Chương 3: So Sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu giàu sắc thá
3.2.1. Đặc điểm sử dụng một số kiểu câu của Nguyễn Công Hoan 1 Đặc điểm sử dụng câu đặc biệt
3.2.1.1. Đặc điểm sử dụng câu đặc biệt
Qua khảo sát, chúng tôi thấy Nguyễn Công Hoan rất hay sử dụng loại câu đặc biệt trong các truyện ngắn của ông. Trước hết, câu đặc biệt được dùng để tái hiện các chi tiết, sự kiện, hành động diễn ra lien tiếp trong tác phẩm.
Ví dụ:
“Và bụi. Và tanh. Và ồn ào. Và hơi người. Và chen chúc...”
(Bữa no ... đòn)
“Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó.”
(Bữa no... đòn)
“Từ chiều, lại bắt đầu trở rét. Gió.
Mưa. Não nùng.
Đường vắng ngắt. Chưa đến tám giờ mà đường đã vắng ngắt.”
(Anh xẩm)
Nguyễn Công Hoan thường sử dụng câu đặc biệt để tái hiện một cách ngắn gọn các sự kiện xảy ra trong tác phẩm. Nhờ đó, độc giả có thể nhanh chóng nắm bắt và có được hình dung cụ thể về các sự kiện đó.
Câu đặc biệt còn được Nguyễn Công Hoan sử dụng làm lời nhận xét, miêu tả, đánh giá về một sự vật, sự việc hay hiện tượng nào đó
Ví dụ: Trong “Bữa no... đòn”, tác giả viết: “Người ta chen nhau, đẩy nhau, cản nhau. Một tốp người lại. Tranh nhau đi lại, rồi mắc ngẵng ở lối hẹp. Ùn lại. Người ta đẩy nhau. Một bà đương chổng mông, mặc cả bìa đậu, bị giúi ngã sấp xuống mẹt hàng. Một chuỗi của chẳng ngon bầy ngay ra để hiến các ông bà ông vải. Nheo nhéo”
Khung cảnh buổi chợ như được thu lại trong hai câu “Ùn lại” và “nheo nhéo”. Đây là hai câu nhận định ngắn gọn, chính xác và rất giàu hình ảnh về cảnh hỗn loạn ở phiên chợ.
Trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, câu đặc biệt còn được dùng để bộc lộ cảm xúc của nhân vật với nhiều cung bậc khác nhau: vui, buồn, ngạc nhiên, lo lắng, đau khổ,...
Ví dụ 1:
“Trời ơi! Ngờ đâu hồ Hoàn Kiếm này chỉ là mồ hồng nhan! Nàng giật tay ra, chạy lại mé đầu cầu. Phong vội chạy theo, níu vạt áo lại:
- Ấy chết! Chớ chớ! Tôi thử Nguyệt đấy mà!”
(Oẳn tà rroằn)
Câu đặc biệt “Trời ơi!” được cấu tạo từ một quán ngữ tình thái đã diễn tả tiếng kêu có vẻ đầy đau khổ của Nguyệt trước sự nhẫn tâm, phụ bạc của nhân tình.
“Cho tôi bế con một tí, nó giống tôi hay giống mợ?
- Im cho nó nằm.
- Ơ hay! Mợ giận tôi đấy à?
- Không!
- Bao giờ mợ định về?
- Không biết.
(Oẳn tà rroằn)
Câu đặc biệt “Ơ hay!” là câu nói của Bắc – người tình của Nguyệt – bộc lộ thái độ vừa ngạc nhiên vừa như trách móc nhẹ nhàng đối với Nguyệt vì lúc này Bắc vẫn chưa biết việc đứa bé không phải con của mình, anh vẫn nghĩ thái độ của Nguyệt là do hờn dỗi mà thôi.