Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm...” (24, tr134).
Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì
trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Do vậy, thông qua giọng điệu trần thuật trong tác phẩm, người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thể hiện trong đó. Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu một giọng trần thuật. Có được điểm này là do giọng điệu gắn bó chặt chẽ với điểm nhìn, với chủ thể phát ngôn. Nếu như “tiêu điểm” trả lời cho câu hỏi ai nhìn? Thì “giọng” trả lời cho câu hỏi “ai nói?”, lời văn trần thuật sẽ trả lời cho câu hỏi: nói như thế nào? - nó hướng về sự phát ngôn của chủ thể lời văn.
Thông thường, giọng điệu bị chi phối bởi điểm nhìn của chủ thể, ở quan hệ của chủ thể tác giả đối với cái được miêu tả. Chính vì vậy, Nguyễn Thái Hoà trong Những vấn đề thi pháp của truyện đã khẳng định: “Giọng điệu chính là mối quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc định hướng, đánh giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể” [32, tr.154].
Trần Đình Sử lại xem giọng điệu văn học là hiện tượng “siêu ngôn ngữ” là “yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn” [55, tr.34]. Do đó, yếu tố giọng điệu giữ một vai trò rất quan trọng trong việc cấu thành lời văn nghệ thuật. Đồng thời, giọng điệu cũng là sự biểu hiện nhận thức, thái độ, tình cảm, cảm xúc nhà văn đối với đời sống. Mỗi tác phẩm in đậm dấu ấn, phong cách của nhà văn qua giọng điệu và lời văn trần thuật. Như vậy, giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật quan trọng nhất trong tác phẩm tự sự nói chung và trong truyện ngắn nói riêng.
Trong văn học dân gian, yếu tố giọng điệu không phải là yếu tố nổi bật, cũng không có sự phân biệt rõ ràng giọng của các nhân vật do các dạng cấu trúc lời văn trần thuật chưa có sự đa dạng, linh hoạt. Trong văn học hiện thực thì khác, vấn đề giọng điệu trần thuật được các nhà văn đặc biệt chú ý. Mỗi nhà văn đều lựa chọn được những giọng điệu chủ đạo cho tác phẩm nhằm bộc lộ tốt nhất thái độ, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Bên cạnh giọng chủ đạo còn tồn tại nhiều giọng khác nhau, mỗi nhân vật mang một giọng riêng, mỗi nhân vật cũng có thể có nhiều giọng khác nhau trong mỗi cảnh huống, hoàn cảnh khác nhau. Có bao nhiêu nhân vật sẽ có bấy nhiêu giọng trong tác phẩm, chưa kể còn có sự pha trộn giọng của chủ thể trần thuật và của cái tôi nhà văn trong đó. Và vì thế, có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều chất giọng khác nhau, (đặc biệt trong các tác phẩm tự sự). Sự pha trộn giọng điệu như thế tạo nên một cấu trúc đa thanh cho truyện kể.
Cần phân biệt giọng điệu với ngữ điệu - phương tiện biểu hiện của lời nói thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh, nhịp điệu, chỗ ngừng,… Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ. Trong một tác phẩm có giá trị, giọng điệu thường không buồn tẻ, đơn điệu mà linh hoạt thay đổi tạo nên tính
“phức điệu” (chữ dùng của Bakhtin). Theo đó, trong tác phẩm tự sự, giọng điệu trần thuật sẽ là tổng hợp giọng của nhiều nhân vật, của người kể chuyện, của tác giả,…
Giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tạo nên sức truyền cảm của tác phẩm tới người đọc. Vì thế, bên cạnh việc tìm hiểu về người trần thuật, điểm nhìn trần thuật và ngôn ngữ trần thuật, chúng tôi cũng đi nghiên cứu về vấn đề giọng điệu trần thuật – yếu tố tạo nên phong cách mỗi tác giả.