Quá trình giáo dục về bản chất là quá trình tổ chức cuộc sống, tổ chức hoạt động và giao lưu cho con người. Vì vậy phương pháp giáo dục chính là cách thức tổ chức cuộc sống, cách thức tổ chức hoạt động và giao lưu cho đối tượng giáo dục theo mục đích giáo dục của xã hội.
Quá trình giáo dục diễn ra theo ba khâu, từ nhận thức, đến thái độ, tình cảm, niềm tin và cuối cùng là hành vi thói quen trong cuộc sống. Vì thế mà phương pháp
sẽ tác động vào từng khâu và đồng thời tác động vào tất cả các khâu của quá trình giáo dục.
Đối tượng của giáo dục là con người, bao gồm mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mỗi con người có những nét riêng, độc đáo về mặt tâm lý, ý thức, về hoàn cảnh môi trường sống, môi trường giáo dục, về trình độ nhận thức lẫn kinh nghiệm sống. Vì thế mà đối với mỗi đối tượng, mỗi tình huống cụ thể cần phải có những phương pháp giáo dục khác nhau. Không có một phương pháp nào chung cho tất cả mọi người. Vì vậy mà nghệ thuật sử dụng phương pháp giáo dục không cho phép một sự rập khuôn máy móc, có những phương pháp đối với đối tượng này có thể thành công song đối với đối tượng khác có thể sẽ kém hiệu quả. Vì vậy, việc sử dụng phương pháp đòi hỏi một sự tế nhị, khéo léo, sáng tạo.
Phương pháp giáo dục rất đa dạng và phức tạp. Vì vậy nhà giáo dục cần phải sử dụng các phương pháp một cách linh hoạt phù hợp với mục đích, và từng đối tượng nhất định.