Khi tôm thẻ nuôi được tới thời gian có thể thu hoạch được, thì hộ nuôi sẽ liên lạc trực tiếp với người quản lý thu mua của Công ty hoặc liên lạc với các đại lý tùy theo năng lực và lựa chọn của người nuôi. Trong quá trình liên lạc họ sẽ thương lượng với Công ty hay đại lý về giá bán, sau khi thương lượng thành công thì sẽ tiến hành thu hoạch và giao hàng. Công ty sẽ tiến hành thu mua nguyên liệu tôm thẻ qua 2 hình thức là thu mua trực tiếp từ người nuôi, và thu mua từ các đại lý trung gian. Cả hai hình thức thu mua trên đều được Công ty tiến hành theo hình thức tự do và không có sự ràng buộc của hợp đồng mua bán.
Qua điều tra lấy mẫu 10 hộ nuôi cung cấp nguyên liệu cho Công ty thì có 3 hộ là bán trực tiếp đến Công ty, còn lại 7 hộ là bán qua trung gian các đại lý, chủ nậu. Hầu hết những hộ bán trực tiếp cho Công ty là những hộ có mối quan hệ làm ăn tốt, lâu dài với các công ty, sản lượng đầu ra hầu hết đến 80% là cung cấp trực tiếp cho các công ty chế biến trong khu vực. Đây thường là những hộ nuôi có quy mô khá lớn, có tiềm lực tài chính, có phương tiện vận tải . Những hộ bán qua đại lý là các hộ có quy mô nuôi nhỏ và trung bình, khả năng tài chính yếu nên bán qua các đại lý để nhận được tiền ngay.
Hiện nay, ở Công ty chỉ có 10 hộ là có khả năng cung cấp trực tiếp nguyên liệu tôm thẻ chân trắng tới tận Công ty. Còn lại một số lượng khá lớn các hộ nuôi khác trên 20 hộ là chọn hình thức bán cho Công ty thông qua các đại lý, chủ vựa, đây là phương thức được ưa chuộng nhất của bà con nuôi trồng tôm thẻ. Nguyên nhân chủ yếu là khi bán cho các đại lý thì tất cả sản lượng thu hoạch đều được mua hết bất kể chất lượng có đồng đều không, mặt khác họ sẽ được đại lý thanh toán tiền ngay để chi trả các khoản chi phí đầu vụ và chuẩn bị cho vụ mới. Còn nếu bán trực tiếp thì người nuôi phải chờ ít nhất là 3 ngày để Công ty tiến hành các thủ tục cần thiết thì mới thanh toán tiền.
Vấn đề giá cả
Tôm thẻ chân trắng là sản phẩm theo mùa vụ, nên không thể giữ thời gian quá lâu trong ao nuôi (sẽ mất nhiều chi phí về thức ăn và điều kiện nuôi), ngoài ra còn chịu chi phối khá nhiều từ thị trường. Vì thế mà giá cả được thương lượng giữa Công ty và các hộ nuôi hay đại lý cũng chỉ mang tính chất tương đối, và người nuôi luôn ở thế bị động hơn về giá cả. Hiện nay, giá bán mặt hàng tôm thẻ của các hộ nuôi chủ yếu bị phụ thuộc vào các yếu tố trên thị trường như là: giá xuất khẩu trên thị trường thế giới, mùa vụ trong
nước và các nước khác, thời tiết, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Hiện nay, Công ty sẽ tiến hành thu mua theo giá bán trên thị trường được cập nhật theo từng ngày và có thể từng giờ, tùy vào từng thời điểm mà đưa ra các mức giá khác nhau theo sự thay đổi của thị trường. Nên nếu các hộ nuôi bán trực tiếp cho Công ty thì họ sẽ nhận được toàn bộ giá trị của lô tôm thu hoạch đó. Còn nếu các hộ bán qua các đại lý, chủ vựa thì họ sẽ chịu mất đi một khoản chiết khấu hiện tại là 500 đồng/kg.
Thực tế đến thời điểm hiện nay, thì sự gắn kết giữa các hộ nuôi tôm thẻ và Công ty là không có sự chặt chẽ, gắn bó; giữa họ vẫn duy trì mối làm ăn riêng lẻ. Vì thế mà trong những thời điểm chính vụ, lúc này cung sẽ vượt quá mức cầu của thị trường thì các hộ nuôi sẽ mất đi lợi thế mặc cả và phải chịu bị ép giá. Còn ở những thời điểm trái vụ, mất mùa, nguồn nguyên liệu khan hiếm thì giá bán nguyên liệu sẽ được đẩy lên rất cao, đó là do các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để thu mua được nguyên liệu cho sản xuất. Vì dù cho ở thời điểm nào thì người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất trong suốt cả chuỗi cung ứng vẫn chỉ là các hộ nuôi trồng, họ luôn phải chịu tình cảnh “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, vì thế mà lợi nhuận của các hộ nuôi luôn không ổn định.
Vấn đề về chất lượng
Chất lượng con tôm thẻ khi thu hoạch của người nuôi vẫn có rất nhiều hạn chế do chịu tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài như: thiếu vốn đầu tư, giá của các yếu tố đầu vào luôn biến động không ngừng, nguồn đầu vào còn nhiều vấn đề về chất lượng, kỹ thuật nuôi không được nâng cao, phụ thuộc khá nhiều vào tình hình thời tiết và môi trường nuôi, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan ban ngành… Mặt khác, một số đại lý khi thu mua không quan tâm nhiều đến chất lượng nguyên liệu về độ sạch của tôm, có đảm bảo yêu cầu chất lượng không, mà hầu như chỉ quan tâm nhiều đến kích cỡ và giá cả.
Tóm lại
Nhìn chung hiện nay, tuy các hộ nuôi tôm thẻ không còn tự phát nhiều như thời gian trước kia nữa nhưng họ vẫn chỉ chủ yếu thu được lợi nhuận, chưa có định hướng và tầm nhìn lâu dài. Hiệu quả và năng suất các vụ nuôi rất bấp bênh do bị dịch bệnh tấn công, giá cả không ổn định, chất lượng thấp… Nguyên nhân chủ yếu do người dân vẫn còn hạn
chế nhiều về vốn, kỹ thuật, thông tin làm ảnh hưởng đến chất lượng con tôm thu hoạch, ngoài ra việc người nuôi sử dụng nguồn tôm thẻ giống không chất lượng và việc lạm dụng thuốc, hóa chất và các chế phẩm sinh học vào môi trường nuôi làm chất lượng và hiệu quả thu hoạch không cao, không ổn định.
Vì vậy, nếu không có được sự hợp tác và trợ giúp từ phía Công ty thì các hộ nuôi trồng sẽ có nguy cơ bị đẩy ra ngoài chuỗi cung ứng và chịu nhiều thiệt thòi. Bởi xét ở tính dài hạn, lợi ích của Công ty và các hộ nuôi sẽ bị hạn chế, khi người nuôi không đảm bảo được chất lượng sản phẩm, cũng như không thể thu lại được đầy đủ giá trị mà họ đã tạo ra. Còn nhà sản xuất lại gặp khó khăn trong việc thu mua được nguồn nguyên liệu đầu vào, không kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng của nguồn đầu vào này.