pháp khi xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo một số định hướng sau75:
Thứ nhất, xây dựng cơ sở pháp lý thống nhất bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trên cơ sở pháp điển hoá các quy định hiện hành về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, xác lập các nguyên tắc chung về tiếp cận thông tin, phạm vi và các hình thức tiếp cận thông tin. Do pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa đầy đủ, chưa thống nhất về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin; ngoài ra, phạm vi thông tin mà người dân được tiếp cận cũng chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực của cuộc sống. Như vậy, trên thực tế, chưa có một cơ chế pháp lý đầy đủ nhằm bảo đảm quyền được thông tin của người dân được thực thi trong thực tiễn, và vì vậy, việc thực hiện quyền được thông tin của công dân còn nhiều hạn chế. Do đó, việc xây dựng cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin mà trực tiếp là xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin là cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh. Sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước sẽ tự giác, chủ động, thực chất và hiệu quả hơn. Thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần làm giảm tình trạng tiêu cực, tham nhũng hiện nay.
Thứ hai, quy định trình tự, thủ tục chung về cung cấp thông tin; điều kiện được cung cấp thông tin và lý do bị từ chối cung cấp thông tin nhằm tạo thuận lợi để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Với mục đích cụ thể hoá cơ chế bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân được Hiến pháp ghi nhận, đồng thời, khắc phục những khiếm khuyết của các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến quyền được thông tin trên cơ sở pháp điển hoá các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin, quy định rõ trình tự, thủ tục chung về tiếp cận thông tin, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông
tin. Với trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin bảo đảm cho người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo một quy trình hợp pháp, công khai, minh bạch và dân chủ. Đây được xem là cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền của các chủ thể trong quy trình tiếp cận thông tin, đồng thời có ý nghĩa trong việc giảm thiểu các khiếu nại và là cơ sở giải quyết khiếu nại phát sinh trong quá trình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Thứ ba, quy định các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, cơ chế kiểm tra, giám sát của Nhà nước và xã hội đối với công tác bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Do pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin do mình nắm giữ cũng như minh bạch hoá các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thông qua việc bảo đảm quyền được thông tin của người dân, sẽ góp phần hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả từ công chúng tới các hoạt động của cơ quan công quyền, giúp cho việc quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả hơn, tính trách nhiệm của các cơ quan công quyền cũng cao hơn. Với việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai các thông tin do mình nắm giữ và cung cấp thông tin cho người dân theo yêu cầu, hướng tới mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin sẽ tạo lập khung pháp lý thống nhất để thực hiện hiệu quả các quy định về tiếp cận thông tin trong các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân (như đất đai, môi trường, quy hoạch, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, vệ sinh an toàn thực phẩm...), đồng thời là cơ sở pháp lý để ban hành các quy định khác liên quan đến quyền tiếp cận thông tin phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật tiếp cận thông tin còn nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm bảo đảm hài hòa với pháp luật quốc tế, thể hiện nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.
Như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế mà trực tiếp là ban hành Luật Tiếp cận thông tin là một trong những giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là xây dựng các quy định về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin phải đơn giản, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế- văn hóa, xã hội của Việt Nam. Để làm được điều này điều quan trọng là phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin để từ đó xây dựng cho Việt Nam một cơ chế hiệu quả, bảo đảm thực sự để người dân có thể thực hiện được quyền tiếp cận thông tin công của mình hướng tới một hệ thống pháp luật hoàn thiện trong nhà nước pháp quyền.
3.2. Các giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm uyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam cận thông tin ở Việt Nam
3.2.1. Khẩn trương xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và các công ước khác của Liên Hợp Quốc. Ở Việt Nam quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân được hiến định tại Hiến Pháp 1992, Hiến pháp 2013 và được quy định ở nhiều văn bản trong một số lĩnh vực về công khai và cung cấp thông tin. Tuy nhiên, những quy định này chưa tạo lập đủ cơ sở pháp lý để thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công nhân trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Do vậy, nếu chỉ sửa các quy định chuyên ngành này thì có quả nhiều văn bản phải sửa đổi, việc sửa đổi vẫn sẽ không bao phủ hết các lĩnh vực thông tin mà người dân có nhu cầu tiếp cận và việc sửa đổi các luật hiện hành đơn lẻ sẽ không giải quyết được một cách đồng bộ, nhất quán các vấn đề chung về quyền và thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Cụ thể, trong việc xác định các nguyên tắc cơ bản thực hiện quyền tiếp cận thông tin, xác định các tiêu chí phân
loại thông tin nhà nước phải công khai và thông tin mà nhà nước cung cấp theo yêu cầu của công dân, xác lập quy trình, thủ tục chung để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu, nếu hoàn thiện pháp luật tiếp cận thông tin chỉ theo hướng sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành trong từng lĩnh vực chuyên ngành thì không khắc phục được tình trạng văn bản quy phạm pháp luật trùng chéo, mâu thuẫn, gây lãng phí thời gian, công sức vừa không góp phần khắc phục được khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực tiếp cận thông tin. Theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung “ Quyền tiếp cận thông tin phải được quy định cụ thể thành trình tự, thủ tục; bảo đảm quyền được biết, quyền được nhận, quyền được tiếp cận và quyền được phổ biến, được chia sử thông tin một cách tự do. Những điều cần thiết này là những đòi hỏi của việc cần phải pháp điển hóa pháp luật của lĩnh vực này thành Luật Tiếp cận thông tin”76. Điều này cũng phù hợp với quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước khi đưa vấn đề xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin vào chương trình xây dựng pháp luật tại Nghị quyết số 27/2008/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XII; Nghị quyết số 31/2009/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011). Trên cơ sở phương pháp nghiên cứu so sánh luật tiếp cận thông tin các nước và các quy định tại Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đã được Bộ Tư pháp đăng tải trên website: duthaoonline.quochoi.vn chúng tôi có một số kiến nghị cụ thể như sau:
3.2.1.1. Nguyên tắc cơ bản bảo đảm quyền tiếp cận thông tin
Hiện nay, các nguyên tắc cơ bản trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin được quy định khá chi tiết, cụ thể trong Các nguyên tắc của Luật tự do thông tin do tổ chức Article 19 xây dựng, 199977. Trên cơ sở nghiên cứu các nguyên tắc mẫu này, gắn với điều kiện hoàn cảnh ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng khi