Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên trong tọa độ địa lý từ 107020’15’’ đến 108032’30’’ kinh độ đông và từ 13055’10’’ đến 15027’15’’ vĩ độ bắc.
Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.689,61 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km); phía nam giáp tỉnh Gia Lai (203 km), phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (74 km), phía tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7 km).
Phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường sơn, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau. Trong đó:
+ Địa hình đồi, núi: chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dãy có độ dốc 150 trở lên. Các núi ở Kon Tum do cấu tạo bởi đá biến chất cổ nên có dạng khối như khối Ngọc Linh (có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m), nơi bắt nguồn của nhiều con sông chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng như sông Thu Bồn và sông Vu Gia; chảy về Quảng Ngãi như sông Trà Khúc. Địa hình núi cao liền dãy phân bố chủ yếu ở phía Bắc - Tây Bắc chạy sang phía Đông tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, Kon Tum còn có một số ngọn núi như: ngọn Bon San (1.939 m); ngọn Ngọc Kring (2.066 m). Mặt địa hình bị phân cách hiểm trở, tạo thành các thung lũng hẹp, khe, suối. Địa hình đồi tập trung chủ yếu ở huyện Sa Thầy có dạng nghiêng về phía tây và thấp dần về phía Tây Nam, xen giữa vùng đồi là dãy núi Chư Mom Ray.
+ Địa hình thung lũng: Nằm dọc theo sông Pô Kô đi về phía Nam của tỉnh, có dạng lòng máng thấp dần về phía Nam, theo thung lũng có những đồi lượn sóng như Đăk Uy, Đăk Hà và có nhiều chỗ bề mặt bằng phẳng như vùng thành phố Kon Tum. Thung lũng Sa Thầy được hình thành giữa các dãy núi kéo dài về phía Đông chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.
+ Địa hình cao nguyên: Tỉnh Kon Tum có cao nguyên Konplong nằm giữa dãy An Khê và dãy Ngọc Linh có độ cao 1.100 - 1.300 m, đây là cao nguyên nhỏ, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
- Khí hậu: Kon Tum thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động khoảng 22 - 230C, biên độ nhiệt độ dao động trong ngày khoảng 8 - 90C.
- Kon Tum có hai mùa rõ rệt: mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Hàng năm lượng mưa trung bình khoảng 2.121mm, lượng mưa năm cao nhất 2.260 mm, năm thấp nhất 1.234 mm, tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8. Mùa khô, gió chủ yếu theo hướng Đông Bắc; mùa mưa, gió chủ yếu theo hướng Tây Nam.
- Độ ẩm trung bình hàng năm dao động trong khoảng 78 - 87%. Độ ẩm không khí tháng cao nhất là tháng 8- 9 (khoảng 90%), tháng thấp nhất là tháng 3 (khoảng 66%).
Tính đến 31/12/2012, dân số tỉnh Kon Tum là 467.382 người, nữ 229.921 người; gồm 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm trên 53,1%, có 6 dân tộc bản địa gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ -Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Mâm. Sau ngày thống nhất đất nước, một số DTTS ở các tỉnh khác đến sinh sống, làm cho thành phần dân tộc trong tỉnh ngày càng đa dạng. Sự chênh lệch về trình độ học vấn giữa đồng bào DTTS với đồng bào người Kinh, giữa các địa bàn trong tỉnh còn cao. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,9%/ năm; có khoảng 266.221 người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở
lên, làm việc trong các ngành kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài, có khoảng 227.482 người lao động làm việc kinh tế ngoài nhà nước chiếm khoảng 85,4%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng bình quân 14,17%/năm (giai đoạn 2009-2012). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2000 chiếm 31,85% đến năm 2012 còn 22,77%. Thu nhập bình quân đầu người 4,9 triệu đồng (năm 2005) đến năm 2012 đạt 18,1 triệu đồng. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng 18,5% (năm 2005) và đạt mức 24,1% vào năm 2012.
Kon Tum là một vùng đất có nền văn hóa dân gian đặc sắc, mang đậm truyền thống của đồng bào các DTTS. Mỗi dân tộc lại có ngôn ngữ và phong tục tập quán riêng; hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo mang tính đặc thù của vùng đất Tây Nguyên. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hệ thống y tế của tỉnh tương đối phát triển năm 2009 có 1545 giường đến 31/12/2012 có 1863 giường, số trạm y tế được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, 97/97 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, năm 2009 tỷ lệ bác sĩ công tác tại trạm y tế là 55,7% nhưng đến tháng 31/12/2012 chiếm 89,7%. Hệ thống bưu chính - viễn thông phát triển mạnh, đến năm 2008, 100% xã, phường có điện thoại, bình quân có 10,1 máy điện thoại cố định/100 dân. Số hộ dân ở đô thị được sử dụng nước sạch chiếm 60%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch là 51%. Số hộ sử dụng điện chiếm 94%.
Dù là một tỉnh có vị trí địa lý chiến lược, tiềm năng về lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản, du lịch phong phú nhưng chưa được đầu tư khai thác và sử dụng có hiệu quả nên hiện nay Kon Tum vẫn là một tỉnh nghèo. Điều kiện kinh tế rất khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, người dân chủ yếu sống ở nông thôn, xuất phát điểm kinh tế thấp, công nghiệp chưa phát triển, chủ yếu là kinh tế nông lâm, sản xuất còn mang tính tự cấp, chưa quen với
phương thức sản xuất hàng hóa. Trình độ dân trí không đồng đều và tỷ lệ nhân lực qua đào tạo thấp so với trung bình cả nước, điều kiện sinh sống còn nhiều khó khăn, giao thông một số huyện còn chưa phát triển. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển GD&ĐT của tỉnh.