Những mặt tồn tại

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về chuỗi cung ứng của mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh tại Công ty cổ phần Nha Trang sefoods - F17 (Trang 118)

* Công tác quản lý nguồn giống và quy hoạch phát triển nuôi trồng của các cơ quan ngành thủy sản còn nhiều hạn chế.

Ở khâu đầu vào của nuôi trồng, việc giám sát, kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi cho lưu thông tuy đã được tích cực triển khai nhưng còn thiếu chặt chẽ và chưa đạt được hiệu quả cao. Các trại giống sai phạm sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục hoạt động lén lút, mọi việc vẫn không thay đổi. Thuốc thú y và các chế phẩm sinh học tồn tại tràn lan trên thị trường, thật giả lẫn lộn, gây khó khăn, nhầm lẫn cho nhiều hộ nuôi. Qua đây cho thấy sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, có sự buông lõng trong việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho con giống, thức ăn…

Đầu tư cho hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản chưa đồng bộ, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, nhất là hệ thống thuỷ lợi, hệ thống quản lý giống và môi trường. Việc quản lý, quy hoạch vùng nuôi và xử lý môi trường vùng nuôi cũng chưa được thực hiện triệt để.

Công tác quy hoạch nuôi trồng của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã không thể bắt kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay; đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất còn hạn chế; sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, môi trường một số nơi có dấu hiệu suy thoái dẫn đến dịch bệnh phát sinh và mất cân bằng giữa cung cầu;… Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một chương trình hay đề án nào được Nhà nước xây dựng một cách hoàn

chỉnh để đưa ra các giải pháp đột phá cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai.

* Ngành thủy sản còn thiếu chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng.

Việc quản lý và hỗ trợ hiện nay của chính phủ đối với chuỗi cung ứng nuôi trồng thủy sản cũng còn rất hạn chế. Ngoài việc đưa ra các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện nuôi trồng đảm bảo chất lượng, thì Nhà nước vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể nào việc hỗ trợ người nuôi khi dịch bệnh hay thiên tai xảy ra, đặc biệt là cho người nuôi tôm thẻ. Phần lớn các hộ đều thiếu vốn sản xuất và phải đi vay nóng bên ngoài trong khi tình hình giá cả và mùa vụ thì lại bấp bênh khiến cho họ bị thiệt hại khá lớn. Thời gian qua, nhiều tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chi phí kiểm dịch giống cho nông dân nhưng do kinh phí địa phương còn hạn hẹp, dẫn tới việc nhiều hộ dân còn trốn kiểm dịch. Việc cho vay vốn ưu đãi đối với các hộ nuôi tôm chưa được nhiều tỉnh quan tâm do nguồn vốn còn hạn hẹp.

* Việc nuôi trồng và chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế chưa được thúc đẩy mạnh mẽ và quan tâm đúng mức.

Cho đến nay, sau nhiều năm thử nghiệm từng bước các tiêu chuẩn về vùng nuôi như: GAP, BMP và CoC; soạn thảo các văn bản pháp lý về GAP, BMP và CoC, bằng cả nguồn ngân sách nhà nước và vốn viện trợ, Việt Nam vẫn chưa có được các tiêu chuẩn, quy định dễ hiểu và đầy đủ để có thể thúc đẩy được việc triển khai áp dụng GAP, BMP hay CoC trên diện rộng.

Về phía doanh nghiệp, chỉ có vài chục đơn vị chế biến đạt tiêu chuẩn BRC và IFS, vài vùng nuôi đạt tiêu chuẩn Global GAP so với tiềm năng thì rất thấp, không nhiều doanh nghiệp chế biến và vùng nuôi đạt được trình độ quản lý theo yêu cầu, quy định của EU. * Nhà nước chưa có hành lang pháp lý để thực hiện phân chia lợi ích bình đẳng giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng nuôi trồng thủy sản.

Trong chuỗi cung ứng, sự phân chia lợi ích theo nguyên tắc “mạnh được, yếu thua” do thiếu một hành lang pháp lý tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần tham gia. Các nhóm yếu thế, như nông dân, ngư dân luôn bị áp lực gánh chịu rủi ro nhiều hơn trong suốt chiều dài chuỗi cung ứng. Bất kỳ tác động nào lên chuỗi cung ứng đều có xu hướng gây bất lợi nhiều nhất cho nông dân, ngư dân, hộ nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ. Giai đoạn

nuôi trồng thường chiếm thời gian dài và tính linh hoạt kém, do vậy xác suất gánh chịu rủi ro luôn cao hơn các chủ thể tham gia vào công đoạn thu mua, chế biến, xuất khẩu, phân phối.

 Tóm lại:

Trong chuỗi cung ứng thủy sản nuôi trồng nói chung và chuỗi cung ứng tôm thẻ nói riêng, Nhà nước và các cơ quan chức năng là những người đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của chuỗi và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường thế giới. Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, quản lý, ra quyết định cho các hộ nuôi trồng và các công ty chế biến thực hiện việc phát triển chuỗi cung ứng nuôi trồng thủy sản.

Sự tham gia của chính phủ trong việc định hướng phát triển, ban hành các quy định hướng dẫn, hỗ trợ vốn, quy hoạch và đánh mã vùng nuôi có vai trò thúc đẩy hoạt động nuôi trồng phát triển theo hướng bền vững. Ngoài ra, sự quan tâm của chính phủ đối với công tác xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thông qua nhiều văn bản hướng dẫn và quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng góp phần nâng cao nhận thức và khắc phục những điểm yếu trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Có thể nói, các hoạt động của chính phủ có tác động mang tính chất vĩ mô tới lợi ích của các bên trong chuỗi giá trị thủy sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, do nguồn lực có hạn nên sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ Việt Nam tới chuỗi cung ứng thủy sản nuôi trồng, chuỗi cung ứng tôm thẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Để có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng thủy sản nuôi trồng cần tiếp tục có sự nỗ lực và tích cực của Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan trong ngành thủy sản để giải quyết và khắc phục những tồn tại hiện nay.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về chuỗi cung ứng của mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh tại Công ty cổ phần Nha Trang sefoods - F17 (Trang 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)