So sánh đặc điểm ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và Nam cao

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 78)

c. Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ 3 theo điểm nhìn phức hợp

2.2.3. So sánh đặc điểm ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và Nam cao

Nguyễn Công Hoan và Nam cao

Qua tìm hiểu vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, chúng tôi nhận thấy điểm chung nhất và cũng là yếu tố tạo nên thành công của hai tác giả là cả hai đều đem đến cho văn chương đương

thời thứ ngôn ngữ giản dị, gần gũi đời thường, khỏe khoắn, linh hoạt, mới mẻ và rất hấp dẫn. Cả hai nhà văn đều táo bạo đưa vào văn chương lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng đặc biệt là của những người lao động nghèo. Ngôn ngữ sinh hoạt đời thường vào văn xuôi tự nhiên như nó vốn có trong đời sống thực.

Tuy nhiên, đi sâu nghiên cứu chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt cơ bản trong cách sử dụng ngôn ngữ giữa hai nhà văn. Nhìn chung, ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan gắn liền với bút pháp hướng ngoại, ít đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Các nhân vật thường được hiện lên bởi bộ dạng bên ngoài, bởi hành vi, cử chỉ hay ngôn ngữ đối thoại mà rất ít suy nghĩ nội tâm, nhiều khi nhà văn để cho nhân vật đối thoại từ đầu đến cuối như màn kịch nói.

Sở trường của Nguyễn Công Hoan là sử dụng một kho từ vựng tạo hình phong phú. Nhà văn nắm bắt những nét thô kệch đặc trưng trên diện mạo, chân dung nhân vật rồi dùng ngôn ngữ phóng đại lên. Nguyễn Công Hoan đã dày công sáng tạo ra cách dùng ngôn từ gây ấn tượng mạnh với lối ví von, so sánh độc đáo để tạo ra những chân dung nhân vật đặc biệt. Có thể lấy ví dụ chân dung nhân vật Huyện Hinh: “Năm nay ông đã ngoại tứ tuần. Ông vẫn lấy cái tuổi của ông để lên mặt tiền bối, khinh những ông huyện trẻ khác, nếu tụi này dám chỉ coi ông là bậc ngang hàng(...) Ông để râu, cho khác hẳn với tụi huyện trẻ nhãi. Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá, nên lỗ chân lông căng ra thẳng quá, đến nỗi râu không có chỗ nào lách ra ngoài được. Đến nỗi năm bốn mươi tuổi mà mặt ông nó cứ nhẵn thín như thường. Ông bực mình bèn ra lệnh cấm thợ cạo lia lưỡi dao lên môi ông một dạo, để ông nuôi râu. Thì sau hết, những lông tơ nó cũng dài ra, và trông rõ hơn. Và đến bây giờ, đứng ở hai bên miệng ông, nó thành hình hai cái dấu chua nghĩa” (Đồng hào có ma)

Nguyễn Công Hoan cũng sử dụng những lời trữ tình ngoại đề nhưng pha chất hài hước, hóm hỉnh, tinh quái với những lời lẽ suồng sã đùa vui thoải mái. Đây là điểm khác biệt giữa Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, Nam Cao thường sử dụng trữ tình ngoại đề để triết lí còn với Nguyễn Công Hoan, những lời trữ tình ngoại đề thường không dài, ngắn gọn nhưng hết sức độc đáo và đầy tính trí tuệ. Nó trí tuệ ở chỗ tuy vui đùa suồng sã nhưng rất thông minh. Chẳng hạn, mở đầu truyện ngắn Đồng hào có ma, Nguyễn Công Hoan đã lập luận hết sức dí dỏm về một tên quan huyện ăn hối lộ: “Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai. Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy, ở đời này, bao nhiêu những anh béo khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả”

Trong khi đó, đặc trưng ngôn ngữ Nam Cao lại gắn liền với phong cách thâm trầm, kín đáo. Vấn đề mà nhà văn đặt ra trong truyện buộc người đọc phải ngẫm nghĩ mới thấu hiểu và khi đã hiểu thì thấy vô cùng sâu sắc. Với sự đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ trần thuật, Nam Cao đã định hình cho mình một phong cách truyện ngắn rất riêng so với các nhà văn viết theo khuynh hướng hiện thực cùng thời.

Đọc truyện ngắn Nam Cao, ta nhận thấy ở ông một ý thức sáng tạo rất mạnh mẽ kết hợp với một cái tâm thực sự nhân đạo trong ngòi bút để viết những truyện ngắn xúc động lòng người ở nhiều góc cạnh của cuộc sống từ hiện thực tầm thường, vụn vặt. Nam Cao đã viết thành công nhiều truyện ngắn bằng cách sử dụng và phối hợp linh hoạt các dạng lời văn khác nhau trong cùng một truyện kể. Sự kết hợp các dạng lời văn này ta thường bắt gặp trong những truyện ở giai đoạn trước năm 1945 của Nam Cao. Ở giai đoạn này, lời văn trực tiếp của tác giả (lời trữ tình ngoại đề) mang tính chất triết lý góp phần làm cho truyện ngắn của Nam Cao mang đậm tính chất hàm súc, giàu ý nghĩa. Tác giả bên cạnh việc hé lộ cho người đọc những thái độ, suy

ngẫm, phẩm bình của chính mình còn định hướng cho người đọc cách tiếp cận tác phẩm từ nhiều phương diện ý nghĩa mà tác giả muốn người đọc hướng tới.

Lời văn trực tiếp của nhân vật qua những đoạn đối thoại với các nhân vật khác và đối thoại với chính mình cũng được Nam Cao chú ý sử dụng. Tuy nhiên, kiểu lời văn trần thuật nửa trực tiếp kết hợp với lời nội tâm của nhân vật được Nam Cao đặc biệt chú ý và sử dụng nhằm khắc họa nhân vật từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nhân vật tự bộc lộ mình và hiện hình qua sự đánh giá, nhận xét của người kể chuyện. Cũng qua dạng lời văn độc thoại và đối thoại nội tâm, nhân vật thể hiện phần thật nhất trong con người của mình qua sự tự ý thức, tự đánh giá.

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 78)