Giọng bông lơn, suồng sã pha chút hóm hỉnh

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 88)

Chương 3: So Sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu giàu sắc thá

3.1.1.3. Giọng bông lơn, suồng sã pha chút hóm hỉnh

Cái duyên rất riêng trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có lẽ là giọng bông lơn, suồng sã pha chút hóm hỉnh, tinh nghịch thường dành cho sự phê phán một cách nhẹ nhàng.

Trong truyện Cô Kếu, gái tân thời, Nguyễn Công Hoan đã giễu nhại những cô gái học đòi theo thói ăn mặc tân thời. Cô Kếu thèm mặc quần áo tân thời tới mức dường như bị nghiện nhưng mẹ cô cấm không cho mặc. Vì thế, cô phải thỏa mãn bằng cách sắm nhiều quần áo tân thời đẹp và để ở nhà bạn để rồi mỗi buổi chiều cô lại đến đó: “mặc quần trắng, xếp cho thẳng nếp, đứng ống. Rồi cô vận cái sơ mi, cái áo cánh và áo dài sặc sỡ, vuốt cho phẳng phiu. Xong đâu đấy, cô lận đôi giầy mang cá, ôm cái ví đầm, đến trước tủ gương mà đứng. Cô quay đằng trước. Cô quay đằng sau. Cô đi đi. Cô lại lại. Cô uốn éo. Cô thướt tha. Rồi cô đứng yên. Cô ngắm. Cô bàn. Cô bình phẩm... Cô khoái lắm. Rồi trong độ nửa giờ, ngắm chán, cô trút hết bộ cánh ra, xin thau nước, lau kỹ cái mặt, rồi mặc quần áo thâm đi về.”

Nguyễn Công Hoan dùng giọng cười hóm hỉnh để viết về một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội bấy giờ. Đó là những tiểu thư con nhà giàu mê đọc tiểu thuyết lãng mạn của Tự lực văn đoàn đến mức bị ám ảnh vào cuộc sống hiện thực. Họ lúc nào cũng sống như trong mơ mộng, đem cuộc đời của nhân vật vào đời thường. Đó là cô Tuyết, một cô tiểu thư xinh đẹp, con nhà giàu có chỉ có việc ngày ngày trang điểm và đọc tiểu thuyết lãng mạn. Bình thường lúc nào cô cũng vui tươi thế nhưng một hôm cô không chịu ăn, không chịu làm gì, chỉ nằm trên giường cau có khiến bọn người làm trong nhà sợ hãi, thậm chí đến mẹ cô hỏi cô cũng không muốn đáp lời. Bà mẹ thương con, sợ con gặp phải chuyện gì buồn nên gặng hỏi mãi nhưng cô vẫn không nói. Chỉ đến khi cô Mai, cô bạn gái – người có thể giãi bày nỗi lòng

đến - sự việc mới được làm sáng tỏ. Thì ra, cô Tuyết buồn bã, bỏ ăn là vì nhân vật trong tiểu thuyết chết: “Vân chết rồi chị ạ! Thương hại quá, chị nhỉ! Chẳng biết rồi sau Lục có lấy Bách không? Gớm! Mình xem đến chỗ tả Vân chết, mà mình buổn – buồn – buồn là” (Nỗi lòng ai tỏ)

Trong truyện Tinh thần thể dục, Nguyễn Công Hoan đã xây dựng một tình huống hài hước nhưng đầy mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa bản chất với hiện tượng, giữa nội dung và hình thức của phong trào thể thao. Mệnh lệnh của quan yêu cầu gắt gao buộc người dân làng Ngũ Vọng phải xem đá bóng trong khi đó, người dân sợ hãi, lẩn trốn như trạch. Tiếng cười bật lên bởi sự mâu thuẫn giữa việc xem đá bóng vốn là trò giải trí trong khi người dân lại trốn chạy, van xin lí trưởng để không phải đi xem. Ý nghĩa trào phúng của truyện là vạch trần bản chất giả dối, bịp bợm của phong trào thể dục thể thao thời Pháp thuộc. Truyện kết thúc với hình ảnh ông Lý vất vả quản thúc đám người làng đi xem: “Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc”

Có thể nói, Nguyễn Công Hoan có biệt tài pha trò để độc giả phải cười. Cách miêu tả, cách kể của nhà văn rất tự nhiên như người ta kể một câu chuyện tiếu lâm, tất cả mọi người cười nhưng người kể thì mặt tỉnh queo. Đó là vì Nguyễn Công Hoan rất khéo trong cách dùng chữ, đôi khi chỉ mấy dòng mà nhà văn đã phác họa ra được một dáng điệu buồn cười, một khuôn mặt kì khôi. Đây là chân dung của những người ở, những vú em mà tác giả nói là “được dịp vắng chủ, ra đấy để xã giao với nhau”: “Các ông, ông nào ông nấy chải tóc thật mượt, hoặc gài cái lược bằng đay thép uốn, bá vai nhau, vắt chân tréo khoeo, đứng ở trước cái bảng quảng cáo giấy vàng dán trên mặt liếp, để tập đánh vần quốc ngữ. Các bà thì áo cánh cộc lụa mặc ra ngoài áo cánh cộc vải, kệ cho lũ trẻ đứa chạy tung tăng, đứa bò lổm ngổm, ngồi ở gần hàng nước, phàn nàn bà chủ nghiệt hoặc nói chuyện chồng bạc tình” (Đào

kép mới). Còn đây là chân dung của mấy đào kép hát: “Bốn tài tử, người kéo nhị ngồi phệt dưới sàn xe, hai người thổi kèn và sáo, lèn nhau trên đệm và người đánh đàn ngồi chỗ mui, giạng hai cẳng để lấy thăng bằng. Xe thứ ba, một cô tiểu thư mắt toét, mặt trắng, má đỏ, với một đứa bé con tóc xõa. Hai người cùng áo gấm, giày Tàu. Xe thứ tư, ba ông ngồi kẹp đùi vào lưng nhau, một ông thượng ban, một ông trung ban, một ông hạ ban, cùng mũ cánh, áo thêu, ông thì đỏ mặt, ông thì râu dài, ông thì mũi hin, tại bẹp. Xe thứ năm, thứ sáu cũng vậy. Cũng những ông trông ra phết Thái sư. Xe thứ bảy, thì một cô xấu, nhưng tân thời, mặt phấn má hồng, môi đỏ rẽ lệch, chiếc áo căng lườn, trông tức anh ách, như một bài thơ thất luật” (Đào kép mới)

Giọng bông lơn hài hước được tạo ra nhờ cách dùng chữ hết sức ngộ nghĩnh của Nguyễn Công Hoan. Ông dùng những chữ nghiêm trang trong những câu đùa cợt như “mấy ông nhỏ”, “mấy bà vú em” hay gọi con chó là

“tiên sinh cứ tự do ngôn luận oang oang lên... Chính con chó Tốp của ông hàng xóm tôi, sở dĩ bị trục xuất cảnh ngoại chỉ vì tối nhiều khi đang đêm, không biết cao hứng cái gì cứ diễn thuyết rầm lên, hô hào dữ đến nỗi cả nhà mất ngủ”. Hay khi miêu tả một me tây, tác giả viết: “Bà đã ngoại tứ tuần, mà xuân sắc chưa thấy giảm bớt. Vì nhờ có đôi giày cao gót, bà hãy còn đủ cả đằng trước lẫn đằng sau” (Bà chủ mất trộm). Nguyễn Công Hoan còn so

sánh quan phủ già góa vợ ôm quan bà mới như “một con nhái bén bám vào một quả dưa chuột” (Đàn bà là giống yếu)

Nguyễn Công Hoan cũng dành tiếng cười hóm hỉnh hài hước cho những người bạn đồng nghiệp – những nhà văn nghèo như ông trong truyện

Cái tết của những nhà đại văn hào. Tết đến, mấy nhà văn nghèo không có

tiền ăn tết, người này đến nhà người kia để ăn nhờ mấy ngày nhưng cuối cùng chẳng ai khá giả để đãi bạn. Ngày tết, khi các nhà nổ pháo ăn mừng năm mới

thì các nhà văn nằm dài xung quanh là nước chè, sách báo, bản thảo để ăn một “cái tết tinh thần”.

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 88)