- Lập dàn ý cho một số đề văn thuyết minh.
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ TIẾNG VIỆT
I - MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT
- Nắm được các khái niệm họ, dòng, nhánh ngôn ngữ nói chung và trong tiếng Việt nói riêng ; hiểu được quan niệm về nguồn gốc, các thời kì phát triển của tiếng Việt, hệ thống chữ viết của tiếng Việt cùng những đặc điểm của chữ quốc ngữ ;
- Bồi dưỡng và nâng cao tình cảm quý trọng tiếng Việt, di sản lâu đời và quý giá của dân tộc ;
- Có kĩ năng viết đúng các quy định hiện hành của chữ quốc ngữ, kĩ năng phát hiện và sửa chữa những sai sót về chữ viết (chính tả). III - TRỌNG TÂM KIẾN THỨC, KĨ NĂNG
1. Kiến thức
- Khái niệm về nguồn gốc ngôn ngữ, về quan hệ họ hàng, dòng, nhánh ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng : họ ngôn ngữ Nam Á, dòng Môn - Khmer, nhánh Việt Mường. Một số biểu hiện về quan hệ gần gũi giữa tiếng Việt với tiếng Mường và những ngôn ngữ khác cùng họ, dòng, nhánh.
- Những điểm chủ yếu trong tiến trình phát triển lịch sử của tiếng Việt qua các thời kì : dựng nước, Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, độc lập tự chủ, Pháp thuộc và từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.
- Chữ viết của tiếng Việt : chữ Nôm và chữ quốc ngữ (những nét chính trong lịch sử hình thành, nguyên tắc cấu tạo, ưu điểm cơ bản của chữ quốc ngữ).
2. Kĩ năng
- Phối hợp kiến thức cơ bản về lịch sử tiếng Việt và lịch sử chữ viết của tiếng Việt với kiến thức về tiến trình văn học Việt Nam và những thành tựu văn học chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.
- Vận dụng đặc điểm của chữ quốc ngữ vào việc rèn luyện kĩ năng viết đúng chính tả trong văn bản.
III - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
1. Tìm hiểu chung
- Thông qua quan hệ giữa con người trong một họ, một gia đình để hình thành khái niệm về quan hệ nguồn gốc, quan hệ họ hàng, cùng các khái niệm họ, dòng, nhánh ngôn ngữ.
- Dùng ngữ liệu cụ thể để làm rõ vấn đề tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ Nam Á, dòng Môn-Khmer, nhánh Việt - Mường, nhất là khi dạy, học bài này ở vùng song ngữ. Dùng bản đồ châu Á để minh họa cho địa bàn của họ ngôn ngữ Nam Á.
- Liên hệ đến kiến thức về lịch sử : các thời kì chủ yếu trong lịch sử Việt Nam.
- Thông qua một số ví dụ cụ thể, chỉ rõ ưu điểm cùng một số hạn chế của chữ quốc ngữ và một số sai sót thường gặp khi viết chữ quốc ngữ.
2. Luyện tập
- Nhận biết và phân tích ưu điểm của chữ quốc ngữ. Cần căn cứ vào nguyên tắc ghi âm, nhất là ghi âm vị của chữ quốc ngữ để thấy chữ quốc ngữ dễ học, dễ đọc, dễ sử dụng. Ở chữ quốc ngữ có sự thống nhất khá cao giữa âm và chữ (có thể so sánh với chữ trong tiếng Anh, nơi có sự khác biệt khá xa giữa chữ với âm và cách đọc).
- Sưu tầm thêm ngữ liệu về sự Việt hóa từ ngữ Hán. Có thể tìm ở bảng từ Hán Việt cuối sách Ngữ văn 10, và dựa vào các ví dụ mẫu trong bài.
- Tìm thêm ví dụ về ba cách thức đặt thuật ngữ khoa học nêu trong bài : phiên âm, vay mượn, đặt thuật ngữ bằng cách dịch ý hay
sao phỏng. Có thể tìm ở các môn học thuộc các ngành khoa học khác như toán, lí, hóa, sinh, sử, địa,...
3. Hướng dẫn tự học
- Tìm các ví dụ tiêu biểu về các tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ.
- Nhận thức thêm về sự phát triển của tiếng Việt thông qua quá trình mở rộng các chức năng : thời xưa, tiếng Việt chỉ có chức năng làm công cụ giao tiếp trong sinh hoạt và chức năng sáng tạo văn chương, đến thời kì hiện đại mới hình thành và phát triển dần các chức năng trong các lĩnh vực báo chí, khoa học, chính luận, hành chính.