KHÁI QUÁT VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

Một phần của tài liệu GA văn chuẩn kiến thức kĩ năng (Trang 101)

- Thông qua luyện tập để hoàn thiện và củng cố kiến thức về đoạn văn nghị luận, vai trò và các yêu cầu viết đoạn văn trong bài văn nghị

KHÁI QUÁT VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

I - MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT

– Nắm được khái niệm và có thể phân biệt được các thể loại của văn học dân gian Việt Nam ;

– Hiểu được những đặc trưng và giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam.

II - TRỌNG TÂM KIẾN THỨC, KĨ NĂNG

1. Kiến thức

– Khái niệm, đặc trưng cơ bản và giá trị nhiều mặt của văn học dân gian Việt Nam.

– Các thể loại chính của văn học dân gian Việt Nam.

2. Kĩ năng : Biết nhận dạng và tiếp nhận các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam.

III - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

1. Tìm hiểu kiến thức cơ bản

a) Khái niệm

– Văn học dân gian là một bộ phận có vị trí và vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của văn học dân tộc.

– Văn học dân gian là những sáng tác tập thể, truyền miệng lưu truyền trong nhân dân.

Văn học dân gian ra đời từ rất sớm. Khi văn học viết xuất hiện, văn học dân gian vẫn tiếp tục phát triển chủ yếu trong các tầng lớp bình dân, và cả những trí thức mà tư tưởng, sinh hoạt gần gũi với nhân dân lao động.

Văn học dân gian gắn bó với đời sống và tư tưởng, tình cảm của quần chúng lao động, là hình thức nghệ thuật tập thể thể hiện ý thức

cộng đồng của các tầng lớp dân chúng.

Văn học dân gian Việt Nam là văn học của nhiều dân tộc. Các dân tộc ở Việt Nam dù khác nhau về dân số, trình độ phát triển kinh tế – xã hội nhưng đều có gia tài văn học dân gian mang bản sắc riêng, đóng góp vào kho tàng văn học dân gian chung.

b) Những giá trị cơ bản

– Văn học dân gian Việt Nam có nội dung phong phú, phản ánh chân thực cuộc sống, lí tưởng xã hội và đạo đức của nhân dân lao động được đánh giá như "sách giáo khoa về cuộc sống".

– Văn học dân gian chứa đựng một kho tàng các truyền thống nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

– Văn học dân gian có tác động mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển của văn học viết. Trong lịch sử văn học Việt Nam (trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay), văn học dân gian vẫn xứng đáng được coi như ngọn nguồn vô tận cho sự sáng tạo nghệ thuật.

c) Đặc trưng

Văn học dân gian có những đặc trưng khác với văn học viết về phương thức sáng tác và lưu truyền, về phương pháp miêu tả và biểu hiện đời sống.

– Văn học dân gian là những sáng tác truyền miệng và tập thể

Truyền miệng là phương thức sáng tác và lưu truyền của văn học

dân gian. Phải hiểu phương thức truyền miệng như một nhu cầu

văn hoá, nhu cầu sáng tác và tiếp nhận trực tiếp, giao tiếp trực tiếp

giữa các thành viên của cộng đồng. Phương thức truyền miệng tạo nên tính diễn xướng và liên quan chặt chẽ tới phương thức sáng tác tập

thể của văn học dân gian.

Đặc điểm về truyền miệng và sáng tác tập thể tạo nên tính dị bản và đặc trưng về nội dung của tác phẩm văn học dân gian : chỉ quan tâm tới những gì chung cho cả cộng đồng người, là tiếng nói chung của cộng đồng. Cho nên, trong các tác phẩm văn học dân gian thường có những yếu tố được lặp đi lặp lại nhiều lần, những cách thức cấu tạo hình tượng tương đồng giữa các tác phẩm.

– Một số đặc điểm về ngôn ngữ và phương pháp nghệ thuật của văn học dân gian

Ngôn ngữ văn học dân gian thường giản dị và còn giữ lại nhiều

đặc điểm của ngôn ngữ nói.

Văn học dân gian có cách nhận thức và phản ánh hiện thực đặc trưng. Đó là cách cảm, cách nghĩ hồn nhiên gắn với tín ngưỡng, tập tục dân gian ; là phương pháp phản ánh hiện thực một cách kì ảo, mô tả qua trí tưởng tượng.

d) Thể loại

Văn học dân gian Việt Nam có những thể loại chính như thần thoại, sử thi dân gian, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, câu đố, ca dao – dân ca, vè, truyện thơ

dân gian, các thể loại sân khấu dân gian (chèo, tuồng đồ, các trò diễn mang tích truyện,...).

2. Hướng dẫn tự học

– Ghi lại tên những bài ca, những câu chuyện cổ đã từng được nghe và nêu lên một vài cảm nhận của mình.

– Kẻ bảng để ghi nhớ đặc điểm chính của từng thể loại văn học dân gian Việt Nam.

Một phần của tài liệu GA văn chuẩn kiến thức kĩ năng (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w