6. Tìm thấy luyện tập trong các tình huống tương tự là con đường hình thành và phát triển hành vi, phát hiện ra khâu củng cố (củng cố
4.2.1. Phương pháp luận nghiên cứu của tâm lý học Hoạt động
Năm 1925 L.X. Vygotsky công bố bài báo “Ý thức như một vấn đề của tâm lý học Hành vi”. Về sau bài báo này được coi là cương lĩnh của nền tâm lý học mới, tâm lý học Hoạt động.
Trong bài báo trên, L.X. Vygotsky chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm của các khuynh hướng tâm lý học đương thời, đặc biệt là tâm lý học Hành vi, đồng thời cũng đưa ra đối tượng, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của nền tâm lý học mới.
Về ưu điểm của các khuynh hướng tâm lý học đương thời, ông viết: “Mỗi trường phái đều góp phần giải quyết một chương trong giáo trình tâm lý học: Như các công trình nghiên cứu tâm vật lý đối với chương cảm giác, những phát hiện của tâm lý học Phân tâm đối với chương bản năng, các thực nghiệm của tâm lý học Hành vi đối với chương cử động, những nghiên cứu vượn người đối với chương tư duy thủ công và v.v…”. Và ông khẳng định ngay: “Nhưng một nền tâm lý học không phải là các chương đó cộng lại” (L.X. Vygotsky, 1984).
Còn về khuyết điểm chung mang tính phương pháp luận của các trường phái tâm lý học đó, theo ông, là đã xuất phát và chuyển dịch phương pháp luận từ một khoa học cụ thể để xây dựng một khoa học cụ thể khác. Như vậy, không thể sửa chữa các khuynh hướng tâm lý học đương thời để xây dựng một nền tâm lý học mới được. Muốn xây dựng nền tâm lý học mới, ông khẳng định trước hết phải xác định phương pháp luận cho nó, sau đó mới tiến hành các công việc cụ thể. Tinh thần này đã được L.X. Vygotsky quán triệt mỗi khi bắt tay vào
giải quyết một vấn đề mới. Chẳng hạn, sau này để đánh giá đống tư liệu nghiên cứu khổng lồ cuả J. Piajet, ông nói: “Ai muốn tìm ra chìa khóa để hiểu biết toàn bộ các sự kiện phong phú ấy, thì trước hết phải tìm ra triết học của sự kiện, cách phát hiện sự kiện và cách suy nghĩ về sự kiện. Không có cái đó, sự kiện là sự kiện câm và chết” (L.X. Vygotsy, Tư duy và ngôn ngữ).
L.X. Vygotsky đã nhìn thấy triết học duy vật lịch sử biện chứng của K. Marx và F. Engels có khả năng khắc phục được khuyết điểm chung nêu trên của các khuynh hướng tâm lý học đương thời, và đặc biệt, có khả năng giải quyết vấn đề lý luận và phương pháp luận của nền tâm lý học mới. Ông đã kiên định vận dụng quan điểm triết học này vào nghiên cứu tâm lý con người theo cách chuyển những luận điểm của triết học Marx về hoạt động thực tiễn, về bản chất xã hội của con người, về nguồn gốc cái bên ngoài của ý thức và cả về ngôn ngữ v.v… của triết học Marx vào xây dựng lý luận, phương pháp luận của tâm lý học Hoạt động, cụ thể:
- Tiền đề xuất phát của triết học Marx là phải nghiên cứu ý thức người từ hoạt động thực tiễn, L.X. Vygotsky nêu: Việc nghiên cứu tâm lý người phải được bắt đầu từ phân tích hoạt động thực tiễn của con người theo quan điểm triết học Marx. Đây là nguyên tắc về xuất phát điểm nghiên cứu tâm lý.
- Triết học Marx chỉ rõ vai trò của công cụ, tính gián tiếp của hoạt động đế đối tượng thông qua công cụ, L.X. Vygotsky nêu: Tâm lý người có tính gián tiếp thông qua công cụ; nghiên cứu các chức năng tâm lý cấp cao của con người phải gián tiếp thông qua công cụ của chúng. Đây là nguyên tắc gián tiếp nghiên cứu tâm lý. L.X. Vygotsky còn nói thêm: Về bản chất, phương pháp có tính chất công cụ là phương pháp lịch sử - phát sinh. Nó mang quan điểm lịch sử vào nghiên cứu hành vi” (L.X. Vygotsky, 1930).
- Triết học Marx sử dụng phương pháp tiếp cận lịch sử - phát sinh, duy vật, biện chứng, L.X. Vygotsky nêu: Nghiên cứu ý thức trên mảnh đất thực tiễn của nó, từ nguồn gốc phát sinh, quá trình hình thành, phát triển trong mối quan hệ với hiện thực của cá nhân và xã hội. Đây là nguyên tắc lịch sử - phát sinh nghiên cứu tâm lý.
Tất cả các nhà tâm lý học Hoạt động khác đều thống nhất với L.X. Vygotsky trong việc lấy triết học Marx làm cơ sở phương pháp luận nghiên cứu, làm “cách” xem xét, giải quyết vấn đề cho ngành tâm lý học mới. X.L. Rubinstein viết: “ Sai lầm của tâm lý học Nội quan không phải ở chỗ nó muốn đặt ý thức thành đối tượng nghiên cứu của
tâm lý học, mà ở chỗ cái cách hiểu của nó về ý thức, tâm lý con người. Sai lầm của thuyết Hành vi cũng không phải ở chỗ nó muốn nghiên cứu con người trong hoạt động, mà trước hết ở cái cách hiểu của nó về hoạt động đó. Và điều lầm lẫn của tâm lý học Tinh thần không phải ở chỗ nó thừa nhận tính chất trung gian (gián tiếp) của ý thức, quan hệ của nó với văn hóa, với hệ tư tưởng, mà ở cái cách nó xem xét mối quan hệ đó. Vì thế biện pháp để thóat khỏi cuộc khủng hoảng không thể là vì nhận thức sai lầm của thuyết Nội quan về ý thức, mà hoàn toàn gạt bỏ ý thức như thuyết Hành vi, để dựng lên một khoa học tâm lý không có tâm lý; hoặc là vì nhận thức sai lầm của thuyết Hành vi về hoạt động, mà dựng lên một khoa học tâm lý không cần biết đến hoạt động của con người như tâm lý học Chủ quan về ý thức; hoặc cuối cùng, vì muốn chữa những sai lầm, mà lại đem kết hợp nhận thức giả dối về ý thức với nhận thức giả dối về hoạt động của con người. Chỉ có một cách giải quyết cuộc khủng hoảng thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng đó là triệt để cải tạo chính ngay quan niệm về ý thức và hoạt động của con người, không ngừng gắn liền với nhận thức mới về mối quan hệ giữa ý thức và hoạt động là có thể vạch ra một cách đúng đắn đối tượng của tâm lý học. Theo quan niệm của chúng ta thì đó chính là biện pháp đã được chỉ ra hoàn toàn rõ ràng trong lời phát biểu của Marx về tâm lý học” (X. L. Rubinstein, 1973).
Lời phát biểu của Marx về tâm lý học như sau: “Lịch sử của công nghiệp và sự tồn tại có tính đối tượng đã hình thành của công nghiệp là cuốn sách đã mở ra về những lực lượng bản chất của con người, là tâm lý học con người bày ra trước mắt chúng ta một cách cảm tính. Từ trước tới nay người ta xem xét tâm lý học này không phải trong mối liên hệ của nó với bản chất của con người, mà bao giờ cũng chỉ theo quan điểm của mối quan hệ bên ngoài của sự có ích … Nếu tâm lý học không tính đến quyển sách ấy, nghĩa là chính cái bộ phận dễ cảm thấy nhất, dễ tiếp xúc nhất của lịch sử, thì không thể trở thành khoa học thực sự có nội dung phong phú và hiện thực được” (K. Marx, tập 23, tr.110).
Và X.L. Rubinstein đưa ra hai nguyên tắc nghiên cứu tâm lý học, đó là nguyên tắc quyết định luận (tức tồn tại quyết định tâm lý, ý thức) và nguyên tắc thống nhất giữa ý thức với hoạt động.
Quan điểm phương pháp luận này về xem xét tâm lý con người, xuất phát từ triết học Marx, còn được A.R. Luria phân tích rất rõ: “Không có chút hy vọng nào tìm thấy nguồn gốc của hành vi tự do trong những tầng cao của tinh thần hay trong những chiều sâu của
khối óc. Cách tiến hành duy tâm của những nhà hiện tượng luận cũng thất vọng như cách làm của các nhà tự nhiên học. Muốn phát hiện ra nguồn gốc của hành vi tự do, cần phải đi ra ngoài những giới hạn của cơ thể và làm việc đó không phải ở trong phạm vi kín đáo của tinh thần, mà là trong những hình thức khách quan của đời sống xã hội. Phải tìm những nguồn gốc của ý thức và tự do con người trong lịch sử xã hội của nhân loại. Muốn tìm thấy tâm hồn thì phải bỏ mất nó đi (A.R. Luria, 1966).
A.N. Leonchiev cũng lấy hoạt động làm điểm xuất phát và phương hướng cơ bản để xem xét tâm lý, ý thức. Hơn thế, ông coi hoạt động là một phạm trù tâm lý, là cái tâm lý và ông đưa ra phương pháp tiếp cận hoạt động với tư cách là phạm trù tâm lý.
Như vậy là rất rõ, L.X. Vygotsky và những người cùng quan điểm đã lấy triết học Marx làm cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu của nền tâm lý học mới, tâm lý học Hoạt động. Điểm chung nổi bật ở các ông là đều thống nhất đưa ra phương pháp tiếp cận hoạt động đối với vấn đề tâm lý, ý thức.