Chương 3: So Sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu giàu sắc thá
3.1.3. So sánh giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao
Hoan và Nam Cao
Có thể khẳng định rằng, truyện ngắn Nam Cao có sự đa dạng, phong phú và sử dụng phối hợp đa giọng điệu trần thuật hơn so với truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Qua khảo sát hai tuyển tập truyện ngắn của hai tác giả, chúng tôi nhận thấy truyện ngắn Nguyễn Công Hoan tập trung chính ở hai giọng là giọng lạnh lùng khách quan và giọng trào phúng trong đó có giọng bông lơn suồng sã và nổi bật là giọng văn trào phúng, châm biếm đả kích sâu cay. Trong khi đó, sắc thái giọng điệu trong truyện ngắn Nam Cao khá phong phú. Ta có thể bắt gặp khá nhiều những sắc thái giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao như: giọng khái quát triết lý, suy ngẫm, phẩm bình; giọng lạnh lùng, dửng dưng; giọng mỉa mai, châm biếm, hài hước; giọng ngậm ngùi, cảm thương, chua xót, giọng văn nghẹn ngào, chan chứa yêu thương, giọng trữ tình, tự hào, thiết tha, sôi nổi,… Mỗi truyện ngắn lại có thể có sự kết hợp nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau và luôn biến đổi linh hoạt, nó là sự ngân vang nhiều sắc điệu, nhiều tầng bậc về giọng điệu tùy thuộc vào kết cấu, cốt truyện, cách tổ chức tình huống và nội dung phản ánh của tác phẩm.
Truyện ngắn Nam Cao còn có sự đa dạng trong giọng điệu nhân vật. Quả vậy, có bao nhiêu nhân vật trong tác phẩm thì có bấy nhiêu giọng điệu
khác nhau. Ngay cả khi nhân vật đối thoại hay độc thoại nội tâm thì ở đó cũng có sự đan xen nhiều giọng điệu khác nhau. Truyện ngắn Nam Cao có nhiều truyện được kể dưới ngôn ngữ của một nhân vật, nhưng trong đó ta vẫn bắt gặp sự thể hiện khá nhiều giọng điệu trần thuật khác nhau của nhân vật tôi - cũng là người kể chuyện như trong Điếu văn; Mua nhà; Những truyện
không muốn viết,… Trong khi đó, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan không có
sự đa dạng này, nhân vật của Nguyễn Công Hoan không sử dụng nhiều giọng như nhân vật Nam Cao và đặc biệt ít những lời độc thoại nội tâm.
Ở ngôn ngữ người kể chuyện, độc giả cũng dễ dàng nhận ra tính nhiều giọng thể hiện ở sự thay đổi điểm nhìn của người kể chuyện trong truyện ngắn Nam Cao. Người kể chuyện có thể thay đổi giọng điệu trần thuật từ giọng lạnh lùng, tàn nhẫn sang giọng yêu thương căm giận hay từ mỉa mai, châm biếm sang trữ tình thiết tha, sôi nổi. Tùy vào đối tượng, sự kiện và thái độ mà người kể chuyện bộc lộ giọng điệu trần thuật của mình.
Truyện ngắn của Nam Cao thường dùng lối trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật. Trong đó có sự tham gia của cả chủ thể trần thuật. Trong quá trình phát triển của truyện còn có sự dịch chuyển điểm nhìn từ nhân vật này sang nhân vật khác, thậm chí di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật hoặc ngược lại. Truyện ngắn của Nam Cao xuất hiện khá nhiều giọng văn trần thuật hấp dẫn kết hợp từ giọng văn của cái tôi tác giả (thể hiện trong những lời trữ tình ngoại đề), giọng văn của chủ thể trần thuật (qua những lời miêu tả, nhận xét, đánh giá, phẩm bình), giọng văn của các nhân vật (qua sự đối thoại với nhau, hoặc qua sự độc thoại nội tâm của chính nhân vật). Vì vậy, truyện ngắn Nam Cao có sự đa dạng và linh hoạt trong giọng điệu trần thuật. Ngoài ra, ở giọng điệu của nhân vật ta còn bắt gặp nhiều giọng như giọng hờn dỗi mát mẻ, giọng tủi thân, giọng buồn mênh mông, giọng trách
móc, giọng cay đắng, giọng phẫn uất, ... Ở điểm này, Nam Cao tỏ ra nổi trội hơn hẳn so với Nguyễn Công Hoan cũng như các nhà văn khác.
Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đều gặp nhau ở một điểm chung đó là cùng sử dụng giọng điệu lạnh lùng khách quan và giọng châm biếm có tính chất trào phúng. Tuy nhiên, ngay trong cách sử dụng hai giọng điệu này cũng có sự khác biệt. Trong giọng lạnh lùng khách quan của truyện ngắn Nam Cao chất chứa nỗi niềm thương yêu, ẩn chứa một trái tim nhân ái giàu tình yêu thương với những người nghèo khổ, bất hạnh còn giọng điệu lạnh lùng của Nguyễn Công Hoan tuy có ẩn chứa sự thương xót với những người nghèo nhưng trên tất cả là mục đích phơi bày thực trạng xã hội thối nát, nhố nhăng, đồi bại. Còn trong giọng điệu châm biếm trào phúng, Nguyễn Công Hoan thường xây dựng xung đột trào phúng đơn giản nhằm bộc lộ một tật xấu, một thói hư nào đó của một loại người. Mỗi truyện ngắn của ông thường chỉ có một xung đột trào phúng và sân khấu trò diễn chủ yếu là bối cảnh xã hội, nhân vật diễn trò thường thông qua cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ. Trong khi đó, ở truyện ngắn Nam Cao thì khác, sân khấu các trò diễn là ở nội tâm nhân vật. Mặt khác, Nguyễn Công Hoan thường xây dựng xung đột trào phúng bằng cách phóng đại nhiều lần theo hướng tăng cấp, lối gây cười trực tiếp để làm nổi bật tính hài hước của đối tượng trào phúng. Ngược lại, Nam Cao ít khi dùng phóng đại để tăng cấp xung đột. Tiếng cười thể hiện ở chỗ: sau khi phát hiện xung đột trào phúng, tác giả thường đặt hai mặt đối lập của xung đột ấy cạnh nhau và đưa nó vào một tình huống trào phúng tự bộc lộ. Do không được phóng đại, xung đột trào phúng thường không thật nổi bật mà người đọc chỉ nhận ra xung đột sau khi suy nghĩ, liên tưởng. Vì thế, nếu tiếng cười trong truyện Nguyễn Công Hoan bật lên giòn giã, hả hê thì tiếng cười trong truyện ngắn Nam Cao lại là tiếng cười nửa miệng, lặng lẽ, trầm lắng. Đó là tiếng cười nuốt vào bên trong sự mặn chát của giọt nước mắt. Giọng văn mỉa mai,
châm biếm, hài hước cuối cùng cũng hướng tới bộc lộ cái phần trăn trở, suy ngẫm và xót xa trong lòng tác giả. Đó là hướng con người đến cái Chân - Thiện - Mĩ bên trong những điều tưởng chừng chỉ toàn là điều xấu xa, bỉ ổi và đáng cười.