5. Theo tâm lý học Liên tưởng, tác động bên ngoài tạo ra hành động đáp trả của hệ thần kinh và làm xuất hiện trong hệ thần kinh những
3.1.1. Cơ sở triết học của tâm lý học Hành
Về triết học, tâm lý học Hành vi chịu ảnh hưởng sâu sắc của khuynh hướng thực chứng chủ nghĩa, đặc biệt của chủ nghĩa thực chứng mới thế kỷ XX và khuynh hướng thực dụng chủ nghĩa Mỹ.
Người sáng lập chủ nghĩa thực chứng là nhà triết học, xã hội học, vật lý học Auguste Comte (1798-1857), người Pháp. Chính ông đã đưa ra thuật ngữ “chủ nghĩa thực chứng”. Những người cộng tác và cùng khuynh hướng có: E. Littere, P. Laffit (Pháp), Minler, Spenser (Anh).
Thực chứng chủ nghĩa là một khuynh hướng triết học phương tây thừa nhận những khoa học cụ thể (kinh nghiệm) là nguồn duy nhất của kiến thức chân chính, thực sự và phủ nhận giá trị nhận thức của sự nghiên cứu triết học; đồng thời chủ trương mọi lập luận phải được xây dựng trên cơ sở những chứng cứ khách quan, quan sát được, chứ không phải là sự tư biện. Nó có tham vọng xây dựng quan điểm tiếp cận mới “không siêu hình”, mà “thực chứng” giống như những khoa học kinh nghiệm và là phương pháp luận của các khoa học này. Một trong những nguyên lý chủ yếu của phương pháp luận đó là hiện tượng luận: những lý luận khoa học và các quy luật đều được lý giải chỉ như những khái quát các sự kiện kinh nghiệm, từ đây tuyên bố nhiệm vụ của khoa học là mô tả thuần túy các sự kiện, chứ không phải giải thích chúng (M. M. Rozental, 1986). Chính nhiệm vụ này đã được J. Watson đưa vào nội dung của luận điểm đầu tiên của tâm lý học Hành vi.
Chủ nghĩa thực chứng mới là giai đoạn thứ ba trong lịch sử phát triển ba giai đoạn của triết học thực chứng. Những đại biểu của chủ
nghĩa thực chứng mới có: O. Nayrat, R. Cacnap, M. Slich, Ph. Phrancer (Áo), H. Raikhenbac, F. Craudơ (Đức) và nhiều người khác. Trọng tâm chủ yếu của chủ nghĩa thực chứng giai đoạn này là những vấn đề triết học của ngôn ngữ, của môn lôgich ký hiệu, cơ cấu nghiên cứu khoa học, v.v… Một tư tưởng của chủ nghĩa thực chứng mới có ảnh hưởng đến tâm lý học Hành vi là bác bỏ thuyết tâm lý (M.M. Rozental, 1986), thuyết coi tâm lý là những hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan ở trong đầu con người.
Thực dụng chủ nghĩa là một trào lưu duy tâm chủ quan phổ biến rộng rãi trong triết học phương tây thời đó. Người sáng lập chủ nghĩa thực dụng là nhà triết học, logich học Mỹ S.X. Peaces (1839-1914). Những người cùng trường phái có nhà triết học, tâm lý học duy tâm Mỹ W. James (1842-1910), nhà triết học duy tâm Mỹ J. Deway (1859- 1952), nhà triết học thực dụng Anh F.C. Sinler (1864-1937) …
Trọng tâm của triết học thực dụng là “nguyên lý thực dụng”, theo đó giá trị của chân lý được xác định ở tính có ích thực tiễn của nó (Piecer). Nhưng ở đây tính có ích thực tiễn lại không phải là sự khẳng định một chân lý khách quan bằng tiêu chuẩn thực tiễn, mà là cái thỏa mãn những lợi ích chủ quan của cá nhân (M.M. Rozental, 1986). Nguyên lý thực dụng này thể hiện rất rõ trong những nghiên cứu của W. James, J. Deway (Mỹ) và chủ nghĩa thực dụng đã thống trị một thời gian dài trong đời sống tinh thần của người dân Mỹ. Tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý học Hành vi, đặc biệt đến tư tưởng của tâm lý học Hành vi.
Cũng cần nói thêm rằng triết học thực chứng chủ nghĩa và thực dụng chủ nghĩa cuối cùng đều không thực hiện được những mục đích đã đặt ra.