5. Theo tâm lý học Liên tưởng, tác động bên ngoài tạo ra hành động đáp trả của hệ thần kinh và làm xuất hiện trong hệ thần kinh những
3.1.2. Cơ sở tâm sinh lý học của tâm lý học Hành
Trong lĩnh vực tâm - sinh lý học, thời gian này ở Pháp có những nghiên cứu về phản xạ của R. Descarte, ở Nga có những nghiên cứu về hoạt động của hệ thần kinh cấp cao của I.M. Xetsenov, I.P. Pavlov, V.M. Becherev, P.A. Anokhin …, đặc biệt về phản xạ có điều kiện nổi tiếng của I.P. Pavlov và phản xạ kết hợp của V.M. Becherev. Những nghiên cứu này đã có ảnh hưởng rất rõ đến tâm lý học Động vật của E.L. Thorndike và tiếp đó, đến sự ra đời của Hành vi luận của J. Watson. Những nhà nghiên cứu này đều đã có những kế thừa nhất định từ công thức về phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov vào việc xây dựng luận điểm khoa học chính trong lý thuyết tâm lý học mới của mình. Cho nên không nói đến I.P. Pavlov thì không thể hiểu rõ sự ra đời cùa tâm lý học Động vật của E.L. Thorndike và tâm lý học
Hành vi của J. Watson. Ngoài ra, những nghiên cứu của các nhà tâm - sinh lý học Nga nêu trên sau này còn được coi là nền tảng để xác lập cơ sở sinh lý học (thần kinh cấp cao) của các hiện tượng tâm lý người.
Vậy phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov và phản xạ kết hợp của V.M. Becherev có những nội dung là gì? Và chúng đã được các nhà tâm lý học Động vật và tâm lý học Hành vi dựa vào như thế nào?
Nghiên cứu phản xạ có điều kiện là một trong ba lĩnh vực cơ bản trong nghiên cứu khoa học của I.P. Pavlov. Một trong hai lĩnh vực nghiên cứu kia là các cơ quan tiêu hóa cơ sở đã đưa ông đến giải Nobel năm 1904. Nghiên cứu về phản xạ có điều kiện đã làm ông được tôn vinh là nhà sinh lý học thần kinh số 1 thế giới vào những năm đầu thế kỷ XX.
Theo I.P. Pavlov, khi cho chó ăn, thức ăn vào miệng, chó tiết nước bọt; nhưng đôi khi chó lại tiết nước bọt trước khi nhận được thức ăn (như khi nhìn thấy hình dáng người vẫn cho chó ăn); điều này xẩy ra vì đã xuất hiện mối liên hệ (mối liên tưởng) giữa việc ăn (nuốt) và những kích thích đó (hình dáng người cho ăn và thức ăn). Ở đây cần thấy: - Thức ăn là tác nhân kích thích không điều kiện.
- Tiết nước bọt khi thức ăn vào miệng là phản xạ không điều kiện; phản xạ không điều kiện là phản ứng tự nhiên, bản năng, không cần học cũng có.
- (Nhìn thấy) hình dáng người cho ăn là tác nhân kích thích có điều kiện (gọi là có điều kiện vì sau đó phải có điều kiện là có tác nhân kích thích không điều kiện).
- Phản xạ tiết nước bọt trước khi nhận được thức ăn (như khi nhìn thấy hình dáng người vẫn cho chó ăn) là phản xạ có điều kiện. Phản xạ có điều kiện còn gọi là phản xạ bị quy định (chế ước) hay phụ thuộc (vào mối liên hệ - liên tưởng - giữa hình dáng thức ăn hay người cho ăn với sự nuốt kế tiếp sau đó). Phản xạ có điều kiện là phản ứng tập nhiễm, tự tạo, phải học mới có.
Thực nghiệm điển hình về hình thành phản xạ có điều kiện ở trong phòng kín của I.P. Pavlov như sau:
Đèn bật sáng (ánh sáng - tác nhân kích thích có điều kiện), cho chó ăn (thức ăn - tác nhân kích thích không điều kiện), sau một số lần như vậy, chó tiết nước bọt ngay khi đèn vừa bật sáng (sự tiết nước bọt này là phản xạ có điều kiện), tức là chó đã quen phản ứng bằng cách nhất định với tác nhân kích thích có điều kiện. Ở đây giữa ánh sáng và thức ăn (giữa tác nhân kích thích có điều kiện và tác nhân kích thích không điều kiện) đã hình thành mối liên hệ (mối liên tưởng). Quá
trình hình thành mối liên hệ (mối liên tưởng) là quá trình học, được diễn ra khi đèn bật sáng có kèm theo sự xuất hiện thức ăn với một số lần xác định. Không được củng cố, mối liên hệ này sẽ mất đi và phản xạ có điều kiện sẽ tắt. Như vậy, việc học chỉ có thể diễn ra khi có củng cố (cho ăn). Kích thích củng cố có tác dụng nâng cao xác suất phản ứng.
Theo tinh thần nêu trên, I.P. Pavlov đã gọi phản xạ có điều kiện là phản xạ bị quy định hay phụ thuộc vào các điều kiện hình thành mối liên hệ (mối liên tưởng) giữa kích thích và phản ứng.
Trong phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov kích thích có điều kiện đã được điều kiện hóa với kích thích không điều kiện, cho nên phản xạ có điều kiện của ông còn được gọi là phản xạ điều kiện hóa cổ điển, thường gọi tắt là phản xạ có điều kiện cổ điển (để phân biệt với phản xạ có điều kiện do B.F. Skinner phát hiện sau này, mà về thực chất cũng là phản xạ có điều kiện do Pavlov tìm ra).
I.P. Pavlop đã chỉ ra 3 nguyên tắc của phản xạ có điều kiện. Đây là những cơ sở lý luận quan trọng của học tập. Thứ nhất, nguyên tắc khái quát hóa kích thích, nhờ vậy tạo ra khả năng sử dụng tài liệu được học vào các tình huống mới. Thứ hai, nguyên tắc phân biệt, nhờ đó học được cách phản ứng khác nhau đối với các kích thích tương tự. Thứ ba, nguyên tắc tắt phản xạ, nhờ đó có thể quên cái học được và như vậy cũng gián tiếp chỉ ra cách để nhớ cái cần nhớ.
Ngoài ra I.P. Pavlov còn nghiên cứu nhiều vấn đề khác của phản xạ có điều kiện, như sự hình thành phản xạ, những yếu tố kèm theo trong hình thành phản xạ, sự tắt phản xạ, sự phục hồi ngẫu nhiên của phản xạ, sự khái quát hóa, phân biệt sự khác nhau, sự điều kiện hóa bậc cao và v.v…
Đến đây có thể thấy rõ một số điểm sau trong nghiên cứu về phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov:
- Các khái niệm “kích thích” và “phản ứng” là những khái niệm quan trọng trong các nghiên cứu của I.P. Pavlov.
- Trong sơ đồ cấu trúc phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov có rất rõ ba thành phần tạo thành: 1) Kích thích; 2) Mối liên hệ (mối liên tưởng) và 3) Phản ứng. Mối liên hệ (mối liên tưởng) này là khâu trung tâm của phản xạ có điều kiện, nơi diễn ra các hình ảnh của kích thích, đặc trưng cho tâm lý. Đây là cơ sở tâm - sinh lý học để sau này giải thích các hiện tượng tâm lý.
- Việc học tập chỉ có hiệu quả trên cơ sở được củng cố và theo những nguyên tắc xác định.
Như vậy, phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov, nói một cách triết học, phương pháp phản xạ có điều kiện của ông, đã chỉ ra cho tâm lý học những thành phần cơ bản cùa hành vi và cung cấp cho dạy học, kể cả dạy học ngoại ngữ, những cơ sở dạy học quan trọng. Nhưng do nghiên cứu được đóng khung ở trong phòng thực nghiệm, đặc biệt các điều kiện, các tác nhân kích thích để hình thành mối quan hệ, tức để học, đều được chuẩn bị sẵn, thậm chí mang đến tận miệng con chó, cho nên đây là học thuyết về phản xạ có điều kiện thụ động.
Học thuyết phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov là cơ chế sinh lý học dạy học thụ động, dạy học mà mọi thứ (mục đích, nội dung, bài học, phương pháp, hình thức tổ chức …) đều do thày chuẩn bị, đưa ra và áp đặt cho người học. Đây là cơ sở cho dạy học điển hình lấy người thầy làm trung tâm.
Tâm lý học So sánh, đặc biệt tâm lý học So sánh của E.L. Thorndike và tiếp đó tâm lý học Hành vi đã tiếp nhận những khái niệm và nội dung phản xạ có điều kiện trên đây của I.P. Pavlov theo cách riêng của mình. Ở tâm lý học So sánh, khâu mối liên hệ (mối liên tưởng) lúc đầu còn khá rõ, song càng về sau càng mờ đi. Ở tâm lý học Hành vi, do muốn xây dựng một ngành tâm lý học mới theo quan điểm triết học thực chứng và thực dụng, nên người sáng lập ra nó, J. Watson, đã lược bỏ đi khâu đặc trưng cho tâm lý, khâu trung tâm, tức khâu mối liên hệ (mối liên tưởng) và chỉ giữ lại khâu đầu (kích thích) và khâu cuối (phản ứng) của phản xạ để đưa vào khái niệm “hành vi”, vào giải thích cơ chế của hành vi, một khái niệm hạt nhân trong hệ thống lý luận của tâm lý học Hành vi. Có người nói, J. Watson đã tiếp nhận những điều này từ tâm lý học So sánh của E.L. Thorndike là không chính xác, bởi lẽ đơn giản, chính E.L. Thorndike cũng đã chịu ảnh hưởng của I.P. Pavlov về những nội dung đã nêu. Tất nhiên, J. Watson có tiếp nhận từ E.L. Thorndike rất nhiều để xây dựng Hành vi luận của mình (sẽ nói rõ ở dưới).
Sau này ở Mỹ những phương pháp phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov còn được sử dụng rộng rãi trong trị liệu hành vi. Có thể nói nghiên cứu của I.P. Pavlov đã có ảnh hưởng to lớn đến tâm lý học Hành vi Mỹ, đến việc dịch chuyển tâm lý học theo hướng khách quan, cả về đối tượng, phương pháp nghiên cứu, lẫn về tăng cường khuynh hướng chức năng và thực hành.
Tất nhiên ngày nay tâm - sinh lý học thần kinh cấp cao đã có những bước phát triển rất lớn, song những đóng góp nêu trên của I.P. Pavlov vẫn không mất đi giá trị khoa học đã có.
Phản xạ có điều kiện của I.P. Pavlov đã được V.M. Becherev xem xét dưới góc độ khác, góc độ kết hợp các kích thích và gọi là phản xạ kết hợp. Theo V.M. Becherev, phản xạ kết hợp là phản xạ xuất hiện không chỉ nhờ tác động của kích thích không điều kiện, mà còn nhờ tác động của khích thích kết hợp với kích thích không điều kiện.
Phản xạ kết hợp được V.M. Becherev phát hiện nhờ những nghiên cứu của ông về phản ứng vận động. Ông phát hiện những vận động do phản xạ (như rụt tay lại khỏi những vật đe dọa bị điện giật) xuất hiện có thể không chỉ do tác nhân kích thích không điều kiện (điện giật), mà còn do tác động của những kích thích được kết hợp với kích thích ban đầu, như tiếng gõ trong thời gian dòng điện giật, sau chỉ nghe tiếng gõ nghiệm thể cũng rụt tay lại. Hiện tượng phản ứng rụt tay này có thể giải thích theo các thuật ngữ của quá trình tâm lý, nhưng V.M. Becherev đã coi nó mang tích chất phản xạ.
Ông còn cho rằng có thể giải thích các hành vi cao cấp khi xem xét chúng như sự kết hợp hay tích hợp các phản xạ vận động cấp thấp. Chẳng hạn, các quá trình tư duy cũng có tính chất tương tự, nghĩa là chúng phụ thuộc vào những hành động bên trong của cơ ngôn ngữ.
Chính ý tưởng này đã được J. Watson tận dụng để đưa ra quan niệm về ngôn ngữ là hành động, để lý giải về ngôn ngữ thầm …
Những tư tưởng nghiên cứu nêu trên của V.M. Becherev đã thể hiện rõ việc áp dụng triệt để phương pháp khách quan vào nghiên cứu, loại trừ tận gốc việc sử dụng các thuật ngữ hay lý thuyết tâm lý học nội quan. Tâm lý học Hành vi cũng đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương pháp khách quan này.