Trường hợp Singapore

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 102 - 105)

Biểu đồ 2.4: Chỉ số LPI Thái Lan 2007 2010 –

2.4.1. Trường hợp Singapore

Những nhân tố tạo điều kiện thuận lợi cho logistics Singapore phát triển

Thứ nhất, Singapore có lợi thế tự nhiên thuận lợi cho phát triển logistics và vận tải đường biển. Singapore đã định hướng khai thác vị trí địa lý thuận lợi của quốc gia để làm trạm trung chuyển hàng hóa của thế giới, biến điểm bất lợi của diện tích nhỏ hẹp thành lợi thế khi tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng logistics trong hai lĩnh vực là cảng biển và sân bay. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới xích đạo khá ôn hòa cũng là một điều kiện rất thuận lợi và phù hợp với việc phát triển logistics, đặc biệt thuận lợi cho một hệ thống logistics vận tải tập trung vào cảng biển quốc tế như Singapore.

Thứ hai, Singapore có điều kiện kinh tế xã hội phát triển sớm và ổn định. Điều kiện kinh tế xã hội của Singapore là nhân tố đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển logistics thành công của Singapore. Tuy chỉ mới trở thành một quốc gia độc lập từ năm 1965 nhưng kinh tế xã hội của Singapore đã liên tục phát triển mạnh mẽ và ổn định, đưa Singapore nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất trên thế giới. Trong điều kiện ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế, Singapore có lợi thế trong việc tạo dựng một môi trường tốt, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

trong lĩnh vực logistics, nhưng quan trọng hơn là tâm lý an toàn của cả người cung ứng và sử dụng dịch vụ logistics.

Thứ ba, Singapore coi trọng phát triển logistics quốc gia từ rất sớm. Đây là định hướng đúng đắn, được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.Những hệ thống hạ tầng hiện đại, hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ… cùng với sự thành công trong phát triển logistics đều là kết quả của những định hướng và bước đi đúng đắn trong quá trình phát triển kinh tế, nói chung và logistics, nói riêng.

Trước hết, Singapore ý thức được vai trò quan trọng của logistics trong phát triển kinh tế, dự đoán đúng xu thế phát triển của logistics nên ngay từ những năm 70 của thế kỷ 20 (tức là chỉ 5 năm sau khi giành độc lập), Singapore đã coi logistics là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển với việc thành lập Hiệp hội Logistics Singapore (SLA) [113].

Trong chiến lược phát triển logistics, ý thức được yếu tố địa lý quốc gia nhỏ hẹp, Singapore đã hướng việc phát triển hạ tầng cơ sở trước hết là vào hoạt động vận tải nhưng không dàn trải sang các hình thức vận tải đường bộ hay đường sắt mà tập trung đầu tư mạnh mẽ cho cảng biển và sân bay.

Cùng với hạ tầng cơ sở vật chất, Singapore đã định hướng đúng trong việc phát triển logistics dựa trên một hệ thống hạ tầng mềm là công nghệ thông tin viễn thông hiện đại. Trên một nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ và hiện đại, logistics Singapore có thêm sức mạnh, các ứng dụng tin học, điện tử hóa được áp dụng trong hoạt động logistics như hải quan điện tử, truy xuất đơn hàng tự động, quản lý và điều hành cảng công nghệ cao… với 5 hệ thống mạng liên kết rất mạnh là một trong những yếu tố then chốt giúp logistics Singapore có được vị trí số 1 thế giới như ngày nay.

Thứ tư, khung thể chế thuận lợi, môi trường kinh doanh hấp dẫn đã đem lại cho Singapore một hệ thống logistics rất sôi động. Năm 2012 Singapore được xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trên thế giới- WB vớinhiều chính sách trự tiếp và gián tiếp thúc đẩy phát triển logistics như các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hải quan... Nhờ đó, chỉ số về hoạt động Thương mại qua biên giới đứng thứ nhất và việc các công ty logistics tham gia mạnh mẽ vào thị trường là điều tất yếu để đem lại thành công cho logistics Singapore.

Điểm nổi bật nhất trong chính sách điều hành quản lý logistics của Singapore là chính sách “mở”, cho phép phát huy tối đa sức mạnh từ khối doanh nghiệp tư nhân và

đầu tư của nước ngoài. Điển hình là tập đoàn PSA- tập đoàn được thành lập bởi một thương nhân Trung Quốc Tan Kim Ching năm 1963, được Chính phủ ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư, quản lý cùng Chính phủ trong lĩnh vực logistics. Tập đoàn PSA là một trong hai chủ thể quản lý cảng Singapore và cũng là chủ đầu tư xây dựng sân bay Changi. Với quan điểm phát huy và tận dụng tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý của các tập đoàn logistics lớn trên thế giới, Singapore rất chú trọng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và theo đánh giá của WB, Singapore đứng thứ 2 trên thế giới về khả năng bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, nhân tố quyết định đem lại thành công cho Singapore là việc có một Chính phủ “thông minh”. Không chỉ thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ quản lý nhà nước cơ bản như định hướng phát triển đúng đắn, tạo lập khung thể chế thuận lợi cho logistics, Chính phủ Singapore còn thể hiện tầm nhìn xa khi có chủ trương phát triển logistics lâu dài dựa trên việc tăng chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ cho phát triển kinh tế nói chung, mà còn có các biện pháp cụ thể cho phát triển nguồn nhân lực logistics. Bên cạnh đó, cùng với các chính sách phát triển hạ tầng cơ sở, Chính phủ Singapore đã chủ động đầu tư phát triển logistics từ ngân sách quốc gia. định hướng đầu tư mạnh hơn cho logistics để thúc đẩy ngành dịch vụ Logistics phát triển kịp tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế thế giới. Trong kế hoạch 5 năm (2010-2015), Chính phủ Singapore công bố sẽ dành 42 triệu SGD cho các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy logistics quốc gia phát triển hơn nữa.

Một số tồn tại, thách thức

Với vị trí đứng thứ nhất/nhì thế giới, logistics ở Singapore thực sự đã phát triển rất mạnh về mọi mặt. Tuy nhiên, trên quan điểm toàn diện và trong mối tương quan với logistics toàn cầu, kết hợp với quan điểm phát triển bền vững, có thể nhận thấy, sự phát triển logistics ở Singapore cũng tiềm ẩn những tồn tại và thách thức, tuy không nhiều. Tốc độ phát triển logistics Singapore đang có xu hướng chậm hơn so với sự phát triển của lưu thông hàng hóa quốc tế. Khó khăn này thể hiện rất rõ trong chỉ số LPI Singapore qua các năm 2007 - 2010 - 2012, chỉ số về vận chuyển hàng hóa quốc tế giảm điểm từ 4,04 năm 2007 xuống 3,86 năm 2010 và chỉ nhích lên được 3,99 năm 2012.

Vấn đề đáng quan tâm và sẽ trở thành khó khăn đối với Singapore là khả năng duy trì và tiếp tục phát triển logistics. Khó khăn này xuất phát từ yếu tố hạn chế về địa

lý nhỏ hẹp. Mặc dù Singapore rất ý thức được những hạn chế về diện tích lãnh thổ và tài nguyên đất nên đã tập trung phát triển logistics theo hướng nâng cao chất lượng và kỹ năng quản lý logistics với hệ thống cảng biển hiện đại, tốc độ bốc xếp luân chuyển hàng hóa cao, sân bay được tự động hóa… và Singapore đã thành công. Nhưng trong điều kiện thương mại toàn cầu vẫn tăng trưởng mạnh, lượng hàng hóa lưu thông ngày càng lớn và có tính hệ thống, liên kết cao thì đến một ngưỡng nhất định, quy mô cũng là một yếu tố cần phải có nếu muốn duy trì vị thế và sự phát triển logistics. Khả năng mở rộng quy mô của cảng Singapore cùng với hệ thống kho bãi luân chuyển hàng hóa của Singapore gần như không có, Singapore chỉ có thể mở rộng cảng theo hướng lấn sâu ra biển nhưng việc này đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn và đây thực sự sẽ là một thách thức lớn đối với Singapore. Sân bay Changi cũng đang trong tình cảnh phải đối mặt với việc phải mở rộng quy mô. Năm 2012, Singapore đã phải đóng cửa nhà ga giá rẻ (budget terminal) để xây dựng nhà ga số 4 nhằm tăng khả năng đáp ứng số lượng chuyến bay ngày càng lớn và phục vụ những máy bay siêu lớn như Airbus A380.

Bên cạnh đó, một đất nước số hóa có hệ thống logistics vận hành trên nền tảng công nghệ thông tin và mạng internet như hiện nay cũng đặt ra một khó khăn trong việc quản lý hệ thống. Tính thông suốt và đồng bộ trong hệ thống là điểm mạnh nhưng cũng sẽ là mối nguy nếu vấn đề an ninh mạng không được đảm bảo hoặc những sự cố kỹ thuật bất ngờ xảy ra. Hơn nữa, nằm trong bối cảnh chung của khu vực, các vấn đề liên quan đến chính trị và tranh chấp khu vực Biển Đông cũng sẽ ít nhiều gây khó khăn cho hoạt động vận tải biển là hoạt động logistics chủ yếu của Singapore.

Một phần của tài liệu Phát triển logistics ở khu vực đông nam á kinh nghiệm bài học đối với việt nam (Trang 102 - 105)