5. Theo tâm lý học Liên tưởng, tác động bên ngoài tạo ra hành động đáp trả của hệ thần kinh và làm xuất hiện trong hệ thần kinh những
2.4. Đánh giá quan điểm dạy học ngoại ngữ dựa trên tâm lý học Liên tưởng
các biểu tượng về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ được dạy. Theo quan điểm này, để nắm vững được tốt nhất ngữ pháp và từ vựng ngoại ngữ, tức để ghi nhớ được tốt nhất hệ thống các biểu tượng về chúng, nhiệm vụ chính của người học ngoại ngữ là phân tích các hiện tượng ngôn ngữ, dịch các từ và bài khóa, đối chiếu hệ thống ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài. Nói cách khác, quan điểm dạy học ngoại ngữ dựa trên tâm lý học Liên tưởng là quan điểm dạy học hệ thống ngôn ngữ ngoại ngữ.
2.4. Đánh giá quan điểm dạy học ngoại ngữ dựa trên tâm lý học Liên tưởng Liên tưởng
Dạy học ngoại ngữ xây dựng trên cơ sở của tâm lý học Liên tưởng mang tính duy vật chủ nghĩa, thừa nhận việc người học muốn nắm được ngoại ngữ thì phải thực hiện những quá trình nhận thức nhất định để chuyển ngoại ngữ cần học thành cái riêng của mình, thành khả năng ngoại ngữ của mình, chứ không phải là quá trình làm lộ ra khả năng ngoại ngữ bẩm sinh đã có. Ở vào thế kỷ XVII-XVIII, khi mà chủ nghĩa duy tâm vẫn tấn công rất mạnh vào triết học và tâm lý học thì một quan điểm tâm lý học duy vật như thế, một quan điểm dạy học ngoại ngữ có tính triết học duy vật như thế quả là một sự tiến bộ rất đáng ghi nhận. Thêm nữa, khi chỉ hiểu được ngoại ngữ (ngôn ngữ) là hệ thống ngôn ngữ (hệ thống kiến thức ngôn ngữ) và con đường học tập (nhận thức) ngoại ngữ được chốt lại ở trí nhớ (biểu tượng và nguyên tắc liên tưởng tạo nên biểu tượng, tạo nên tâm lý), thì những gì mà lý luận dạy học ngoại ngữ đã xây dựng được cũng rất đáng trân trọng, bởi vì nó cũng tỏ ra hợp lý, đầy đủ, chặt chẽ và khá thuyết phục. Đúng là nếu dạy học ngoại ngữ với đường hướng, mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức chỉ để nắm được hệ thống kiến thức về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng của một ngôn ngữ, chỉ để nắm hệ thống ngôn ngữ, thì tại sao lý luận dạy học ngoại ngữ của tâm lý học Liên tưởng lại không là hợp lý, đầy đủ, chặt chẽ và thuyết phục? Nhất là nếu chủ yếu chỉ để nắm được vốn từ vựng ngoại ngữ! Đừng quên là nó đã đứng vững được hàng mấy trăm năm. Những khuyết điểm của nó chỉ thấy được khi đứng ở ngoài hệ thống của nó,
trên tinh thần tiến bộ của khoa học. Nhưng cũng cần nói thêm, nó sụp đổ thì trước hết là do chính các quan điểm lý luận nội tại của nó.
Có thể nói, quan điểm dạy học ngoại ngữ xây dựng trên cơ sở của tâm lý học Liên tưởng có khá nhiều khuyết điểm. Những khuyết điểm này đều có nguồn gốc tâm lý học về nhận thức và về ngôn ngữ của tâm lý học Liên tưởng.
Khuyết điểm trước hết của dạy học ngoại ngữ theo quan điểm tâm lý học Liên tưởng là hoàn toàn không đặt ra nhiệm vụ tích cực hóa hoạt động tư duy của người học. Trong dạy học ngoại ngữ liên tưởng trọng tâm chú ý sư phạm không được tác động vào tất cả các quá trình nhận thức, cảm tính và lý tính, mà chỉ được tập trung tác động căn bản vào mặt nhận thức cảm tính của người học. Nhiệm vụ chính của dạy học ngoại ngữ ở đây là làm thế nào để người học có cảm giác chính xác, đầy đủ về các yếu tố cấu thành của các đơn vị ngôn ngữ được học, làm thế nào để việc liên tưởng các cảm giác ban đầu này tạo nên hình tượng, biểu tượng của các quá trình tâm lý cao hơn như tri giác, trí nhớ được bền vững, đặc biệt là việc ghi nhớ và giữ gìn chúng trong trí nhớ người học. Tất nhiên đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của dạy học ngoại ngữ. Học mà không nhớ được gì thì khác nào chưa học. Nhưng nếu người học không tích cực tư duy thì làm sao lĩnh hội thấu đáo được tài liệu học tập. Không có tư duy thì trí nhớ chỉ còn như cái kho chứa tài liệu bừa bãi, lộn xộn, rất chóng đầy, chật trội và khi cần tìm lại sẽ rất khó khăn tìm thấy.
Trong học tập dù không được đặt ra nhiệm vụ tư duy, nhưng người học không vì thế mà không tư duy. Trong dạy học ngoại ngữ liên tưởng thông qua các phương pháp có sử dụng dịch, người học đã phải phân tích, so sánh, đối chiếu các hiện tượng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ với tiếng nước ngoài; vậy thì làm sao người học lại không có hoạt động tư duy được? Như vậy rõ ràng dạy học ở đây tư duy đã không được tính đến. Khuyết điểm này của dạy học ngoại ngữ liên tưởng là do đã dựa vào luận điểm về tư duy của tâm lý học Liên tưởng đã trình bày ở mục trước rằng tư duy là một chức năng tái tạo độc đáo của trí nhớ; khái niệm có được là nhờ vào sự chăm chút biểu tượng ... Đây là một sai lầm trầm trọng của tâm lý học Liên tưởng. Sau này J. Piaget (1997) đã chỉ ra là khái niệm có nguồn gốc hình thành khác biểu tượng; nó được hình thành thông qua hành động của con người với đối tượng.
Một khuyết điểm khác của dạy học ngoại ngữ liên tưởng là không tính đến rèn luyện kỹ năng, kể cả kỹ năng ngôn ngữ. Trong quan điểm dạy học ngoại ngữ này, như ở trên đã có nói, trọng tâm chủ yếu là
“thông báo các kiến thức về cấu trúc chung của ngôn ngữ” (V. Humboldt), tức là chỉ cung cấp kiến thức về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ cần dạy, hoàn toàn không có nhiệm vụ rèn luyện kỹ năng lời nói và cả kĩ năng ngôn ngữ. Khuyết điểm này có nguồn gốc tâm lý học và ngôn ngữ học. Đó là ở chỗ dạy học ngoại ngữ đã dựa vào quan niệm thời đó cho rằng ngôn ngữ là một hệ thống cấu trúc ngữ pháp và từ vựng; vấn đề lời nói và kỹ năng lời nói đã hoàn toàn không được nói tới trong lý luận ngôn ngữ học và tâm lý học.
Khuyết điểm khác nữa của dạy học ngoại ngữ liên tưởng là chỉ chú ý đến dạy đọc văn bản. Các loại hình ngôn ngữ khác như nói, nghe và viết không được chú ý đúng mức. Dịch được nhắc tới, thậm chí còn có vai trò rất lớn, nhưng chỉ là phương pháp để dạy từ vựng và đọc văn bản. Nói cách khác, dạy học ngoại ngữ liên tưởng chỉ quan tâm đến việc người học nắm vững mặt tri giác văn bản tiếng nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu. Quan niệm thời đó ngôn ngữ là ngôn ngữ sách vở và đó là chỗ dựa lý luận của dạy học ngoại ngữ liên tưởng.
Một khuyết điểm dễ thấy nữa của dạy học ngoại ngữ liên tưởng là
mang tính đơn điệu, máy móc.Dựa vào các quy luật hình thành và làm bền vững các mối liên tưởng trong các hiện tượng tâm lý, đặc biệt vào quy luật về tần số lặp lại, quan điểm dạy học ngoại ngữ liên tưởng đã
đặt ôn tập thành một nguyên tắc cơ bản của học tập ngoại ngữ. Việc đơn thuần, máy móc lặp lại cái vừa học được, liệu có phải là con đường khoa học thực sự để nắm vững tài liệu học tập không? Sau này tâm lý học So sánh đã chỉ ra con đường nắm vững tài liệu học tập là luyện tập, chứ không phải là ôn tập.
Cuối cùng, dạy học ngoại ngữ liên tưởng đã không kiểm soát được, chính xác hơn, không làm rõ được chất lượng khác nhau của những sản phẩm ngoại ngữ đã tạo ra được ở người học ngoại ngữ. Cụ thể, những kết quả của các quá trình tri giác ngôn ngữ (các hình ảnh, hình tượng về từ, cấu trúc ngữ pháp ...), những kết quả của các quá trình trí nhớ ngôn ngữ (các hình ảnh, biểu tượng về từ, về cấu trúc ngữ pháp ...) và những kết quả của các quá trình tư duy ngôn ngữ (các khái niệm ngôn ngữ) tựu chung đều giống nhau, đều có chung một cấu trúc, mà các thành phần cấu thành chính đều là các cảm giác ban đầu (các hình ảnh về từng thuộc tính của từ, của cấu trúc ngữ pháp) được thống nhất lại (liên tưởng lai). Điều này có nguồn gốc sâu xa trong tâm điểm nhận thức luận của tâm lý học Liên tưởng.
Như đã nêu ở các mục trước, tâm lý học Liên tưởng giải thích việc tạo thành các quá trình tâm lý cao hơn đều bằng nguyên tắc liên tưởng
các cảm giác ban đầu. Nói cách khác, tâm lý học Liên tưởng đã đồng nhất chất lượng của các quá trình nhận thức khác nhau (tri giác, trí nhớ, tư duy ...), đã không tách ra được sự khác nhau về chất của các sản phẩm mà người học ngoại ngữ đã tiếp thu được (các hình ảnh, hình tượng, biểu tượng, khái niệm ngôn ngữ). Đây là một hạn chế rất lớn của tâm lý học Liên tưởng. Sau này tâm lý học Gestal (tâm lý học Cấu trúc) đã chứng minh ngược lại, rằng nhận thức ngay từ đầu đã phản ánh tức thời trọn vẹn sự vật, hiện tượng và mỗi quá trình tâm lý đều có một chất lượng riêng độc đáo (P.Ia. Galperin, 1968).
Để thấy được rõ hơn các tồn tại của tâm lý học Liên tưởng, ở đây xin nêu rõ hơn một số nét về tâm lý học Gestal, được coi là ngành tâm lý học đối trọng của tâm lý học Liên tưởng.
Tâm lý học Gestal là trường phái tâm lý học Đức, một khuynh hướng tâm lý học cơ bản của thời kỳ khủng hoảng những quan niệm máy móc và của tâm lý học Liên tưởng, ra đời và tồn tại ở những thập niên thứ 10-30 của thế kỷ XX. Nó phê phán mạnh mẽ những luận điểm của tâm lý học Liên tưởng và cả một số luận điểm dạy học, trong đó có dạy học ngoại ngữ, của tâm lý học Động vật của E.L. Thorndike. Những đại biểu chính của tâm lý học Gestal là T. Fon Erenfels, F. Brentano, M. Vertkheimer, E. Gusserl, V. Koler, K. Koffka, K. Levin ... Chính T. Fon Erenfels đưa ra khái niệm “gestal”. Chỗ dựa, cơ sở khoa học của tâm lý học Gestal là học thuyết về tính ý định của ý thức của F. Brentano và E. Gusserl.
Tâm lý học Gestal còn gọi là tâm lý học Cấu trúc. Trong tiếng Đức từ gestal có nghĩa là hình thái, hình ảnh, cấu trúc trọn vẹn. Tâm lý học Gestal đối trọng với tâm lý học Liên tưởng. Nếu tâm lý học Liên tưởng lấy điểm xuất phát, bắt đầu của quá trình nhận thức là phản ánh từng yếu tố, từng phần tử riêng rẽ và cái phần tử là chất liệu chung của các quá trình tâm lý phức tạp, thì tâm lý học Gestal lại coi là sự phản ánh trọn vẹn tất cả các yếu tố, các phần tử không chia cắt, đồng thời, ngay lập tức và mỗi quá trình tâm lý đều có chất liệu riêng. Tâm lý học Gestal khẳng định tính trọn vẹn và tính độc đáo về chất lượng của mỗi quá trình tâm lý (P.Ia. Galperin, 1968, t.1, tr.534) và đưa ra nguyên tắc phản ánh trọn vẹn tức thì của các hiện tượng tâm lý. Đây là cơ sở để xem xét các hiện tượng tâm lý, từ đơn giản đến phức tạp.
Định đề cơ sở của Tâm lý học Gestal nói rằng sự xuất hiện của cấu trúc là một sự tổ chức, hơn thế, là một sự tổ chức chớp nhoáng, chợt đến hay chính xác hơn, là một sự tự tổ chức tài liệu. Sự tự tổ chức này được thực hiện trong quá trình tri giác hay trong quá trình nhớ lại phù hợp với những quy luật liên tưởng về giống nhau, gần
nhau, “khép kín” của chính đối tượng tri giác, nhớ lại, không phụ thuộc vào chủ thể. Từ đây cho thấy nhiệm vụ đầu tiên, trước hết của dạy học, kể cả dạy học ngoại ngữ, là dạy hiểu, dạy nắm lấy cái trọn vẹn, cái hình dáng chung, cái mối tương quan chung của tất cả các bộ phận của cái toàn thể, của các mối quan hệ qua lại của chúng. Hiểu là việc xuất hiện quyết định một cách bất thình lình hay là sự linh cảm và gọi là “insai” (bừng hiểu, chợt hiểu).
K. Koffka là nhà tâm lý học Gestal đã có những phê phán xác đáng đối với dạy học trí nhớ của tâm lý học Liên tưởng, đối với kiểu dạy học “thử và sai” của E.L. Thorndike và đặt vấn đề dạy hiểu, bắt chước vào vị trí trung tâm của quá trình dạy học, trong đó có dạy học ngoại ngữ. Dựa vào những nội dung được trình bày ở trên về tâm lý học Gestal, K. Koffka đã phê phán mạnh mẽ kiểu dạy học theo phương pháp “thử và sai” của E.L. Thorndike. Theo K. Koffka, việc lặp lại không hiểu nhiều lần chỉ có thể dẫn đến có hại; ngay từ đầu cần phải hiểu con đường hành động, sơ đồ hành động, hay là cấu trúc trọn vẹn, gestal và sau đó mới lặp lại hành động này. Ông nói: “Quan niệm cho rằng động vật được dạy hoàn toàn không cần hiểu là quan niệm phải bác bỏ” (K. Koffka, 1934, tr.206). Hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ một con đường học tập như thế trong quá trình dạy con người có định hướng mục đích xác định.
Khi phân tích quá trình dạy học, K. Koffka đã dành cho bắt chước một vai trò rất lớn. Theo ông có hai loại khả năng sử dụng bắt chước: 1) Lúc đầu bắt chước một cách mù quáng, không hiểu, sau đó mới hiểu và 2) Hiểu mẫu trước khi thực hiện hành động bắt chước. K. Koffka kết luận dạy học bằng con đường bắt chước cần thực hiện theo khả năng thứ hai. Ông cho rằng “so với dạy học bừng hiểu, dạy học bằng con đường bắt chước tỏ ra dễ dàng hơn, ấy là còn chưa nói đến những kỹ năng như nói và viết được nắm vững chỉ cần bằng con đường bắt chước” (K. Koffka, 1934, tr.205). Theo hướng bắt chước này, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề mẫu để bắt chước. Ông nhấn mạnh tình huống dạy học sẽ được cải thiện khi có mẫu chỉ rõ hướng giải quyết. Ông cũng chỉ ra học tập không chỉ dẫn đến sự làm việc của trí nhớ, mà nó cần được giải thích rõ cái mới được hình thành như thế nào trong quá trình này. Rõ ràng ông đã rất đúng khi phân tích mối quan hệ giữa hiểu hành động và sự thực hiện hành động.
Về mặt dạy học tiếng, K. Koffka có nói đến dạy tiếng, đặc biệt đến việc nắm vững lời nói tiếng mẹ đẻ. Ở đây ông nhấn mạnh vai trò của bắt chước, nhưng không thấy được sự sáng tạo lời nói, việc tự
mình làm rõ các quy luật ngôn ngữ là một thuộc tính vốn có ở trẻ. Việc nắm vững tiếng nước ngoài được thừa nhận giống như việc nắm vững tiếng mẹ đẻ, cũng bằng con đường bắt chước, bắt chước mù quáng ông thày.
Tâm lý học Gestal chủ yếu dừng lại ở nghiên cứu tri giác và tư duy, có những hạn chế nhất định, song có thể nói, những kết quả nghiên cứu của tâm lý học Gestal, đặc biệt của K. Koffka và cùng với tâm lý học Động vật của E.L. Thordike (trình bày ở chương sau), là một đòn giáng mạnh vào tâm lý học Liên tưởng, như một làn gió đúng lúc thổi bùng lên ngọn lửa nghi ngờ thực sự vào những luận điểm khoa học của tâm lý học này, góp phần tích cực vào làm sụp đổ hoàn toàn nó, cũng như làm thay đổi quan điểm dạy học ngoại ngữ dựa trên nó.
Nhìn chung lại, quan điểm tâm lý học dạy học ngoại ngữ Liên tưởng với thời gian qua đi đã bộc lộ ra khá nhiều khuyết điểm, lại đều là những khuyết điểm rất lớn. Nguồn gốc của những khuyết điểm đó đều nằm ngay trong các tồn tại của các luận điểm về nhận thức và của quan niệm về ngôn ngữ của tâm lý học Liên tưởng.
Chính những tồn tại trong các luận điểm về nhận thức và trong quan niệm về ngôn ngữ được xem xét ở trên đã đẩy tâm lý học Liên tưởng rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng ở cuối thế kỷ XIX và báo trước một sự kết thúc không thể ngăn được của quan điểm dạy học ngoại ngữ được xây dựng trên nó, đã kéo dài hàng mấy trăm năm,