Trong bài báo - cương lĩnh của tâm lý học Hành vi, J.B. Watson nêu rõ tâm lý học không xem xét, giảng giải tâm lý, ý thức, mà chỉ quan tâm đến hành vi, không phân biệt hành vi của con người hay của con vật.
Trong tiếng Anh, phương án Mỹ, từ “hành vi” (behavior) có gốc ở động từ “behave” có nghĩa là “cư xử”, “ứng xử”. Lúc đầu từ này được dùng trong hóa học với nghĩa nguyên sơ là “phản ứng”.
Như đã trình bày ở mục trước, khi nghiên cứu về phản xạ có điều kiện I.P. Pavlov, V.M. Becherev và E.L. Thordinke đã sử dụng thuật ngữ “phản ứng” (cư xử, ứng xử) này để thể hiện sự đáp trả lại “kích thích” từ bên ngoài tác động vào cơ thể. J.B. Watson đã tiếp nhận và khai thác triệt để nội dung “phản ứng” này và coi đó là đối tượng của tâm lý học hành vi. Như vậy “hành vi” được hiểu là phản ứng của cơ thể đối với kích thích từ bên ngoài vào cơ thể. Hành vi với nghĩa như thế là cái hoàn toàn có thể quan sát được. Rõ ràng đây là đối tượng nghiên cứu có thể làm cho tâm lý học mang tính khách quan. Và cũng chính vì chọn hành vi như vậy làm đối tượng nghiên cứu, nên tâm lý học Hành vi được gọi là Hành vi luận (Behaviorism); có lẽ một cách chính xác phải gọi là Phản ứng luận (Reactionism).
Những biểu hiện của phản ứng đáp trả kích thích có thể là những cử động của cơ bắp (vận động cơ bắp ở cơ thể, ở mặt, ở cổ họng …) hay tiết dịch (tiết nước bọt …). Đây là những cứ liệu ban đầu để xác định phản ứng, hành vi đảm bảo tính khách quan.
Tâm lý học Hành vi cần phải nghiên cứu hành vi của cơ thể nói chung, từ các phản ứng rất đơn giản (như phản xạ đầu gối) đến các
phản ứng phức tạp (như ăn uống, viết sách, chơi bóng, xây nhà …), đồng thời có thể quy các phản ứng loại sau về các phản ứng vận động hay tiết dịch cấp thấp. J.B. Watson gọi loại phản ứng phức tạp là hành động phản ứng, tức là những phản ứng gắn với mục đích xác định. Đây là một tư tưởng rất quan trọng của J.B. Watson để xem xét các hành vi ngôn ngữ, hành vi lời nói là hành động (sẽ nói rõ sau).
Theo J.B. Watson, phản ứng có thể được hiện rõ hay ngầm ẩn. Những phản ứng hiện rõ là những phản ứng bên ngoài, có thể quan sát một cách trực tiếp. Những phản ứng ngầm ẩn là sự tiết dịch, các xung động thần kinh, sự co bóp của các cơ quan bên trong … không trực tiếp thấy được, nhưng có thể quan sát được nhờ thiết bị kỹ thuật. Tất cả những loại phản ứng đó đều là những thành tố của hành vi. Đồng thời chúng đều do các kích thích mà có. Như vậy tâm lý học Hành vi có đối tượng nghiên cứu liên quan đến tất cả cơ thể và cả đến môi trường.
Từ quan niệm trên đây về đối tượng nghiên cứu, J.B. Watson đề ra nhiệm vụ của tâm lý học là dự báo và điều khiển hành vi. Và coi vấn đề cơ bản của tâm lý học là phải nghiên cứu các kích thích để tạo ra các phản ứng đáp trả cả của người, lẫn của động vật, chứ không phải là tìm ra sự khác nhau giữa các phản ứng đó. Điều này sẽ được nói rõ hơn ở các luận điểm sau.
Việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu của tâm lý học Hành vi là một phát hiện mới cho tâm lý học, góp phần mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu cho khoa học này, song đồng thời cũng làm hẹp lại phạm vi đối tượng của tâm lý học, bỏ mất phần nội dung tâm lý, ý thức đặc trưng nhất của khoa học tâm lý và đặc biệt đã hoàn toàn không thấy được mối liên hệ giữa chúng.