Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 75)

c. Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ 3 theo điểm nhìn phức hợp

2.2.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao

Có thể khẳng định, giống với Nguyễn Công Hoan, ngôn ngữ trong truyện ngắn Nam Cao là ngôn ngữ giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đó không còn là thứ ngôn ngữ dài dòng, sang trọng, kiểu cách, sạch sẽ theo kiểu văn biền ngẫu như văn chương của Tự Lực văn đoàn. Ngôn ngữ Nam Cao xuất hiện nhiều thành ngữ, khẩu ngữ như: “Rõ dơ”, “anh nghèo thì mẹ con tôi cũng hết nói là giàu”, “mềm nắn rắn buông”, “Ma chê quỷ hờn”, “Nợ lắm!”...

Với kiểu câu văn ngắn mà đậm ý, Nam Cao đã tạo ra những đoạn đối thoại ý vị, đầy kịch tính, giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn đối với bạn đọc. Lời văn đặt trong mỗi nhân vật rất phù hợp với giai cấp, hoàn cảnh cá nhân, cuộc đời, suy nghĩ của riêng họ. Viết về đề tài người nông dân, Nam Cao đã cho thấy khả năng am hiểu sâu sắc ngôn ngữ của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bằng sự chọn lựa và sáng tạo khéo léo, Nam Cao đã đưa ngôn ngữ ấy vào lời văn của mình để nhân vật nói bằng ngôn ngữ, bằng suy nghĩ của mình. Đó là chất giọng bốp chát, cộc lốc thẳng thừng, những từ đậm chất ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày của người nông dân như: chạy xạc cả gấu váy, gắt như mắm thối, chõ mõm vào, trọc như quả bưởi, mắt trố như hai con ốc nhồi,... Khi viết về giai cấp thống trị, địa chủ, cường hào, Nam Cao vạch trần bản chất thâm độc của chúng với kiểu ngôn ngữ khôn ngoan, lọc lõi. Mỗi lần Chí Phèo đến ăn vạ, Bá Kiến đã dùng nhiều kiểu ngôn ngữ khác nhau: với mấy bà vợ thì quát: “Các bà đi vào nhà; đàn bà chỉ lôi thôi, biết ?”, với người làng thì dịu giọng hơn một chút: “Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này”, còn với Chí Phèo, hắn dùng giọng ngọt ngào để xoa dịu: “Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?...”. Với sự khôn

ngoan, thâm độc, Bá Kiến đã khiến Chí Phèo mất hẳn ý định trả thù thậm chí còn trở thành tay sai cho hắn. Bản chất lọc lõi bộc lộ rõ nhất trong suy nghĩ:

“hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế để đòi được năm đồng, nhưng được rồi thì vất trả lại năm hào vì thương anh túng quá” (Chí Phèo). Bên cạnh đó, ngôn ngữ của tầng lớp trí thức là dòng chảy tâm trạng triền miên, không dứt, xuất hiện nhiều câu hỏi, nhiều câu tự trả lời bên cạnh đó là những đoạn độc thoại nội tâm: “Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?” (Giăng sáng)

Ngôn ngữ mà Nam Cao sử dụng nhiều khi mang tính cường điệu, phóng đại pha chút hài hước, chua cay. Nam Cao miêu tả Thị Nở: “Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài; thế mà hai má lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má phính phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi…đã thế những cái răng rất to lại chìa ra; ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi” (Chí Phèo).

Tuy nhiên, bên cạnh ngôn ngữ trần thuật hiện thực đến trần trụi ấy, có một số truyện Nam Cao miêu tả cảnh vật thiên nhiên tinh tế và lãng mạn. Trong truyện ngắn Nam Cao, ngoại cảnh có một sự tác động nhất định đến tâm trạng và ý thức của nhân vật.

Trong Giăng sáng, thiên nhiên được miêu tả với một giọng lãng mạn dưới cái nhìn của Điền: “Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái gì đẹp và quí lắm. Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn. Trăng! ơi trăng! Cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mơn man!”.

Trong Chí Phèo, Nam Cao đã miêu tả khung cảnh lãng mạn làm nền cho cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo: “Nhưng chiều hôm ấy, trăng lại sáng hơn mọi chiều, trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao nhiêu gợn vàng. Những vàng ấy rung rung mới trông thì đẹp nhưng trông lâu mỏi mắt. Gió lại mát như quạt hầu”. Khung cảnh thiên nhiên ấy là chứng nhân cho một cuộc gặp gỡ tạo nên sự biến đổi trong cuộc đời của Chí. Nam Cao đã rất tinh tế khi dẫn vào đây những đoạn miêu tả thiên nhiên đêm trăng thơ mộng. Dường như thiên nhiên ấy làm đẹp hơn lên những cái gì là thô ráp của hiện thực.

Bên cạnh lời văn trực tiếp, trong truyện ngắn Nam Cao còn xuất hiện lời văn gián tiếp một giọng, với kiểu lời văn này, người đọc bắt gặp những đoạn miêu tả chân dung, khắc họa ngoại hình tính cách nhân vật hết sức độc đáo. Có những nhân vật Nam Cao miêu tả bằng một bút pháp tả chân sắc nét. Những nhân vật như Lang Rận; mụ Lợi, Nhi, Trương Rự;…dưới ngòi bút của Nam Cao đã trở nên những nhân vật hết sức xấu xí, kém cỏi về nhan sắc.

Ngoài ra, ta còn bắt gặp một dạng lời văn tiêu biểu khác khá nổi bật trong truyện ngắn Nam Cao, đó là lời văn nửa trực tiếp - là lời văn gián tiếp hai giọng. Ở dạng lời văn nửa trực tiếp, chúng ta bắt gặp lời văn gián tiếp một giọng của chủ thể trần thuật kết hợp với lời trực tiếp trong ý thức, nội tâm, cảm xúc của nhân vật. Nhưng do đó là lời tường thuật của chủ thể trần thuật nên nó trở thành lời gián tiếp. Khi ấy, điểm nhìn của chủ thể trần thuật đã hóa

thân vào điểm nhìn bên trong của nhân vật để bộc lộ. Kiểu lời văn này xuất hiện thường xuyên trong truyện ngắn Nam Cao trước năm 1945.

Đây là một đoạn văn thuộc kiểu lời văn nửa trực tiếp: “Vợ Lúng thấy người đau ê ẩm. Hai cánh tay dừng máu tím bầm. Mông xót như mất hẳn một lần da. Y khệnh khạng đi xuống bếp. Nồi cháo sôi lúc búc. Ui chà! Thơm quá! mà đặc sệt rồi. Giá Y không xuống thì khê mất (Lời nửa trực tiếp). Y tra muối. Y múc một bát ăn. Ôi chao ôi! Cái cháo trai sao mà ngon đến thế (Lời nửa trực tiếp). (Đòn chồng). Lời văn miêu tả một giọng kết hợp với các lời nửa trực tiếp đặt trong cảm giác, ý thức của vợ Lúng diễn ra liên tục thể hiện một cách sinh động tật tham ăn tục uống của vợ Lúng.

Như vậy, qua khảo sát trên có thể thấy lời văn trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao khá đa dạng và phong phú. Những hình thức này giúp cho truyện ngắn Nam Cao có khả năng tái hiện một cách sinh động các khía cạnh phức tạp của đời sống. Trong nhiều tác phẩm của Nam Cao có sự kết hợp đan xen các kiểu lời văn trần thuật. Sự kết hợp đan xen này góp phần tích cực cho việc xây dựng thành công truyện ngắn Nam Cao. Với những kiểu lời văn bộc lộ nội tâm và cảm xúc nhân vật, ngòi bút Nam Cao tỏ ra tinh tế trong việc đi sâu miêu tả những diễn biến tâm trạng, những dòng tư tưởng, những khúc quanh co của số phận,…và với những lời văn trữ tình ngoại đề Nam Cao đã tiến gần hơn đến với bạn đọc, đối thoại với bạn đọc và tìm kiếm một sự đồng cảm, sẻ chia nơi bạn đọc với những niềm vui, nỗi buồn của nhân vật.

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 75)