- Thông qua luyện tập để hoàn thiện và củng cố kiến thức về đoạn văn nghị luận, vai trò và các yêu cầu viết đoạn văn trong bài văn nghị
TRUYỆN AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU – TRỌNG THUỶ
I - MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT
– Thấy được bi kịch nước mất nhà tan và ý thức lịch sử của nhân dân thể hiện trong tác phẩm ;
– Hiểu được một số nét đặc sắc của thể loại qua một truyền thuyết cụ thể.
II - TRỌNG TÂM KIẾN THỨC, KĨ NĂNG
1. Kiến thức
– Vai trò của An Dương Vương trong sự nghiệp giữ nước ; bi kịch tình yêu của Mị Châu – Trọng Thuỷ gắn với bi kịch Âu Lạc rơi vào thảm hoạ mất nước cũng như ý thức lịch sử của nhân dân được phản ánh trong truyền thuyết.
- Một số nét đặc sắc về nghệ thuật : kết cấu chặt chẽ, nhiều chất kì ảo, xây dựng nhân vật tiểu thuyết tiêu biểu.
2. Kĩ năng
– Đọc (kể) diễn cảm truyền thuyết dân gian.
– Phân tích văn bản truyền thuyết theo đặc trưng thể loại. III - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
1. Tìm hiểu chung
Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ được trích từ
Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái – tập truyện dân gian
được sưu tập vào cuối thế kỉ XV.
2. Đọc - hiểu văn bản
a) Nội dung
– Vai trò của An Dương Vương trong sự nghiệp giữ nước : có quyết sách sáng suốt và bản lĩnh vững vàng khi dời đô xuống đồng bằng (Cổ Loa) ; có tinh thần cảnh giác, bảo vệ đất nước, quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Vì thế, đất nước ngày vững mạnh, Triệu Đà không thắng nổi bèn phải cầu hoà. Việc tưởng tượng về sự giúp đỡ của thần linh thể hiện sự ngợi ca, khẳng định vai trò của nhà vua trong sự nghiệp giữ nước.
– Bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu + Bi kịch mất nước
Nguyên nhân : do Triệu Đà có âm mưu đen tối, An Dương Vương mất cảnh giác, Mị Châu ngây thơ, nhà vua chủ quan.
Trước lời kết tội của nhân dân đối với tội lỗi của Mị Châu (câu nói của Rùa Vàng), nhà vua rút gươm chém Mị Châu. Hành động dứt khoát, quyết liệt này cho thấy sự tỉnh ngộ muộn màng của nhân vật, nêu lên bài học xương máu về mối quan hệ cá nhân – công dân và gợi nghĩ về sự thảm khốc của chiến tranh. Trong tâm trí của nhân dân, An Dương Vương mãi mãi bất tử.
+ Bi kịch tình yêu của Mị Châu – Trọng Thuỷ
Vì Mị Châu ngây thơ, trong sáng bị lừa dối nên phải trả giá đắt. Tưởng tượng cảnh Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành ngọc châu là sự cảm thông, bao dung của nhân dân đối với Mị Châu.
Trọng Thuỷ là một nhân vật đầy mâu thuẫn. Sự ngu trung mù quáng đối với cha đã giết chết chính tình yêu và vợ mình. Cái chết của Trọng Thuỷ là do nỗi giày vò, ân hận, và là một sự tự trừng phạt hợp lí.
Hình ảnh "ngọc trai – nước giếng" thể hiện tập trung nhận thức về lịch sử, sự cảm thông của nhân dân đối với các nhân vật trong truyện.
b) Nghệ thuật
– Kết hợp nhuần nhuyễn giữa "cốt lõi lịch sử" và hư cấu nghệ thuật. – Kết cấu chặt chẽ, xây dựng những chi tiết kì ảo có giá trị nghệ thuật cao (ngọc trai – giếng nước).
– Xây dựng được những nhân vật truyền thuyết tiêu biểu, thể hiện qua suy nghĩ, hành động, những mâu thuẫn nội tâm nhất định.
c) Ý nghĩa văn bản
Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ giải thích
nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc, qua đó nêu lên bài học lịch sử về việc giữ nước, tinh thần cảnh giác với kẻ thù, cùng cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng với chung, nhà với nước, cá nhân với cộng đồng.
3. Hướng dẫn tự học
– Có ý kiến cho rằng truyền thuyết này là một tiếng nói ca ngợi tình yêu và phản kháng chiến tranh. Quan điểm của anh (chị) như thế nào ?
– Theo anh (chị), Mị Châu có đúng là giặc như lời kết tội của Rùa Vàng hay không ? Vì sao ?
TẤM CÁM
I - MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT
– Hiểu được ước mơ của người xưa và tinh thần lạc quan, nhân đạo của nhân dân qua cuộc đấu tranh giữa thiện và ác ;
– Nắm được một số nét đặc sắc nghệ thuật của truyện Tấm Cám nói riêng và cổ tích thần kì nói chung.
II - TRỌNG TÂM KIẾN THỨC, KĨ NĂNG
1. Kiến thức
– Số phận của cô gái mồ côi, bất hạnh, ước mơ hôn nhân hạnh phúc. Ước mơ công lí của nhân dân.
– Cuộc đấu tranh giữa thiện – ác cũng như sức sống mãnh liệt của con người và quan niệm về hạnh phúc của nhân dân.
– Kết cấu quen thuộc của truyện cổ tích : người nghèo khổ, bất hạnh trải qua nhiều hoạn nạn cuối cùng được hưởng hạnh phúc. Sử dụng hợp lí, sáng tạo các yếu tố thần kì ; lối kể chuyện sinh động, hấp dẫn.
2. Kĩ năng
– Tóm tắt văn bản tự sự.
– Phân tích một truyện cổ tích thần kì theo đặc trưng thể loại. III - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
1. Tìm hiểu chung
– Truyện cổ tích là tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động. Truyện cổ tích có ba loại : cổ tích về loài vật, cổ tích thần kì và cổ tích sinh hoạt.
– Tấm Cám thuộc loại cổ tích thần kì. Đặc trưng cơ bản của cổ tích thần kì là sự tham gia của các yếu tố thần kì vào sự phát triển của
câu chuyện. Cổ tích thần kì thường thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân về hạnh phúc, công bằng, về phẩm chất và sức mạnh tuyệt vời của con người.
2. Đọc - hiểu văn bản
a) Nội dung
– Mâu thuẫn chủ yếu trong truyện : cô Tấm mồ côi, xinh đẹp, hiền lành với dì ghẻ và Cám ác độc, tàn nhẫn. Đây là những mâu thuẫn trong gia đình phụ quyền thời cổ nhưng trên hết là mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Mâu thuẫn đó được phát triển từ thấp đến cao : ban đầu là những hơn thua về vật chất, tinh thần, ganh ghét mẹ ghẻ con chồng, về sau chuyển thành đố kị, một mất một còn, tiêu diệt lẫn nhau. Điều này được dân gian giải quyết theo hướng thiện thắng ác. Đó là chiến thắng tất yếu của cái thiện, lòng nhân đạo và lạc quan.
– Cuộc đấu tranh giành hạnh phúc của Tấm
+ Lúc mới bị chà đạp, Tấm chỉ biết khóc. Qua bốn lần bị tận diệt và hồi sinh (thành chim vàng anh, cây xoan đào, tiếng kêu của con ác trên khung cửi, ẩn mình trong quả thị), Tấm vẫn có sức trỗi dậy phi thường và quyết trở về tìm hạnh phúc. Điều đó nói lên sức sống mãnh liệt của cái thiện.
+ Hành động trả thù của Tấm : tư tưởng mà dân gian muốn gửi gắm là "Ở hiền gặp lành", "Ác giả ác báo". Hành động trả thù của Tấm là hành động của cái thiện trừng trị cái ác. Điều này phù hợp với quan niệm của nhân dân.
+ Ý nghĩa sự hoá thân của Tấm : phản ánh mơ ước về công bằng xã hội, quan niệm và ước mơ rất thực tế về hạnh phúc của người lao động. Sự trở về làm hoàng hậu của Tấm ở cuối tác phẩm là biểu hiện
cao nhất của ước mơ. Nó chứng tỏ tâm hồn lãng mạn, sự lạc quan yêu đời và niềm khao khát vươn lên của nhân dân lao động.
b) Nghệ thuật
– Mâu thuẫn, xung đột trong truyện được xây dựng theo chiều tăng tiến.
– Nhân vật được xây dựng theo hai tuyến đối lập cùng tồn tại và phát triển song song. Ở đó, bản chất của từng tuyến nhân vật được nhấn mạnh, tô đậm.
– Có nhiều yếu tố thần kì nhưng vai trò của yếu tố này cũng đậm nhạt khác nhau.
– Kết cấu quen thuộc của truyện cổ tích : người nghèo khổ, bất hạnh trải qua nhiều hoạn nạn cuối cùng được hưởng hạnh phúc.
c) Ý nghĩa văn bản
Truyện Tấm Cám ca ngợi sức sống, sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người, của cái thiện trước sự vùi dập của kẻ xấu, cái ác, đồng thời qua đó thể hiện ước mơ về công bằng xã hội và hôn nhân hạnh phúc.
3. Hướng dẫn tự học
– Chứng minh rằng : Tấm đúng là nhân vật của truyện cổ tích. – Nhận diện những yếu tố kì ảo và phân tích để thấy tác dụng của chúng.
– Trình bày những suy nghĩ của anh (chị) về cảnh kết thúc truyện.
ĐỌC THÊM