Trong những năm qua, cùng với phát triển KT-XH của tỉnh, sự nghiệp GD&ĐT đã đạt được những thành tựu đáng kể; quy mô, mạng lưới trường lớp không ngừng được mở rộng ở các cấp, bậc học; cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn dân cư. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 160.000 người đi học, (bình quân 2,7 người dân có 01 người đi học); trong đó có khoảng 100.000 học sinh phổ thông các cấp. GD mầm non ngày càng đi vào ổn định; GD phổ thông phát triển mạnh ở tất cả các cấp học; GD thường xuyên được mở rộng với nhiều hình thức học tập phù hợp với nhu cầu người học; GD nghề nghiệp từng bước được đa dạng hóa với các loại hình đào tạo; GD vùng dân tộc phát triển nhanh và đồng bộ. Nhờ đó, GD Kon Tum đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2001-2010; về nâng cao dân trí, tiếp tục duy trì kết quả chống mù chữ, tỉnh đã đạt chuẩn Quốc gia về PCGD Tiểu học, PCGD THCS, PCGD tiểu học đúng độ tuổi và đang tiến hành phổ cập GD trung học. Về bồi dưỡng nhân lực, đã cung cấp cho xã hội nguồn lao động đã qua đào tạo khá lớn với các trình độ khác nhau; về đào tạo nhân tài, tiếp tục đạt được những kết quả nhất định trong việc lựa chọn và bồi dưỡng HS giỏi, số học sinh đạt giải HS giỏi quốc gia luôn thuộc tốp đầu của các tỉnh Tây Nguyên và Nam trung bộ; hàng năm đều có HS đạt thủ khoa tại kỳ thi tuyển sinh đại học; đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, hệ thống các trường nghề, trung cấp chuyên
nghiệp, cao đẳng và đại học đã phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh.
Hệ thống trường lớp được mở rộng và từng bước hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của mọi đối tượng. Tính vào cuối năm học 2011 - 2012, GD mầm non toàn tỉnh có 116 trường (công lập 107 trường, ngoài công lập 9 trường), với 1332 lớp (công lập 1206 lớp, ngoài công lập 126 lớp. GD phổ thông: Toàn tỉnh có 265 trường, trong đó bậc tiểu học có 140 trường (2.600 lớp); cấp THCS có 100 trường (1.153 lớp); cấp Trung học phổ thông (THPT) có 25 trường (3879 lớp), trong đó THPT có 16 trường và 09 trường PTDTNT. Về GD nghề nghiệp: Tỉnh có 01 trường Trung cấp nghề và 3 Trung tâm dạy nghề; 01 trường Trung cấp Y tế; 02 trường Cao đẳng (Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tổng hợp) và 01 phân hiệu Đại học Đà Nẵng.
Cùng với hệ thống GD phổ thông, hệ thống GD thường xuyên không ngừng được mở rộng ở các địa bàn và phát triển về số lượng và quy mô. Hiện tỉnh có 07 Trung tâm GDTX (06 cấp huyện và 01cấp tỉnh), 01 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và 78/97 Trung tâm học tập cộng đồng xã. Các trung tâm này phát không ngừng phát huy chức năng, nhiệm vụ, đã tạo cơ hội học tập cho mọi đối tượng tham gia, đặc biệt là thanh, thiếu niên không có điều kiện theo học chính quy. Hàng năm tại các trung tâm đã mở nhiều lớp với hàng nghìn người tham gia học các lớp: bổ túc THPT; tiếng DTTS; lớp Tin học, Ngoại ngữ; các lớp bồi dưỡng chuyên đề về khoa học - kỹ thuật - đời sống - pháp luật… tại Trung tâm học tập cộng đồng cho nhân dân lao động, qua đó góp phần rất lớn vào việc nâng cao dân trí, cải thiện đời sống, văn hóa và tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Số HS, SV: Tính đến 5/2013 HS bậc mầm non và phổ thông là: 134.131 HS. Cụ thể: mầm non: 33.971, tiểu học: 52.919, THCS: 34.933 và THPT: 12.308 HS. Các trường Trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở có đào tạo nghề với 20 ngành nghề đào tạo, hiện có gần 900 người đang học và trên 3.000 SV đang học tại 02 trường Cao đẳng và phân hiệu Đại học Đà Nẵng.
Do hệ thống trường lớp được mở rộng và đa dạng hóa các loại hình học tập nên tạo điều điều kiện tốt cho mọi đối tượng tham gia học tập. Đối với trẻ mẫu giáo 3 đến 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 81%, trong đó riêng trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 99,3%; HS trong độ tuổi tiểu học huy động ra lớp đạt tỷ lệ 94,1%, trong đó riêng trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,7%; HS trong độ tuổi THCS huy động ra lớp đạt tỷ lệ 92%. Tỷ lệ HS phổ thông bỏ học từ 6,12% năm 2005 xuống còn 0,83% vào năm 2010. Thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đã tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 82,3%; số người từ 15 đến 25 tuổi biết chữ đạt tỷ lệ 98,7%.
Đội ngũ GV và CBQLGD phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Đối với bậc mầm non và phổ thông, hiện cả tỉnh có 822 CBQL và 7.878 GV; so với năm 2006, CBQL GD tăng 144 người, tỷ lệ: 17,5% và GV tăng 1.057 người, tỷ lệ: 13,4%. Hiện nay tỷ lệ GV đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn là 98,3%; trong đó trên chuẩn là 47,9% (mầm non: 40,5%, tiểu học: 67,4%; THCS: 43,8% và THPT: 10%). CBQL đạt chuẩn đào tạo chuyên môn, tỷ lệ 98,6%; trong đó trên chuẩn là 77,7% (mầm non: 77,7%, tiểu học: 88,5%; THCS: 80,7% và THPT: 24,0%).
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học không ngừng được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố, đồng bộ và hiện đại. Hiện nay số phòng học tranh tre tạm bợ chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 6%); phương tiện, thiết bị dạy học, nhất là các phương tiện nghe nhìn, thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học được quan tâm trang bị; 100% các cơ sở GD đã nối mạng Internet. Tính đến tháng 5/2013, toàn tỉnh có 93/372 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 22 trường mầm non (công lập), tỷ lệ 20,5%; 50 trường tiểu học, tỷ lệ 35,7%; 16 trường THCS, tỷ lệ 15,8% và 05 trường THPT, tỷ lệ 20,8%.
Chất lượng GD đại trà, nhất là chất lượng học tập của học sinh DTTS từng bước được nâng cao; chất lượng GD mũi nhọn được quan tâm và đạt được những thành tích nổi bật trong những năm gần đây. Kết quả về xóa mù chữ được duy trì, tỉnh đã đạt chuẩn Quốc gia về PCGD tiểu học đúng độ tuổi
và PCGD THCS; kỷ cương, nề nếp trong GD được tăng cường; nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về việc học tập của con em không ngừng được nâng lên…
Tuy vậy, hiện nay GD&ĐT tỉnh Kon Tum, nhất là GD ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nói chung, GD tại các trường PTDTNT, PTDTBT nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là điều kiện CSVC và TBDH còn nhiều thiếu thốn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới để nâng cao chất lượng GD. Tại nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS còn thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày, thiếu các phòng chức năng, sân chơi... để tổ chức các hoạt động GD; chất lượng học tập của HS còn thấp; hàng năm số HS đi học thiếu chuyên cần, lưu ban, bỏ học tỷ lệ còn cao; đội ngũ GV đang thiếu cục bộ về số lượng tại một số địa phương và một số môn học; chất lượng chuyên môn của một bộ phận GV, nhất là bậc tiểu học, THCS chưa cao; năng lực quản lý của một số CBQL còn hạn chế; công tác XHHGD phát triển chưa sâu rộng.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ trong những năm tới, dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện quy hoạch, phát triển mở rộng và hoàn chỉnh mạng lưới hệ thống trường lớp nhằm đáp ứng mọi nhu cầu học tập của mọi đối tượng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, nhất là đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, đặc biệt với các trường PTDTNT, trường PTDTBT. Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL GD các cấp; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD ở các cấp học, bậc học; quan tâm chất lượng GD đại trà, chất lượng và hiệu quả GD vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS, từng bước thực hiện PCGD trung học; trước mắt, tổ chức đánh giá và tiếp tục thực hiện Đề án xã hội hóa GD, Đề án trường đạt chuẩn Quốc gia, Đề án nâng cao chất lượng
GD đối với học sinh DTTS; đồng thời xây dựng triển khai kế hoạch thành lập các trường chất lượng cao để đào tạo HS chất lượng cao, trong đó có học sinh DTTS.