Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn tự sự triết lý, suy ngẫm, phẩm bình

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 91)

Chương 3: So Sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu giàu sắc thá

3.1.2.1. Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn tự sự triết lý, suy ngẫm, phẩm bình

ngẫm, phẩm bình

Dễ thấy nhất ở giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao là giọng triết lý ở những đoạn trữ tình ngoại đề. Giọng triết lý luôn được tác giả thể hiện sau khi miêu tả những hoàn cảnh sống, số phận của nhân vật. Đó là triết lý về sự tác động của hoàn cảnh lên sự thay đổi nhân cách của con người. Trong sự chiêm nghiệm của nhà văn, mỗi con người đều mang hai mặt tốt – xấu song song và đối lập. Triết lý của cái tôi tác giả toát lên từ chính cuộc sống, từ sự chiêm nghiệm, đúc kết của bản thân về thế thái nhân tình. Giọng triết lý của tác giả luôn vang lên gắn với những trăn trở, suy tư về con người cụ thể, về cuộc sống. Đó là cảnh nghèo, là cái đói, miếng ăn…và đi kèm với nó không chỉ là những buồn khổ về vật chất mà hơn hết là sự nhức nhối về tinh thần. Cái thiện, cái ác, nhân phẩm, sự sống chết cũng từ cái khổ về vật chất mà ra. Nam Cao đã nhận thức rất sâu sắc điều đó, nên có lúc ông chua chát cất lên: “Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao” (Một bữa no).

Không chỉ ở giọng văn của cái tôi tác giả mới có giọng khái quát triết lý mà ở giọng văn của người kể chuyện trong truyện ngắn Nam Cao cũng xuất hiện với mật độ khá dày những lời văn thể hiện giọng điệu khái quát, triết lý, phẩm bình. Ở truyện ngắn Một truyện Xúvơnia, sau khi để nhân vật Hàn chứng kiến cảnh thô tục của những người con gái quê ngồi ăn bánh đúc thì mọi suy nghĩ dẫn Tơ đi trốn tiêu tan trong đầu của một chàng trai đẫm chất tiểu thuyết như Hàn. Hàn vỡ ra một sự thực: “Trước khi nghĩ đến việc đặt

những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã”.

Nam Cao không viết về những điều quá to tát, lớn lao của thời đại mà ông hướng ngòi bút vào những ngõ ngách của đời thường như cái đói, cái no, miếng ăn, cái mặc,…nhưng từ cái nhỏ nhặt đó lại nảy sinh ra những bi kịch lớn trong cuộc sống của con người ở mỗi gia đình. Đó là sự tàn nhẫn, sự yêu thương, lý tưởng sống,…Bao giờ sau mỗi bi kịch, người kể chuyện cũng rút ra những điều suy ngẫm đầy tính nhân văn.

Trong truyện ngắn Lão Hạc, ông giáo - chủ thể trần thuật của truyện đã bộc lộ một niềm tin vào bản tính tốt đẹp của con người qua sự chiêm nghiệm từ những người sống quanh mình. Người kể chuyện tin vào bản tính lương thiện của con người, dù cho bề ngoài họ tỏ ra ích kỷ, xấu xa. Nhưng chính hoàn cảnh khốn khổ đã khiến đức tính tốt đẹp của họ bị che phủ đi: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt đẹp của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”. Cũng như vậy, ở một truyện ngắn khác, Nam Cao đã kết luận: “Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước” (Nước mắt).

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 91)