuyển đường bộ để giảm chi phí vận tải trong logistics do chi phí vận tải đường bộ và đường sắt thấp hơn nhiều so với đường biển và hàng không. Hơn nữa, hệ thống kết nối giữa các hình thức vận tải chính là lợi thế để vận tải đa phương tiện phát triển mạnh.

Với hạ tầng cảng biển, do đầu tư cho cảng biển đòi hỏi nguồn vốn lớn và mức độ gia tăng lợi ích cho logistics khi gia tăng đầu tư không cao như các hạ tầng khác nên Malaysia đã chọn phương án trải dài đầu tư cho hệ thống cảng biển, nâng cấp và phát triển theo từng giai đoạn. Việc đầu tư dần dần cho cảng biển của Malaysia cũng một phần do Malaysia muốn tạo dựng một sự phát triển bền vững chứ không nhắm tới mục tiêu chiếm ưu thế nhanh để tránh việc rơi vào thế cạnh tranh trực tiếp với cảng Singapore (vốn đã hoạt động và phát triển rất mạnh) và việc này đã giúp Malaysia đạt được những thành quả đáng kể. Điều này thể hiện rõ khi hầu hết các công ty logistics quốc tế lớn đã vào thị trường Malaysia và biến Malaysia thành một kho hàng chuyển tiếp chính trong khu vực Đông Nam Á.

Với hạ tầng hàng không, khác với hạ tầng cảng biển, Malaysia lại có một lộ trình phát triển rất nhanh. Với ưu thế về vị trí ngay sát trung tâm logistics thế giới (là

Singapore) nhưng kênh vận tải hàng không qua Singapore không lớn, đồng thời nhận thấy các nước láng giềng và các nước khác trong khu vực chưa có hệ thống vận tải hàng không phát triển, ngay từ năm 1993 Malaysia đã dồn khoản đầu tư lớn (3,5 tỷ USD) cho việc xây dựng sân bay quốc tế Kuala Lumpur và chỉ trong 5 năm đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Đối với phát triển logistics thì việc có một hệ thống vận tải hàng không mạnh có ý nghĩa rất quan trọng khi các hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không này là các hàng hóa có giá trị cao, yêu cầu thời gian vận chuyển ngắn, đòi hỏi độ an toàn cao và tất yếu, giá trị kinh tế mang lại cho logistics rất lớn. Quan trọng hơn là khả năng thúc đẩy phát triển logistics hiện đại. Lấy hàng không làm bàn đạp để tạo cú hích cho dịch vụ logistics phát triển là bước đi chiến lược thành công của Malaysia.

Thứ hai, việc thành lập các cảng nội địa (IDC) và các khu thương mại tự do (FCZ) là những hướng đi có tính đột phá và rất mới mẻ. Dù không nằm trong những yếu tố chính của chuỗi cung ứng nhưng đối với việc phát triển logistics của Malaysia thì sự phát triển của các yếu tố bổ trợ này lại có ý nghĩa rất lớn. Các ICD và FCZ gia tăng khả năng trung chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng từ hệ thống vận tải đường biển và đường hàng không sang hệ thống đường bộ và đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một hệ thống vận chuyển liên thông giữa Thái Lan - Malaysia - Indonesia - Singapore. Thành công nhất chính là Malaysia xây dựng được hệ thống các FCZ khi hàng hóa trong chuỗi cung ứng quá cảnh ở những khu vực này sẽ được giảm thiểu các thủ tục thông quan thông thường, các LSP có thể dễ dàng chuyển phương tiện vận tải, sang dỡ hàng hóa…. Chính những FCZ này cùng với những thuận lợi của nó đã thu hút hoạt động logistics khu vực và thúc đẩy logistics Malaysia phát triển mạnh mẽ.

Thứ ba, Malaysia không ngừng đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics. Nếu so với Singapore, Malaysia đứng thứ hai trong khu vực về phát triển công nghệ thông tin. Trên thực tế, Malaysia với hệ thống cáp quang được phủ gần kín toàn bộ lãnh thổ được xem là quốc gia có hệ thống mạng viễn thông lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ứng dụng công nghệ cao trong logistics thực sự là một bước đi đúng hướng của Malaysia và đã nâng tầm chất lượng cũng như vị thế của Malaysia trên thị trường logistics quốc tế.

Thứ tư,sự nhận thức kịp thời và vai trò của Chính phủ Malaysia. Dù khởi đầu phát triển logistics khá muộn - khi mà quốc gia láng giềng Singapore đã vươn lên trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng trong khu vực, nhưng một trong những yếu

tố quyết định sự thành công hiện nay của logistics Malaysia là sự nhận thức kịp thời và vai trò của Chính phủ Malaysia.

Trước hết, Chính phủ Malaysia có nhận thức đúng về tầm quan trọng của logistics trong phát triển kinh tế. Tiếp theo,Chính phủ Malaysia quyết tâm triển khai kế hoạch phát triển logistics qua hàng loạt các tác động trực tiếpnhư chủ động đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng phục vụ logistics, trực tiếp tham gia quản lý, đầu tư các công trình trọng điểm như cảng K’lang, sân bay KLIA… Cùng với các hoạt động trực tiếp, Chính phủ Malaysia đã xây dựng một môi trường phát triển thuận lợi cho logistics thông qua hệ thống chính sách chung và các chính sách cụ thể cho ngành logistics.

Vai trò nổi trội nhất của Chính phủ Malaysia trong việc phát triển kinh tế nói chung và logistics nói riêng là việc thành lập Quỹ đầu tư Nhà nước (Sovereign Wealth Fund - SWF). Bằng Quỹ này, Chính phủ Malaysia có thể tập trung huy động toàn lực cho những ngành định hướng mũi nhọn, trong đó, hệ thống đường bộ, đường sắt, các cảng và sân bay KLIA là những mục tiêu trọng tâm đã được đầu tư và do Chính phủ trực tiếp triển khai. Cùng với quỹ SWF, hạ tầng logistics của Malaysia được đầu tư mạnh mẽ nhờ vào thành công của Chính phủ Malaysia trong việc kết hợp các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế thông qua các hoạt động đầu tư liên kết từ các tập đoàn đầu tư liên kết giữa Chính phủ và tư nhân (nổi bật nhất là liên kết giữa Chính phủ và tập đoàn Khazanah Nasional Berhad).

Song song với phát triển hạ tầng phục vụ logistics, Chính phủ Malaysia cũng rất ý thức được vấn đề phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong phát triển logistics quốc gia và đã không ngừng đầu tư cho hệ thống giáo dục đào tạo nhân lực cho logistics. Ngoài các chuyên ngành dịch vụ và logistics tại các trường đại học, Chính phủ Malaysia đã thành lập Học viện quốc gia Malaysia về Đổi mới chuỗi cung ứng (Malaysia Institute for Suply Chain Innovation) trên cơ sở liên kết giữa Chính phủ và Viện công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ - MIT. Đây là trung tâm thứ tư trên thế giới đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng.

Một số vấn đề tồn tại và nguyên nhân

Diện tích lãnh thổ của Malaysia khá lớn và ngăn cách khiến việc đầu tư cho hệ thống đường bộ liên thông đòi hỏi những khoản ngân sách khổng lồ, thời gian thi công lâu. Malaysia có hệ thống cảng biển dày đặc nhưng không có những cảng nước sâu lớn, đủ sức cho những tàu trọng tải lớn neo đậu và bốc xếp. Do đó, Malaysia chỉ có thể

phát triển được một số cảng như K’lang, Penang… Hiện tại, các cảng của Malaysia vẫn không thể so sánh về quy mô, năng lực cũng như chưa đủ sức cạnh tranh với cảng Singapore ngay gần kề.

Malaysia đã tập trung phát triển logistics với tốc độ phát triển rất nhanh nhưng do xuất phát điểm chậm (chậm hơn sự phát triển logistics thế giới và Singapore) nên kết quả bị hạn chế rất nhiều, đặc biệt khó có thể cạnh tranh trực tiếp với láng giềng Singapore.

Mặc dù Malaysia có định hướng phát triển hệ thống logistics toàn diện với hạ tầng cơ sở logistics đồng bộ: đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không nhưng đây cũng là khó khăn rất lớn đối với Malaysia khi các khoản đầu tư phải dàn trải trên nhiều lĩnh vực và trên một diện tích lãnh thổ lớn. Chính vì thế, hệ thống hạ tầng logistics của Malaysia đầy đủ nhưng tính đồng bộ chưa cao. Các hệ thống kho bãi, cảng biển và sân bay chưa thực sự được kết nối hiện đại nên tình trạng ùn ứ tại các cảng vẫn là điểm yếu lớn nhất của logistics Malaysia.

Những thuận lợi ban đầu nhờ việc khai thác ưu thế đất rộng, xây dựng các kho bãi rất lớn tại các cảng đã đem lại cho logistics Malaysia sự phát triển nhanh trong thời gian đầu. Tuy nhiên, trong điều kiện yêu cầu về chất lượng chuỗi cung ứng đang ngày càng tăng, các yêu cầu thời gian bốc xếp, luân chuyển hàng hóa ngày càng khắt khe thì lợi thế này của Malaysia không còn nữa. Quy mô lớn nhưng chất lượng trang thiết bị, nhân lực và trình độ quản lý không tương xứng khiến logistics của Malaysia chững lại và nếu không khắc phục được tình trạng này, logistics Malaysia sẽ phải đối mặt với khủng hoảng do chi phí cho hạ tầng kho bãi ngày càng tăng.

Thêm vào đó, mô hình logistics hiện đại 3PL chưa thực sự phổ biến ở Malaysia. Hơn nữa, tốc độ phát triển hạ tầng logistics nhanh, tập trung vào các thành phố cảng kéo theo sự phát triển mất cân bằng giữa các khu vực. Tình trạng đô thị hóa nhanh tại các điểm tập trung logistics đang đẩy Malaysia đến một thực trạng phân hóa đô thị và phân hóa giàu nghèo khá nghiêm trọng.

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 105 - 109)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w