Giọng châm biếm, đả kích sâu cay

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 85)

Chương 3: So Sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu giàu sắc thá

3.1.1.2. Giọng châm biếm, đả kích sâu cay

Nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là giọng điệu trào phúng mà trước hết là giọng châm biếm, đả kích. Nguyễn Công Hoan là nhà văn Hiện thực phê phán, ông muốn dùng truyện ngắn để vạch mặt, phanh phui những trái ngang, những cái xấu xa bỉ ổi của xã hội đương thời. Khi miêu tả các đối tượng đặc biệt là quan lại, nhà tư sản, ông chủ bà chủ tức là những kẻ giàu có trong xã hội, Nguyễn Công Hoan thường dùng chung một giọng – giọng châm biếm và cách thức miêu tả hay nhất là vật hóa nhân vật. Nhà văn rất hay sử dụng thủ pháp so sánh phóng đại để khắc họa chân dung nhân vật với lối ví von rất cay độc.

Khắc họa chân dung của bọn quan lại, Nguyễn Công Hoan đã vẽ lên một Huyện Hinh béo đến nỗi: “râu không có chỗ nào lách ra ngoài được”

(Đồng hào có ma); một quan phủ người: “cái gì cũng cong, từ cái sống mũi đến cái lương tâm, từ cái lưng đến cách xử kiện” (Đàn bà là giống yếu). Chân dung của những bà chủ, vợ quan thì có một kiểu chung đó là béo. Bà vợ

trẻ của quan phủ có bộ mặt được ví như: “chiếc bánh giầy đám cưới, ở giữa đặt một quả chuối ngự , và ngay đầu quả chuối, nằm dài hai múi cà chua. Rồi khi hai múi cà chua tách ra để theo nhịp với cặp mắt híp, đưa quan ông vào chốn nát bàn, thì ai cũng phải thấy một cái hố sâu thăm thẳm, sâu như bụng dạ một người đàn bà” (Đàn bà là giống yếu); những bà chủ giàu có thì béo

như cây thịt “béo đến nỗi hai má chảy ra, cổ rụt lại. Béo đến nỗi bụng sệ xuống” (Hai cái bụng)...

Nguyễn Công Hoan còn dùng giọng châm biếm, đả kích để đánh thẳng vào mặt bọn thực dân, quan lại, địa chủ, cường hào nhất là tội tham lam vô độ, vơ vét tiền của của người dân. Hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan tập trung miêu tả những mánh khóe “ăn bẩn” của bọn quan lại, cường hào. Chúng không chỉ ăn cướp từ người sống mà còn ăn cướp từ những người đã chết. Với loại quan này, Nguyễn Công Hoan đã đả kích sâu cay bằng thứ ngôn ngữ độc đáo: “Và một giờ sau, lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá, lũ quạ, tiếc ngẩn ngơ. Chúng có biết đâu rằng quan Huyện tư pháp đã tranh mất món mồi ngon của chúng” (Thịt người chết). Như vậy, quan lại chẳng khác gì lũ quạ,

lũ cá, lũ nhặng chuyên kiếm ăn bằng thịt người chết.

Ở truyện Đồng hào có ma, Nguyễn Công Hoan đã xây dựng nhân vật quan Huyện Hinh – tên quan “ăn bẩn” vô độ hình dáng thì oai vệ, đường hoàng nhưng lại đi ăn cắp một đồng hào đánh rơi của con mẹ Nuôi nghèo vừa mất trộm mà mặt vẫn tỉnh bơ. Tiếng cười châm biếm chỉ được bật lên vào cuối truyện khi con mẹ Nuôi ra về và ông quan Huyện: “dịch chân, cúi xuống nhặt đồng hào bỏ tọt vào túi”.

Xét về một phương diện nào đó, tiếng cười trào phúng trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có sự kế tục tiếng cười trào phúng của Tú Xương. Đó là tiếng cười đau đớn, phẫn uất trước một xã hội quái thai, suy thoái về

đạo đức. Nguyễn Công Hoan đã dùng tiếng cười để phê phán những hiện tượng tồi tệ trong xã hội đương thời. Đó là một ông chủ hiệu xe ô tô Con Cọp giỗ cha rất linh đình nhưng cấm cửa bà mẹ nghèo khổ (Báo hiếu: trả nghĩa cha); một ông viên chức đánh vợ dạy vợ về đạo tòng phu với cái nghĩa là

vâng lệnh chồng phải đi ngủ với cấp trên để lễ tết sếp (Xuất giá tòng phu);

một bà quả phụ quan tuần phủ kiếm được bốn chữ “Tiết hạnh khả phong” bằng cách vứt bỏ đi cái tiết hạnh của mình. Ở những truyện này, Nguyễn Công Hoan không hề che giấu thái độ của mình mà bày tỏ một cách thẳng thắn qua giọng văn châm chọc gai góc, chửi đời “Đời đã hóa ra một con mụ chửa hoang đẻ bậy, sinh non ra toàn những hạng hoặc mất dạy, hoặc đói cơm” (Một tấm gương sáng)

Khi viết về những loại người, những hiện tượng xấu xa trong xã hội, Nguyễn Công Hoan hay sử dụng lối nói ngược. Trong Chính sách thân dân, tác giả viết “Đối với lời nói ngọt ngào của quan phụ mẫu này, người ta sợ như gà phải cáo”. Hay trong Đàn bà là giống yếu: “...tuổi đã già mà ái tình còn trẻ”.

Nguyễn Công Hoan rất hay dùng giọng điệu châm chọc để lột trần những kẻ giàu có nhưng xấu xa, nhất là những quan huyện tham ô và những bà đầm, những me tây. Những kẻ làm quan thì đục khoét, ăn chặn của dân, của kẻ dưới quyền một cách trắng trợn không chút xấu hổ. Những me tây thì dâm ô nhưng cố tỏ vẻ tiết hạnh. Nguyễn Công Hoan đã chế giễu những kẻ đó không thương tiếc bằng giọng châm biếm: “Bà chủ là một me tây đủ cung cách. Nghĩa là bà cũng có một đôi má chảy, một cái mồm đỏ, một hòm khăn chầu áo ngự, và một thằng bếp đẹp trai. Bà lại còn cái kèn hát chạy điện, cả ngày vô tình làm phúc cho hàng xóm được nghe nhảy đầm đến bài niệm Phật.” (Bà chủ mất trộm)

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 85)