6. Tìm thấy luyện tập trong các tình huống tương tự là con đường hình thành và phát triển hành vi, phát hiện ra khâu củng cố (củng cố
4.2.2. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học Hoạt động
Trong bài báo - cương lĩnh nói trên L.X. Vygotsky đã phê phán quan điểm Hành vi về đối tượng nghiên cứu của tâm lý học như sau: - Bỏ qua vấn đề ý thức, tâm lý học tự mình chặn đứng con đường đi đến nghiên cứu nhiều vấn đề phức tạp của hành vi con người. Nó buộc phải hạn chế bằng việc giải thích các mối liên hệ đơn giản nhất của cơ thể thống nhất với thế giới bên ngoài.
- Phủ nhận ý thức và ý đồ xây dựng “tâm lý học không ý thức” dẫn đến việc phương pháp nghiên cứu tâm lý học bị tước mất các phương tiện cần thiết nhất để nghiên cứu các phản ứng, mà không thể phát hiện được bằng mắt thường, như cử động bên trong, ngôn ngữ bên trong, phản ứng của cơ thể v.v…
- Xóa nhòa mọi gianh giới mang tính nguyên tắc giữa hành vi động vật và hành vi con người, làm lẫn lộn sinh vật học với xã hội học, sinh lý học với tâm lý học. Hành vi con người được nghiên cứu ở mức độ hành vi của động vật có vú; ý thức và tâm lý, cái mới mang tính nguyên tắc cần đưa vào hành vi người đã bị bỏ qua.
- Điều cơ bản nhất là việc loại bỏ ý thức ra khỏi lĩnh vực khoa học tâm lý, ở mức độ đáng kể, đã bảo vệ chủ nghĩa nhị nguyên và chủ nghĩa duy tâm của tâm lý học chủ quan trước đây.
- Đuổi ý thức ra khỏi tâm lý học, chúng ta sẽ mãi mãi bị giới hạn trong vòng luẩn quẩn của sinh học.
- Cách đặt vấn đề như vậy (loại bỏ ý thức) sẽ mãi mãi đóng kín con đường nghiên cứu các vấn đề cơ bản nhất, đó là nghiên cứu cấu trúc hành vi con người, phân tích thành phần và sự hình thành của chúng.
Theo L.X. Vygotsky, tâm lý học không được loại bỏ ý thức, ý thức là một vấn đề của cấu trúc hành vi. Như vậy, ông đã chỉ ra đối tượng của nền tâm lý học mới là phải nghiên cứu đồng thời cả ý thức lẫn hành vi và nghiên cứu ý thức thì phải nghiên cứu cấu trúc của hành vi. Đó là một phát hiện đúng đắn về đối tượng nghiên cứu của tâm lý học và nhờ đó sau này L.X. Vygotsky và các nhà tâm lý học Hoạt động giải quyết được một cách căn bản, tin cậy nhiều vấn đề của tâm lý học.
Sau L.X. Vygotsky, X.L. Rubinstein chủ yếu xem xét mối quan hệ chuyển hóa giữa hoạt động với sản phẩm của nó, do đó ông nêu đối tượng của tâm lý học Hoạt động là chỉ nghiên cứu tâm lý trong hoạt động, còn A.N. Leonchiev lại tập trung làm sáng tỏ bình diện tâm lý học của chính bản thân hoạt động, nên ông coi đối tượng của tâm lý học là hoạt động. Những điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn. Đó là những nhánh khác nhau của tâm lý học Hoạt động, đều cùng lấy một triết học Marx làm cơ sở phương pháp luận.