Các trung gian

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về chuỗi cung ứng của mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh tại Công ty cổ phần Nha Trang sefoods - F17 (Trang 87)

Trên thị trường, tôm thẻ nguyên liệu chủ yếu được thu mua qua các đại lý, chủ nậu chủ vựa. Đại lý thủy sản được phân ra thành nhiều cấp khác nhau tùy vào hoạt động của các đại lý này, hiện nay các đại lý hoạt động khá đa dạng. Đại lý có thể là người đi bắt tôm trực tiếp từ các ao đìa, hay chỉ đóng vai trò là người môi giới cho Công ty với người bán, hay đóng cả hai vai trò cùng một lúc… Thông thường đại lý ở các cấp sẽ có một mối quan hệ mật thiết, gắn bó hỗ trợ cho nhau. Hiện nay, các hộ nuôi chủ yếu bán sản phẩm thu hoạch của mình cho các đại lý nên giữa họ sẽ có mối quan hệ lâu dài mật thiết, bởi vì bán cho đại lý sẽ đơn giản và được thanh toán tiền hàng ngay. Ngoài ra, các đại lý còn giữ vai trò như là những người đứng ra ứng vốn cho các hộ nuôi vay để mua giống, thiết bị, thức ăn và thuốc cho tôm khi họ gặp khó khăn về tài chính. Đổi lại, khi đến lúc thu hoạch các hộ nuôi phải ưu tiên bán lại cho các đại lý này với mức giá có thể sẽ thấp hơn so với giá trên thị trường.

Trên thực tế, các đại lý vẫn còn sử dụng khá nhiều mánh khóe để qua mặt Công ty mua nguyên liệu để thu lợi nhuận cao nhất, mà không quan tâm đến chất lượng của con tôm. Nhiều đại lý không có ý thức có thể bơm hóa chất vào tôm, hay ghim đinh vào tôm để tăng trọng lượng và kích cỡ tôm trước khi bán cho các công ty chế biến.

Tại Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods-F17 ở thời điểm hiện nay việc thu mua tôm thẻ chân trắng nguyên liệu cho hoạt động chế biến – sản xuất thường sẽ thông qua 2 đại lý là đại lý cấp 1 và đại lý cấp 2.

 Hoạt động của các đại lý - Đại lý cấp 1

Hoạt động của các đại lý cấp 1 khá đơn giản, họ đóng vai trò như người đi khảo sát các đìa tôm và thu hoạch tôm tại đìa, cụ thể họ sẽ làm các công việc như mua tôm được thu hoạch ngay tại đìa tôm, bảo quản và vận chuyển tôm thẻ nguyên liệu về Công ty (nhiều nhất là 3 ngày). Lúc này họ sẽ phải chịu các chi phí như: thu hoạch, bốc dở, bảo quản, vận chuyển tôm từ đìa đến các nhà máy chế biến của Công ty. Tính trên 1 kg tôm thẻ nguyên liệu thì trung bình chi phí họ phải bỏ là 3.500 đồng, sau khi trừ chi phí và các khoản hoa hồng cho đại lý cấp 2 (trung bình 500đồng/kg), đại lý cấp 1 lãi trung bình là khoảng trên dưới 500 đồng/kg tôm nguyên liệu.

Tuy phần lợi nhuận thu được khá cao, nhưng rủi ro mà các đại lý gặp phải cũng rất lớn. Do mỗi lần thu hoạch, đại lý phải tiến hành thu mua hết sản lượng tôm thẻ trong khu vực nuôi của hộ dân. Nếu như nguyên liệu không đạt chất lượng, hay không đúng kích cỡ khi giao cho Công ty sẽ bị trả về, lúc này đại lý cấp 1 sẽ phải gánh chịu hết tất cả phần thiệt hại đó.

Các đại lý cấp 1 thường vì phần lợi nhuận nên sử dụng khá nhiều những thủ thuật để tăng kích thước và trọng lượng của con tôm nhằm đánh lừa Công ty bằng cảm quan ban đầu như: tiêm thuốc vào tôm, ngâm đá để tôm giãn nở… Qua đó, ta thấy những nhược điểm của việc thu mua tôm thẻ nguyên liệu thông qua hình thức đại lý cấp 1, khó kiểm soát về các vấn đề vệ sinh và chất lượng nguồn hàng.

- Đại lý cấp 2

Thường đặt cơ sở tại các thành phố lớn và chỉ có vai trò như một người “cò mồi”, đảm nhiệm trách nhiệm môi giới giữa công ty với đại lý cấp 1 để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của Công ty tại từng thời điểm, đồng thời đáp ứng việc thanh toán nhanh cho các hộ nuôi điều mà Công ty không thực hiện được. Hoạt động chủ yếu của đại lý cấp 2 thường là liên quan đến vấn đề thanh toán. Đại lý cấp 2 luôn tạo mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với các đại lý cấp 1 để ổn định nguồn hàng của mình, đồng thời cũng giữ mối quan hệ tốt với các nhà máy chế biến thủy sản để đảm bảo việc tiêu thụ của mình. Về mặt lợi nhuận, đại lý cấp 2 trong chuỗi cung ứng của Công ty sẽ nhận được 1 khoản từ 500 đồng/kg – 1.000 đồng/kg từ tôm thẻ nguyên liệu dựa trên giá bán của các đại lý cấp 1. Tuy nhiên đại

lý cấp 2 sẽ phải chịu các chi phí như: phí lãi vay, phí giao dịch, nhân công, tiền điện thoại…, lợi nhuận cuối cùng mà đại lý cấp 2 thu được từ 300 đồng/kg – 700 đồng/kg tùy theo diễn biến của thị trường. Thực tế, đại lý cấp 2 luôn nhận được 1 phần lợi nhuận nên thường không quan tâm nhiều đến vấn đề về thương lượng giá bán, vì họ luôn nhận được một phần hoa hồng chắc chắn theo một định mức chung trong từng lần giao dịch.

Cách thức giao dịch của đại lý cấp 2:

Đại lý cấp 1 sau khi quan sát và lên kế hoạch mua nguyên liệu sẽ thông báo đến cho đại lý cấp 2 về lô hàng chuẩn bị mua đó. Đại lý cấp 2 sau đó sẽ tiến hành chuyển tiền ngay cho người nuôi tôm trước thời điểm tôm nguyên liệu được vận chuyển từ đìa nuôi đến nhà máy. Đồng thời, đại lý cấp 1 sẽ thông báo cho đại lý cấp 2 về thời gian, địa điểm giao hàng tại Công ty để bên đại lý cấp 2 cử người xuống phụ cân hàng và thanh toán tiền cho đại lý cấp 1.

Ta thấy, đại lý cấp 1 là người có thể ép giá đối với các hộ nuôi nhiều nhất nên phần lợi nhuận họ được hưởng sẽ rất lớn nhưng đổi lại thì rủi ro cũng rất lớn. Đại lý cấp 2 thì lại không thu được lợi nhuận lớn như đại lý cấp 1, nhưng rủi ro thì họ rất hiếm khi gặp phải chỉ những trường hợp cá biệt như đại lý cấp 1 nhận tiền nhưng không giao hàng. Tuy nhiên, đại lý cấp 2 luôn luôn chắc chắn nhận được một phần lợi nhuận theo tỷ lệ trên thị trường cho dù các bên liên quan có bị lỗ hay không, họ luôn đảm bảo được một lợi ích an toàn.

Hiện nay, Công ty cổ phần Nha Trang Seadoods-F17 luôn có những chính sách hỗ trợ cho các đại lý hay những hộ nuôi trồng như các chính sách tăng giá mua hoặc sẽ ứng trước tiền cho những người thu mua trong những trường hợp họ gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, nhằm mục đích giữ các mối quan hệ tốt và vững chắc với những đại lý này trong một thời gian lâu dài.

 Thỏa thuận giá cả

Giá cả về nguyên liệu tôm thẻ được thu mua trực tiếp tại các đìa tôm sẽ do người nuôi và đại lý cấp 1 tự thỏa thuận với nhau dựa trên mức giá Công ty đưa ra từng ngày và nhu cầu của thị trường tại từng thời điểm. Đại lý cấp 2 sẽ đóng vai trò là người đứng ra thanh toán tiền trước cho các hộ nuôi trên giá cả đã được Công ty phát ra theo từng ngày, từng giờ. Giá cả chủ yếu sẽ được thỏa thuận thông qua đàm phán miệng trên điện thoại, chi phí

vận chuyển sẽ do bên đại lý cấp 1 chịu, tiền hàng sau đó Công ty sẽ thanh toán sau ít nhất là 3 ngày.

 Tóm lại

Các đại lý sẽ đóng vai trò khảo sát thực tế nuôi trồng tôm thẻ của các hộ dân tại từng địa phương, tìm hiểu chính xác khả năng cung cấp nguyên liệu của các hộ dân. Ưu điểm lớn nhất của các đại lý là khả năng cung cấp tôm thẻ nguyên liệu cho Công ty một cách nhanh nhất, đúng theo yêu cầu của Công ty về số lượng, kích cỡ, màu sắc mà giá nguyên liệu thủy sản thông qua trung gian sẽ không có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, việc thu mua thông qua trung gian cũng có những hạn chế nhất định như khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào một cách toàn diện của Công ty, việc nảy sinh các gian lận của các đại lý, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của sản phẩm đầu ra được sản xuất tại Công ty.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về chuỗi cung ứng của mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh tại Công ty cổ phần Nha Trang sefoods - F17 (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)