Yêu cầu cơ bản hiện nay là phát triển được đội ngũ thanh tra giáo dục bậc phổ thông các cấp đủ số lượng, mạnh về chất lượng, cụ thể là đạt được các tiêu chí về phẩm chất, năng lực và trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thanh tra. Đồng thời với kiện toàn bộ bộ máy quản lý, công tác thanh tra cần có những phương thức tổ chức hoạt động thanh tra hợp lý, hiệu quả phù hợp với tình hình hình giáo dục của địa phương.
Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ thanh tra giáo dục bậc phổ thông do Sở GD&ĐT và các Phòng GD&ĐT và cơ quan tổ chức chính quyền thực hiện. Các đơn vị có trách nhiệm lên kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hay trưng tập (đối với cộng tác viên thanh tra) đồng thời đề đạt nguyện vọng, tham mưu cho cấp trên về những ứng cử viên, theo dõi và phản ánh về kết quả công việc của các cá nhân. Các đơn vị cần phải xây dựng được hệ thống những tiêu chuẩn lựa chọn để căn cứ vào đó có thể dễ dàng
chọn lựa đúng người, phù hợp với công tác thanh tra.
Việc tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ thanh tra giáo dục bậc phổ thông cần tính đến nhu cầu, sự phù hợp và đảm bảo chất lượng cho hoạt động thanh tra. Nguyên tắc tuyển chọn phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của các Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT, vì chất lượng giáo dục bậc phổ thông của địa phương. Tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ thanh tra giáo dục bậc phổ thông phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định đồng thời phải tính đến khả năng sử dụng tối đa năng lực của đội ngũ thanh tra giáo dục bậc phổ thông được tuyển. Quá trình tuyển chọn, xét duyệt phải tính tuân thủ các quy định thi tuyển, xét tuyển viên chức hiện hành.