Đặc điểm sử dụng câu tách biệt (câu dưới bậc)

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 106)

Chương 3: So Sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu giàu sắc thá

3.2.1.3. Đặc điểm sử dụng câu tách biệt (câu dưới bậc)

Trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, câu dưới bậc có tác dụng nhấn mạnh thông tin ở bộ phận được tách ra thành câu riêng, ở vế được tách thành câu riêng.

Ví dụ:

“Những người khôn ngoan, làm lơ, tay giữ túi, chân bước đi. Cho được việc. Người tò mò, hiếu sự đứng lại, tủm tỉm cười, hùn cho đám chửi nhau vui hơn.”

(Thằng ăn cắp)

Câu “Cho được việc” có thể nhập thành một câu cùng với câu đứng trước đó với vai trò là trạng ngữ chỉ mục đích nhưng nếu như vậy câu văn sẽ không gây được ấn tượng mạnh. Khi tách thành câu dưới bậc nó sẽ tạo thành một điểm nhấn về mặt thông tin.

Câu tỉnh lược còn có tác dụng tạo tính tự nhiên cho lời văn nghệ thuật, khiến lời văn trở nên gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người và đa dạng hóa cách diễn đạt.

Ví dụ:

“Anh càng hết sức để hát, để đàn, và để... không ai nghe. Bởi vì ...

Đường càng vắng ngắt. Thỉnh thoảng, những chiếc xe cao su kín mít như bưng, lép nhép chạy uể oải, lại thỉnh thoảng một người đi nén dưới mái hiên, run rẩy, vội vàng.”

(Anh xẩm)

Ở đây, liên ngữ “Bởi vì” được tách thành câu riêng và nó đem lại giá trị lớn. Nếu sát nhập với câu trước thì sự giải thích chỉ dừng lại ở lí do: “Anh hát, để chẳng ai nghe, vì đường vắng ngắt.” Nhưng khi tách ra thành câu riêng thì sự giải thích lan rộng ra tất cả các câu còn lại: “Anh hát – không ai nghe vì đường vắng, chỉ một vài chiếc xe cao su chạy, chỉ một vài bóng người đang vội vàng với công việc của họ” và tình cảnh anh xẩm càng tội nghiệp hơn. Mặt khác, việc tách câu cùng dấu “...” tạo nên một khoảng lặng buộc người đọc chờ đợi các câu tiếp theo sau. Sự diễn tả ngập ngừng này tạo cho lời văn tính tự nhiên, đa dạng trong cách diễn đạt.

Ngoài ra, câu dưới bậc cũng có tác dụng tạo điều kiện để chuyển sang một chủ đề khác.

Ví dụ:

“Dung là cô gái rượu bà béo chủ nhà. Chẳng đẹp gì nhưng cũng mũm mĩm và trắng trẻo. Mà lại là con một. Mà lại diện. Cô diện nhất vùng này, tân thời nhất vùng này.”

Câu “Mà lại diện” được tạo thành do tách một vế của câu ghép chính phụ thành câu riêng, từ đó nhà văn có cơ sở triển khai thêm một vấn đề khác là việc ăn diện nhất vùng của cô Dung: “cũng đánh phấn, tô môi, kẻ lông mày; cũng áo nọ kiểu kia; giày cao gót, ví đầm... Nghĩa là Hà Nội đặc!”

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w