Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 68)

c. Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ 3 theo điểm nhìn phức hợp

2.2.1. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Nói đến ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là nói đến một thứ ngôn ngữ sinh động, rất gần gũi với đời sống hàng ngày. Nhà văn đã mạnh dạn đưa lời ăn tiếng nói của quần chúng vào văn chương khiến văn chương mất đi vẻ đài các, trang trọng nhưng xa lạ mà trở thành ngôn ngữ của đời sống hiện thực hàng ngày.

Có thể nói, Nguyễn Công Hoan không ngần ngại trong việc bình dân hóa ngôn ngữ nghệ thuật. Ông đưa vào truyện ngắn những từ ngữ hết sức dân dã, những lời miêu tả trần trụi: “Cái quần cháo lòng xắn lá tọa, ống cao ống thấp, thì bở tơi, nhưng dầy cồm cộp những đất, bùn và ghét. Cái áo dày vải tây đen, nay chỉ còn giữ được màu nước dưa, thì ở lưng, vai, tay, ngực, bướp

ra, mà năm khuy thì về hưu trí bốn” (Thằng ăn cắp); miêu tả cái xác chết “con người trước kia hiền lành là thế nay biến thành con bò thui: bụng phềnh to, má phềnh to, mặt phềnh to. Đôi mắt híp lại, như bị kéo dài ra tận mang tai. Tứ chi dúm dó. Ai trông thấy bộ dạng nhăn nhó, dọa nạt của người chết, mà khỏi rợn tóc gáy được”. Nguyễn Công Hoan còn đưa cả những chữ tục vào truyện : cứt đái, hôi thối, đàn giòi nhung nhúc bơi ra... (Gói đồ nữ trang)

Có thể nói, ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là ngôn ngữ của người bình dân. Trong Bữa... no đòn, tác giả viết “Chẳng ai thương nó cả. Nó cũng là người. Duy chỉ khác mọi người là chẳng may nó bị tạo hóa ruồng bỏ, cho nên đói khát, phải ăn cắp giấm giúi để nuôi thân. Cái ấy cũng khác hẳn với người thường. Họ thừa, họ cứ đường hoàng ăn cắp.”

Ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Công Hoan là những lời trò chuyện giữa tác giả, nhân vật và độc giả bằng một giọng bông phèng, thân mật như bằng vai phải lứa với nhau: “Một loạt truyện ngắn của ông viết vừa rồi về quan trường tôi có đọc hết. Tôi nhận thấy có truyện ông bịa thêm nhiều, có truyện ông bịa thêm ít, nhưng cốt truyện đều có thực cả. Tôi không oán trách gì ông, trái lại, nhân tiện hôm nay gặp ông đây, tôi xin hiến ông thêm một tài liệu để ông viết.” (Tôi tự tử).

Nguyễn Công Hoan cũng hay sử dụng lối chơi chữ trong văn trần thuật

“Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy người ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh béo tốt. Thuyết ấy sai. Trăm lần sai, nghìn lần sai vì tôi thấy sự thực ở đời, bao nhiêu anh béo khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả...” (Đồng hào có ma). Miêu tả cách ghẹo gái có tính chất lính tráng

của một viên cơ. Lão khám một mụ buôn thuốc phiện lậu thấy có mấy đồng trinh: “À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?” (Lập giòong)

Ngoài ra, Nguyễn Công Hoan thường sử dụng một lượng lớn ngôn ngữ đối thoại trong truyện. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có nhiều kiểu đối thoại: người kể chuyện đối thoại với độc giả, người kể chuyện đối thoại với nhân vật, nhân vật đối thoại với nhân vật.

Ở kiểu người kể chuyện đối thoại với độc giả, chúng tôi thấy người kể chuyện thường đứng ngoài kể lại chuyện nhưng bằng hình thức trò chuyện. Mở đầu truyện ngắn Cái lò gạch bí mật, tác giả viết “Vô phép các ngài! Xưa nay, chỉ có khi người ta ăn cơm, mới phải “vô phép” nhau. Nhưng tôi đây, vừa mới bắt đầu viết truyện này, tôi đã phải “vô phép” các ngài ngay, là vì truyện tuy li kỳ không kém gì các truyện trinh thám đại bí mật xảy ra ở đất nước An Nam - từ khi có một vài ông văn sĩ được trông thấy hẳn hoi – nhưng khốn thay, tác giả truyện Cái lò gạch bí mật này lại chẳng là nhà viết tiểu thuyết trinh thám chính ngạch! Vậy thì trong khi kể chuyện có điều gì sơ suất, xin các cụ, các quan, các ông (nhất là các ông viết tiểu thuyết trinh thám chuyên môn), các bà, bỏ quá đi cho, tôi được đội ơn vạn bội”. Hay trong truyện Lập – Giòong, kết thúc truyện, sau khi đã kể xong, tác giả đối thoại cùng độc giả: “Đó, nguyên do vì thế nên con mẹ mới trốn thoát. Nhưng xin các ngài giữ kín hộ, đừng nói chuyện với ai”. Cách đối thoại này tạo cho câu chuyện tính khách quan và giúp tác giả đến gần hơn với bạn đọc.

Trong nhiều truyện ngắn, các nhân vật thường xuyên đối thoại với nhau, vì thế mà truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan dễ dàng chuyển thể thành kịch bản sân khấu như các truyện Samandji; Tinh thần thể dục; Oẳn

tà rroằn; Mất cái ví.... Ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật buộc nhân vật

phải bộc lộ bản chất của mình. Đoạn đối thoại giữa Nguyệt và bà đỡ đã nói lên bản chất lừa lọc, dối trá của Nguyệt:

- Mọi khi những người đẻ con so thì da bụng cứng mà có ngấn vằn đỏ. Người đẻ con rạ thì da bụng mềm, mà có ngấn vằn trắng. Nay tôi xem bụng bà, quả là bà đẻ con rạ. Phép nhà thương không nên nói dối, lỡ ra nguy hiểm đến tính mệnh, chứ chả chơi đâu.

- Thưa bà, xin bà kín cho, tôi đẻ con rạ!”

(Oẳn tà rroằn)

Hoặc đoạn đối thoại giữa ông Tham với vợ trong truyện Mất cái ví đã lột rõ bộ mặt xấu xa, keo kiệt, bất hiếu của những kẻ có quyền, có tiền:

Một lát, bà Tham ra dáng ân hận, gắt với chồng:

- Chỉ tại cậu lơ đễnh đánh mất ví tiền, nên mới sinh ra lắm cái rắc rối. Ông Tham ung dung, tủm tỉm cười đáp:

- Thì đã làm sao?

- Thế sao cậu lại ngờ cho ông làm vậy?

- Tôi vờ thế chứ ví đây này, có mất đếch đâu!

Vừa nói, ông vừa móc trong túi quần, quẳng cái ví đánh bẹt xuống mặt phản”

Một đặc điểm khác trong ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Công Hoan là nhà văn thường sử dụng những câu văn ngắn, tần số động từ xuất hiện nhiều. Nó giúp cho câu văn nhanh nhịp, tạo ra nhiều hành động và phù hợp với sự kiện của truyện. Ví dụ: “Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó”; “Vẫn chửi. Vẫn kêu. Vẫn đấm. Vẫn đá. Vẫn thụi. Vẫn bịch. Vẫn cẳng chân. Vẫn cẳng tay. Vẫn đòn càn. Vẫn đòn gánh. Đáng kiếp” (Bữa no đòn). Những câu văn ngắn đọc lên nghe như thấy cả tiếng thở hổn hển của một bà hàng

bánh to béo kiệt sức vì đuổi theo một thằng ăn cắp: “Bà ấy mệt quá. Không lê được một bước. Không kêu được một tiếng. Cơ chừng tiếc của. Cơ chừng hết sức. Cơ chừng hết hơi” (Thằng ăn cắp)

Nguyễn Công Hoan cũng thường sử dụng phép phóng đại, khoa trương khi miêu tả diện mạo, trang phục của nhân vật để từ đó lột tả bản chất nhân vật. Miêu tả chân dung quan lại, tác giả để cho nhân vật hiện lên trong những hình hài dị dạng nhưng hợp với bản chất ăn bẩn, tham lam, độc ác của lớp người này. Đó là chân dung Huyện Hinh: “Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm nói ra một câu sáo rằng: “Nhờ bóng quan lớn”, là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông” (Đồng hào có ma). Nhà văn cũng miêu tả chân dung của mấy bà chủ thì bà nào cũng béo, béo đến mức: “Nếu người ta chưa nom rõ cái mặt phị, cái cổ rụt, cái thân nung núc, và bốn chân tay ngắn chùn chùn thì phải bảo là một đống hai ba cái chăn bông cuộn lại với nhau, sắp đem cất đi”, thậm chí nhà văn còn nhấn mạnh them: “Thật thế, bà béo lắm, một cái béo rất hùng vĩ, ít ai có thể tưởng tượng được. Mùa hè, ai trông thấy bà mà không phát ngấy thì tôi không phải là người”(Phành phạch).

Không chỉ vẽ lên những bức biếm họa về kẻ giàu có, khi miêu tả diện mạo người nghèo, nhà văn cũng dùng thủ pháp phóng đại làm hiện lên nét dị hình dị dạng. Đó là thằng ăn cắp giống như “một vật gì đen đen, lù lù ở ngay ngoài cổng... Người ấy đội cái nón toạc tung cả cạp, đã đóng khố, lại mặc cái áo rách cụt cả tay. Thành ra bốn chân tay khẳng khiu, đen thui thủi, dài ngoằng ngoẵng. Cái bị bẹp há hốc miệng, nằm chờ bên cạnh cái dạ dày lép kẹp” (Răng con chó của nhà tư sản). Có những khi Nguyễn Công Hoan dùng thủ pháp liên tưởng so sánh hết sức bất ngờ để miêu tả chân dung người vợ Samandji: “Mỹ thuật nhất là cái ngực đầy như cái ví của nhà tư bản, chứ

không như cái óc của ông Nghị ngay cả trước ngày họp hội đồng”

(Samandji)

Nét độc đáo trong phong cách của Nguyễn Công Hoan còn ở chỗ nhà văn sử dụng thủ pháp giễu nhại ngôn ngữ nhân vật. Ông thường mô phỏng hài hước lời nói, giọng điệu của nhân vật hoặc ngôn ngữ của một tầng lớp xã hội nào đấy. Lối giễu nhại của Nguyễn Công Hoan cũng hết sức đa dạng, ở mọi tầng lớp: giễu nhại ngôn ngữ quan lại: (Gánh khoai lang); giễu nhại ngôn ngữ lính tráng (Thật là phúc); giễu nhại ngôn ngữ hành chính: (Tinh thần

thể dục); giễu nhại ngôn ngữ trí thức Tây học (Cái ví ấy của ai); giễu nhại

ngôn ngữ văn chương lãng mạn (Thế là mợ nó đi Tây); giễu nhại ngôn ngữ văn chương trinh thám (Cái lò gạch bí mật); giễu nhại ngôn ngữ hát tuồng (Đào kép mới); giễu nhại ngôn ngữ thầy đồ (Thầy cáu)...

Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ:

- Ngôn ngữ của ông quan huyện: “Đấy, các thầy chỉ được nghề nói dối quan là tài. Từ nay không nên thế. Thôi được, có lòng thành, ta cảm ơn”

(Gánh khoai lang)

- Ngôn ngữ hành chính: “Nay thừa lệnh Tỉnh đường, ngày 19 Mars này, tức 29 tháng giêng An nam, tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ. Vậy sức các thấy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện…” (Tinh thần thể dục)

- Ngôn ngữ của trí thức Tây học: “Ồ? Nhà quê! Fox-trot không phải là một loài, Tango cũng không phải là một bài. Đó là một lối nhảy, mỗi lối có tới hang nghìn bài, mỗi ngày lại có bài mới thêm vào. Ông Bác sĩ Thuốc ghé vào tai ông Tham Lục lộ nói như thế, nhưng ông Giáo sư Toán nhấp nháy một mắt lại rỉ vào tai bạn mà rằng: - Chớ khinh lui, lui nhẩy không sai nhịp,

mà lại đưa cavalière nhẹ nhàng và xinh lắm. Moi vẫn chịu lui cái lối vừa nhẩy vừa chuyện trò tự nhiên. Rồi moi nhận mà xem, vai lui rất thẳng, không đụng đậy, tay cũng vậy, chân đi khép, êm ái, mà không bao giờ đụng chân vào cavalière.” (Cái ví ấy của ai)

- Ngôn ngữ của một bà nhà quê: “Thưa thầy, từ đây lên huyện những chín cây-lô-mếch, sợ nhà đi nắng thì cảm, rồi phải lại thì oan gia...” (Tinh thần thể dục).

- Ngôn ngữ lính tráng: “Nói nôm na, chú Ván-cách cũng muốn chim chị Tam đáo để. Có bận chú định ngồi trong mành mành, ví chị Tam một câu rõ hay. Giá chú biết làm thơ, làm văn thì hẳn đã nghĩ được một bài trường thiên rõ dài để tặng. Khốn nhưng chú chỉ quen thói bóp ngực lần lưng dân, cho nên chỉ học mốt chim gái của bạn đồng nghiệp, thẳng như nòng súng, là giữ nón, chắn đườngm hoặc nắm cổ tay mà bắt nói một câu:

Van nhà, nhà buông em ra

(Thật là phúc)

- Ngôn ngữ chị vú, con sen: “Lậy ông bà, chúng con có biết cái ví tiền của ông mặt ngang mũi dọc thế nào, thì chúng con cứ chết một đời cha ba đời con!” (Mất cái ví)

- Ngôn ngữ của bà bán bún riêu: “Ba mươi sáu cái nõn nường! Mỗi bát mấy đồng xu của người ta đấy! Thôi đi! Dơ!... (Thằng ăn cắp)

- Ngôn ngữ kẻ ăn mày: “Giàu hai con mắt, đói hai bàn tay, con kêu van cửa ông cửa bà thí bỏ cho con bát cháo lưng hồ” (Cái vốn sinh nhai)

- Ngôn ngữ thầy giáo: “Thế thì không có đứa nào à? Chúng bay vô ý quá. Bây giờ tao cho phép chúng bay khám lẫn nhau. Đứa nào khám được, tao cho “Dix”, đứa nào giẫm phải, tao cho “Zéro”!” (Thầy cáu)

...

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 68)