Yêu cầu về kỹ năng của đội ngũ thanhtra giáo dục bậc phổ thông

Một phần của tài liệu quản lý đội ngũ thanh tra giáo dục bậc phổ thông tại tỉnh long an (Trang 34 - 37)

a. Tiêu chuẩn:

1.3.3.2.Yêu cầu về kỹ năng của đội ngũ thanhtra giáo dục bậc phổ thông

Trong thực tiễn, kỹ năng của đội ngũ thanh tra ví dụ như kỹ năng phân tích, tổng hợp, tổ chức công việc được đề cập,… Hoặc cụ thể hơn như kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng xây dựng kế hoạch thanh tra… Nói chung, kỹ năng của đội ngũ thanh tra có thể phân thành hai nhóm: kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

* Kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ

Kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ là khả năng vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ thanh tra vào thực tiễn thanh tra giáo dục. Hoạt động thanh tra rất đa dạng nên những kinh nghiệm, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ có thể ứng dụng trong công tác thanh tra cũng rất đa dạng. Từ những yêu cầu về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tính chất công việc mà người quản lý có thể đặt ra những tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ thanh tra theo từng cấp hoặc từng vị trí công tác nhất định. Đơn cử như để có thể trở thành thanh tra viên

thì người cán bộ thanh tra phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra cơ bản. Điều đó có nghĩa là khi thực hiện nhiệm vụ, người thanh tra viên sẽ có khả năng ứng dụng những kinh nghiệm, kiến thức được tranh bị về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo… vào thực tiễn công tác. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ không hoàn toàn đồng nhất. Từ những nội dung nêu trên, có thể rút ra những yêu cầu về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của người cán bộ thanh tra như sau:

Một là, đội ngũ thanh tra phải được đào tạo và có những kỹ năng cơ bản để tham gia vào hoạt động quản lý, đồng thời phải có kỹ năng chuyên sâu về chuyên ngành, lĩnh vực phù hợp với vị trí công tác. Đội ngũ thanh tra phải có được những kiến thức về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận…; phải có trình độ lý luận, tư duy logic, am hiểu giáo dục bậc phổ thông,… Do đó, nhất thiết phải được đào tạo cơ bản ở trình độ đại học trở lên về một chuyên ngành nào đó. Chuyên ngành đào tạo đó phải phù hợp với yêu cầu, vị trí công tác của người làm công tác thanh tra. Trường hợp do khách quan mà việc bố trí của tổ chức không phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, thì đội ngũ thanh tra phải có biện pháp bổ túc, tăng cường những kỹ năng chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu công việc.

Hai là, người cán bộ thanh tra phải có kỹ năng pháp lý, am hiểu pháp luật và biết khai thác, sử dụng pháp luật trong công tác. Pháp luật là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Bất kỳ một tổ chức nào cũng phải có những nguyên tắc, quy định, quy chế làm cơ sở hoạt động của tổ chức đó. Vì vậy, để có thể xem xét, đánh giá việc thực hiện của một đối tượng nào đó thì đội ngũ thanh tra nhất thiết phải có kỹ năng về pháp lý để không những thấy được việc thực hiện đó là đúng hay sai so với quy định mà còn phải vượt lên, thấy được sự hợp lý hay bất hợp lý của quy định đó trong thực tiễn để từ đó có thể chấn chỉnh việc thực hiện theo đúng quy định đã đề ra hoặc đưa ra những căn cứ kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp.

Ba là, đội ngũ thanh tra phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp, bao quát vấn đề; có khả năng tìm tòi, giải quyết công việc từ những vấn đề cơ bản, gốc rễ. Đứng trước một vấn đề phải giải quyết, đội ngũ thanh tra phải phân tích được vấn đề một cách sâu sắc,

thấy được biểu hiện, bản chất của vấn đề đó, xem xét vấn đề trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, từ đó tổng hợp các yếu tố, phân tích làm rõ nguyên nhân, để có những nhận định, đánh giá cuối cùng. Ví dụ như để giải quyết một hành vi làm trái pháp luật, nếu đội ngũ thanh tra chỉ làm rõ những biểu hiện khách quan bên ngoài của hành vi vi phạm, xác định những đối tượng liên quan, xác định hậu quả để áp dụng quy định của pháp luật để xử lý thì nhiều khi chưa đầy đủ và chặt chẽ. Để giải quyết thấu đáo tận gốc rễ của vi phạm đó, đội ngũ thanh tra phải đi sâu tìm hiểu căn nguyên của việc làm trái do thiếu trách nhiệm hay là cố ý, biết trái vẫn làm. Hoặc trong điều kiện, hoàn cảnh đó các đối tượng thực sự không còn sự lựa chọn nào khác do bó buộc của những cơ chế bất hợp lý nên đã làm trái… Đội ngũ thanh tra cũng phải xem xét kỹ hậu quả xảy ra, nhiều khi khi hành vi làm trái đó lại gây hậu quả thấp hơn nếu như đối tượng làm đúng những quy định không còn phù hợp.

Bốn là, đội ngũ thanh tra phải luôn chủ động, linh hoạt trong công việc, có kỹ năng tổ chức công việc, tác nghiệp độc lập và làm việc theo nhóm một cách hiệu quả. Hoạt động thanh tra đòi hỏi việc tổ chức công việc khoa học, hợp lý, có kế hoạch, chương trình, phân công, phân nhiệm cụ thể, tỉ mỉ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, cũng đòi hỏi đội ngũ thanh tra phải chủ động, linh hoạt trước những tình huống phát sinh. Người cán bộ thanh tra vừa chủ động trong phần việc của mình lại vừa phải có sự phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp để vừa nâng cao hiệu quả công tác với bản thân, vừa phục vụ tích cực cho hoạt động, mục tiêu chung của đoàn thanh tra hoặc nhóm công tác.

* Kỹ năng giao tiếp, ứng xử

Giao tiếp, ứng xử là nhóm kỹ năng quan trọng và là một trong những kỹ năng cơ bản để hình thành “văn hóa thanh tra”.

Để hoạt động thanh tra có hiệu quả thì thái độ, ứng xử của đội ngũ thanh tra phải luôn chuẩn mực, luôn thể hiện sự bình tĩnh, tự chủ trong mọi tình huống, nhất là không được thể hiện thái độ trịnh thượng, quan cách hay nóng nảy, cáu giận. Khi giao tiếp với người dân hoặc đối tượng thanh tra, đòi hỏi đội ngũ thanh tra luôn phải biết tự kiềm chế, vừa thể hiện sự cởi mở, chân thành, thông cảm nhưng lại nghiêm túc, đúng mực. Đối với những trường hợp đối tượng có thái độ quá khích, không hợp tác thì phải

cương quyết nhưng cũng phải khôn khéo, không để bị kích động mà làm mất đi trạng thái cân bằng trong giao tiếp, ứng xử. Kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng có thể kết hợp với kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Thông qua kỹ năng giao tiếp, ứng xử hợp lý của đội ngũ thanh tra có thể thu thập thông tin một cách hiệu quả, làm rõ vấn đề theo hướng mình mong muốn mà không nhất thiết phải sử dụng các biện pháp, công cụ có tính chất hành chính.

Tóm lại, phẩm chất, kỹ năng của đội ngũ thanh tra không tự nhiên mà có. Thanh tra giáo dục lại không dễ để có thể trang bị đầy đủ những phẩm chất, kỹ năng đó. Cho dù các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục tư cách đạo đức có chất lượng và được thực hiện thường xuyên; các quy định về tiêu chuẩn ngạch, bậc, cơ chế thi cử có được đề ra và thực thi một cách chặt chẽ thì quan trọng nhất, để trở thành người thanh tra hoặc làm tốt vai trò, trách nhiệm thì đội ngũ thanh tra phải không ngừng học tập, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, rèn luyện kỹ năng công tác, vừa nghiên cứu tài liệu, sách vở, học ở trường, ở lớp, vừa phải học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và nhất là phải tự rút ra cho mình những bài học, kinh nghiệm qua thực tiễn để có thể ứng dụng tri thức của mình vào công tác thanh tra ngày càng tốt hơn.

Một phần của tài liệu quản lý đội ngũ thanh tra giáo dục bậc phổ thông tại tỉnh long an (Trang 34 - 37)