Sơ đồ 2.3: Qui trình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh
Tôm thẻ chân trắng có được khả năng thích nghi với môi trường sống rất cao nên nó không có những đòi hỏi quá cao đối với môi trường nuôi, vì thế tôm thẻ chân trắng được dùng để nuôi với khá nhiều các hình thức như: nuôi trong ao nước lợ có độ mặn thấp, nuôi bằng nước mặn, nuôi ở vùng cát ven biển có lót bạt chống thấm hay nuôi trong đầm… Cơ bản trên thực tế thì tôm thẻ chân trắng sẽ được nuôi chủ yếu dưới hai hình thức chính khi thả nuôi con tôm thẻ là: nuôi bán thâm canh hay thâm canh theo các bước như sau:
- Chuẩn bị ao nuôi:
Đối với ao mới: đầu tiên là bơm nước vào ao, rửa sạch bạt để loại các độc tố vào môi trường nước. Sau đó tháo cạn nước, phơi ao cho khô, làm vệ sinh và xử lý các loại thực vật xung quanh, không để hóa chất xử lý còn dư lượng trong ao.
Đối với ao cũ: sau mỗi vụ nuôi cần thực hiện nạo vét lớp bùn đáy trong ao vào khu xử lý chung để tiến hành xử lý. Rửa sạch ao trước khi cấp nước nuôi đợt sau.
- Xử lý nước
Sau khi đã chuẩn bị ao xong, tiến hành bơm nước. Nước cấp vào ao được lọc bởi lưới lọc có kích thước nhỏ để ngăn ngừa trứng và các loại động vật khác vào ao. Sau đó tiến hành xử lý nước bằng các loại hóa chất diệt khuẩn (có sục khí) tùy vào từng ao, từng địa phương và các loại dịch bệnh hiện đang xảy ra. Sau thời gian từ 2-4 ngày (tùy từng loại hóa chất được sử dụng) thì có thể gây màu nước.
- Gây màu nước
Hiện nay, các hộ dân thường gây màu nước bằng “Color Mineral”, đây là cách gây màu nước an toàn nhất và giữ màu nước rất bền. Thành phần chủ yếu của nó gồm khoáng vi lượng có tác dụng kích thích tảo và các động vật phù du phát triển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Ngoài ra còn có thể sử dụng các phương pháp khác.
Sau khi gây màu nước cần tiến hành kiểm tra chất lượng nước xem các yếu tố môi trường đã phù hợp với sự phát triển của tôm hay chưa (như kiểm tra độ pH, độ kiềm…) để có biện pháp xử lý kịp thời. Thời gian gây màu nước khoảng 4-5 ngày, khi màu nước đạt tiêu chuẩn thì mới tiến hành thả giống.
- Chọn giống
Cần mua tôm giống ở những cơ sở bán tôm giống uy tín và tôm giống có xuất xứ rõ ràng không bị dịch bệnh, con giống đồng đều và chất lượng ổn định. Tốt nhất không nên chọn tôm giống chỉ bằng cảm quan mà cần thông qua các phương pháp như làm “Sốc” để đánh giá tôm giống khỏe, và kiểm tra bằng xét nghiệm để kiểm tra các bệnh như virut đốm trắng (WSSV), hội chứng Taura (TSV), bệnh MBV để phát hiện và loại bỏ giống tôm yếu.
- Thả tôm
Trước khi thả một đêm cần mở mạnh máy quạt nước để làm tăng hàm lượng oxy có trong ao nuôi. Cần phải kiểm tra một cách cẩn thận các yếu tố môi trường như: độ pH, độ kiềm, độ mặn… giữa các ao nuôi, trại giống để tránh gây sốc cho tôm thẻ giống khi thay đổi môi trường.
Khi thả tôm cần thả theo chiều của đầu gió, thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, lúc nhiệt độ thấp trong ngày. Tránh thả tôm khi trời nắng nóng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời mưa. Mật độ thả từ 100 – 150 con/m2.
- Chăm sóc và quản lý 1. Thức ăn
Phải dựa vào từng thời gian theo độ tuổi của từng giai đoạn phát triển của tôm mà thay đổi tăng giảm tỷ lệ các chất dinh dưỡng cần thiết cho tôm, cũng như thay đổi số lượng thức ăn và số buổi (từ 2-5 buổi) cho tôm ăn để đạt được kết quả cao. Ngoài ra, cần
phải chọn các loại thức ăn có chất lượng tốt, có nhãn hiệu, uy tín, có thương hiệu trên thị trường, đảm bảo thức ăn có xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình nuôi tôm cần phải sử dụng các loại thức ăn có chứa vitamin C, các sản phẩm chuyên dùng cho gan để bảo vệ và phòng bệnh về gan cho tôm, các sản phẩm chứa khoáng giúp tôm thẻ chân trắng tạo vỏ nhanh, mau lớn và tăng tỷ lệ sống.
Thường xuyên dùng nhá, chài để kiểm tra thức ăn tiêu thụ hàng ngày và lượng tôm, kích thước của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp.
2. Sục khí
Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh và bán thâm canh đòi hỏi việc sục khí, quạt khí phải liên tục nhằm cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan cho tôm nuôi. Thời gian sục khí, quạt khí tăng dần theo thời gian nuôi. Khi cho tôm ăn thì ngưng sục khí. 3. Phòng ngừa dịch bệnh
Thường xuyên tiến hành theo dõi các hoạt động hàng ngày của tôm, kiểm tra tăng trưởng kết hợp kiểm tra dấu hiệu bệnh lý của tôm. Tôm thẻ chân trắng thường gặp các bệnh lý như hội chứng Taura (TSV), bệnh đốm trắng (WSSV), các bệnh do vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật. Để phòng ngừa bệnh cho tôm thì cần kỹ lưỡng trong cả quá trình nuôi từ khâu chọn con giống, phải chọn giống khỏe và chất lượng tốt.
- Quản lý môi trường ao nuôi
Luôn đảm bảo môi trường ao nuôi luôn được duy trì ổn định, giữ màu nước thích hợp. Nếu phát hiện có sự thay đổi nồng độ các chất trong môi trường nuôi như độ pH, độ kiềm, các loại tảo… thì phải tiến hành điều chỉnh lại cho vào mức chuẩn cho tôm nuôi phát triển tốt.
- Thu hoạch
Sau khoảng 3 tháng nuôi (từ 75-90 ngày), khi tôm thẻ chân trắng đạt được kích cỡ thương phẩm khoảng 60-80 con/kg thì tiến hành thu hoạch, tôm sau thu hoạch phải được bảo quản lạnh ngay.