Các loại hoạt động và cấu trúc của nó

Một phần của tài liệu CÁC QUAN ĐIỂM TÂM LÝ HỌC DẠY HỌC NGOẠI NGỮ (Trang 94)

6. Tìm thấy luyện tập trong các tình huống tương tự là con đường hình thành và phát triển hành vi, phát hiện ra khâu củng cố (củng cố

4.2.6. Các loại hoạt động và cấu trúc của nó

Ở trên đã nói, đối tượng của hoạt động tồn tại dưới ba hình thái: hình thái vật chất (vật thể vật chất), hình thái vật chất hóa (kí hiệu, ngôn ngữ) và hình thái tinh thần (ý nghĩ, ý niệm) ở bên trong. Hình thái vật chất chỉ có ở bên ngoài con người, hình thái tinh thần chỉ có ở bên trong con người, còn hình thái vật chất hóa lại vừa có ở bên ngoài con ngưòi (ngôn ngữ thành tiếng và ngôn ngữ thầm), vừa có ở bên trong con người (ngôn ngữ thuần túy bên trong). Như vậy, một cách bao quát, đối tượng chỉ tồn tại hoặc dưới hình thái vật chất bên ngoài, hoặc dưới hình thái tinh thần bên trong.

Căn cứ vào hình thái tồn tại của đối tượng hoạt động, có hai loại hoạt động chính: hoạt động bên ngoài và hoạt động bên trong.

Quan hệ của hai hoạt động bên ngoài và hoạt động bên trong đã được nói rõ trong triết học. Như đã nêu ở trên, K. Marx viết: “Ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất được chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến lại ở trong đó”. Điều này có nghiã K. Marx đã nhìn thấy đối tượng của hoạt động thực tiễn, vật chất, cảm tính, bên ngoài và của hoạt động tinh thần, tâm lý, bên trong đều có cùng một bản chất, nội dung, cấu trúc; chúng chỉ khác nhau về hình thái biểu hiện bên trong hay bên ngoài và hình thái bên ngoài là có trước hình thái bên trong.

L.X. Vygotsky khi nghiên cứu sự hình thành ngôn ngữ của trẻ em đã chỉ ra sự giống nhau (trong nội dung, cấu trúc) và sự chuyển hóa của ngôn ngữ xã hội bên ngoài vào ngôn ngữ tự kỷ (trung gian), rồi vào ngôn ngữ cá nhân bên trong. Một số nghiên cứu của các tác giả khác cũng có những kết quả tương tự. Và các nhà tâm lý học Hoạt động đã khẳng định được rằng hoạt động bên trong có nguồn gốc từ bên ngoài; quá trình hình thành hoạt động bên trong là quá trình chuyển đối tượng từ hình thái vật chất bên ngoài khai triển vào hình thái tinh thần bên trong rút gọn (P.Ia. Galperin) và hoạt động bên trong rút gọn khi đã được hình thành lại có thể khai triển thành hoạt động bên ngoài; đồng thời hai hình thái hoạt động này đều vẫn chỉ có cùng một nội dung, một cấu trúc và một sơ đồ logich của hoạt động (A.N. Leonchiev, 1975). Theo A.N. Leonchiev, phát hiện này là một phát hiện quan trọng của tâm lý học hiện đại (A.N. Leonchiev, 1989). Đây là điều có ý nghĩa rất lớn đối với dạy học nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng.

Trong bài báo - Cương lĩnh công bố năm 1925 L.X. Vygotsky đã đặt vấn đề nghiên cứu ý thức phải nghiên cứu cấu trúc của hành vi. Theo quan điểm tiếp cận hoạt động và sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích theo đơn vị, A.N. Leonchiev đã nghiên cứu cấu trúc của hoạt động trong suốt thời gian nhiều chục năm trời và được rõ dần trong các công bố của ông, bắt đầu vào năm 1947 (Khái niệm về sự phát triển tâm lý), tiếp đó, năm 1959 (Những vấn đề phát triển tâm lý) và cuối cùng, năm 1975 (Hoạt động - Ý thức - Nhân cách). Ông đã xác định và mô hình hóa được cấu trúc vĩ mô của hoạt động, cấu trúc chung của hoạt động bất kỳ, trên tinh thần coi hoạt động là một đơn vị phân tử (chứ không phải phần tử cấu thành) và cấu trúc của nó là cấu trúc chức năng và chuyển hóa chức năng của các đơn vị tế bào của hoạt động (chứ không phải là sự kết hợp của các bộ phận tạo thành một khối chỉnh thể). Tinh thần phân tích theo đơn vị và theo chức năng, chuyển hóa chức năng là chìa khóa để phát hiện mặt phản ánh tâm lý của hoạt động và của các đơn vị của nó. Dưới đây là những điểm chính yếu của ông về cấu trúc của hoạt động.

Trong dòng các hoạt động tạo nên đời sống tâm lý con người, dựa theo động cơ kích thích của chúng, có thể tách ra được hoạt động cụ thể; tiếp đến, dựa theo mục đích hướng dẫn một quá trình hoạt động, có thể tách ra được hành động cụ thể và tiếp nữa, dựa vào phương thức, phương tiện thực hiện hành động, có thể tách ra được thao tác xác định.

Trong một hoạt động bất kỳ, sau khi loại bỏ tất cả sự khác nhau về hình thức biểu hiện và tính chất riêng, sẽ chỉ còn lại quan hệ chủ thể - đối tượng, thông qua công cụ hoạt động.

Trong quan hệ với chủ thể, đối tượng có hai đặc tính: đặc tính vật và đặc tính chức năng. Với tư cách đặc tính vật chứa đựng nội dung tâm lý (gồm những thuộc tính vật lý của thực thể và một logich thao tác tạo ra nó) mà chủ thể cần có khi kết thúc hoạt động, đối tượng là cái khách quan, cái hấp dẫn, chi phối các động tác của chủ thể về phía mình. Với tư cách chức năng, trong từng tình huống cụ thể, đối tượng có chức năng riêng tùy thuộc quan hệ cụ thể trong hoạt động như sau: - Với tư cách là đối tượng trong quan hệ với hoạt động, nó là động cơ của hoạt động, có chức năng kích thích chủ thể; lúc này các động tác cá nhân của chủ thể thuộc về hoạt động.

- Với tư cách là đối tượng trong quan hệ với hành động, nó là mục đích của hành động, có chức năng hướng dẫn chủ thể; lúc này các động tác cá nhân của chủ thể thuộc về hành động.

- Với tư cách là đối tượng trong quan hệ với thao tác, nó là phương thức thực hiện thao tác, có chức năng cơ cấu thao tác, cơ cấu kỹ thuật để chủ thể triển khai đến mục đích hành động; lúc này các động tác cá nhân của chủ thể thuộc về thao tác. Do phương thức thực hiện thao tác nằm trong một nội dung cụ thể của đối tượng hay trong công cụ, phương tiện xác định, nên người ta thường nói tắt trong mối quan hệ đối tượng với thao tác, đối tượng là phương tiện thực hiện thao tác.

Như vậy, cấu trúc của hoạt động là cấu trúc chức năng, bao gồm sáu đơn vị: hoạt động, động cơ, hành động, mục đích, thao tác và phương thức (phương tiện); các đơn vị này có quan hệ với nhau theo từng cặp: hoạt động - động cơ, hành động - mục đích, thao tác - phương thức (phương tiện); chúng được chia thành hai tuyến: tuyến thuộc chủ thể hoạt động bao gồm hoạt động - hành động - thao tác và tuyến thuộc đối tượng bao gồm động cơ - mục đích - phương thức (phương tiện).

Việc chuyển hóa chức năng trong cấu trúc của hoạt động được triển khai theo hai hướng: hướng cụ thể hóa đi từ hoạt động qua hành động tới thao tác, tương ứng động cơ chuyển thành mục đích, rồi thành phương thức (phương tiện) và hướng khái quát hóa diễn ra theo chiều ngược lại, từ thao tác thành hành động, rồi thành hoạt động, tương ứng phương thức (phương tiện) trở thành mục đích, rồi thành động cơ.

Tất cả các đơn vị và các quan hệ giữa chúng được nêu ở trên của cấu trúc hoạt động có thể mô hình hóa (xem sơ đồ 4.1).

Dưới đây sẽ làm rõ thêm những khái niệm liên quan đến các đơn vị trong cấu trúc của hoạt động như động cơ, hành động, mục đích, thao tác, phương thức, phương tiện và đặc biệt, những mối quan hệ tương tác giữa chúng trong cấu trúc xem xét.

Sơ đồ 4.1. Mô hình cấu trúc bên trong của hoạt động

Mặt chủ quan

của chủ thể (S) (O) của hoạt độngMặt đối tượng

Cụ Hoạt động Động cơ Khái

Thể Hành động Mục đích quát

hóa Thao tác Phương thức hóa Hoạt động bao giờ cũng gắn với động cơ; được đặc trưng bởi động cơ và do động cơ chi phối, còn động cơ là cái kích thích chủ thể tiến hành hoạt động để chiếm lĩnh nó. Động cơ có chức năng kích thích hoạt động của chủ thể và quy định chiều hướng, tính chất của hoạt động. Trong hoạt động chính đối tượng giữ chức năng này, đối tượng là cái kích thích chủ thể hoạt động để chiếm lĩnh nó. Cho nên động cơ đích thực của hoạt động là đối tượng của nó.

Sở dĩ đối tượng có khả năng như vậy, vì đằng sau nó là nhu cầu. Đối tượng bao giờ cũng đáp ứng một nhu cầu xác định. Hoạt động là để đáp ứng nhu cầu của chủ thể.

Trong hoạt động nhu cầu thể hiện ở hai cấp độ. Cấp độ đầu, cấp độ là trạng thái bên trong, là điều kiện bắt buộc của hoạt động. Ở đây, nhu cầu thể hiện trạng thái thiếu thốn của cơ thể, nhưng chưa tìm được đối tượng để thỏa mãn, nên chỉ huy động sức mạnh các chức năng tâm lý và tạo ra sự kích thích chung. Kết quả chỉ là các hành vi tìm tòi vô hướng. Cấp độ sau, cấp độ nhu cầu tìm thấy đối tượng hay nhu cầu có đối tượng. Ở đây nhu cầu có khả năng kích thích, hướng dẫn và điều chỉnh hoạt động hướng đến đối tượng thoả mãn nhu cầu. Lúc này nhu cầu gằn liền với đối tượng và phát triển theo sự phát triển của đối tượng.

Khi hoạt động phát triển, đối tượng được phân ly thành những nội dung xác định, động cơ bị chia tách ra, xuất hiện mục đích cần chiếm lĩnh cụ thể. Hoạt động được cụ thể thành hành động. Hành động gắn liền với mục đích, được đặc trưng bởi mục đích và do mục đích chi phối, còn mục đích là nội dung đối tượng mà chủ thể cần chiếm lĩnh để thoả mãn nhu cầu hoạt động. Nội dung đối tượng cần chiếm lĩnh và

cũng là kết quả phải đạt tới, được chủ thể phản ánh dưới dạng biểu tượng, cho nên mục đích là biểu tượng về kết quả khi kết thúc hành động. Mục đích có chức năng hướng dẫn chủ thể tới đối tượng thoả mãn nhu cầu.

Mục đích có khả năng tồn tại độc lập, làm cho hành động có tính độc lập và tính xác định cao. Nhờ đó hành động có thể tham gia, kết hợp với các hành động khác để cùng thực hiện một hoạt động nào đó.

Khi mục đích làm rõ được cái gì phải chiếm lĩnh và chiếm lĩnh bằng cách nào thì hành động được phân tách thành thao tác cụ thể; thao tác tương ứng với phương thức, phương tiện mà mục đích đã tìm thấy. Thao tác là cốt lõi kỹ thuật của hành động, là sự vận hành của hành động đến mục đích, làm thành phương pháp của hành động; nó gắn với phương thức trong phương tiện, được quy định bởi phương thức; còn phương thức là cách thức thực hiện thao tác. Phương thức tồn tại trong phương tiện, công cụ; nó là hình thức kết tinh của thao tác trong phương tiện, công cụ.

Thao tác không có mục đích riêng, mà phục vụ mục đích của hành động. Thao tác là phương tiện cho cái khác, nó có thể tham gia vào những hành động khác nhau.

Thao tác có nguồn gốc từ hành động; nó là hành động đã được tự động hóa, đã được loại bỏ những thao tác trung gian, đã được rút gọn đến mức tối đa nhờ luyện tập. Thao tác rất cứng. Một khi đã thành thao tác thì rất khó thay đổi.

Trên đây là phân tích của A.N. Leonchiev về việc chuyển hóa chức năng của các đơn vị trong cấu trúc hoạt động theo hướng cụ thể hóa, tức hướng đi từ hoạt động qua hành động tới thao tác và tương ứng, động cơ chuyển thành mục đích, rồi thành phương thức (phương tiện). Nhưng việc chuyển hóa chức năng của các đơn vị này còn được diễn ra theo chiều ngược lại, hướng khái quát hóa, từ thao tác thành hành động, rồi thành hoạt động và tương ứng, phương thức, phương tiện thành mục đích, rồi thành động cơ. Trong quá trình chuyển hóa theo hướng cụ thể hóa, khi có vướng mắc, thì lập tức diễn ra quá trình chuyển hóa theo hướng khái quát hóa và đặc biệt, hướng khái quát hóa còn là con đường bắt buộc khi cần sửa thao tác bị sai xót hay khi bị quên mà cần làm lại cho đúng.

Những điều nêu trên về cấu trúc hoạt động của A.N. Leonchiev rất quan trọng đối với dạy học, trong đó có dạy học ngoại ngữ.

Một phần của tài liệu CÁC QUAN ĐIỂM TÂM LÝ HỌC DẠY HỌC NGOẠI NGỮ (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w