Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 27)

Điểm nhìn (point of view) là một trong những vấn đề cơ bản, then chốt của trần thuật. Điểm nhìn được hiểu là vị trí, chỗ đứng của người kể chuyện để xem xét, bình luận, miêu tả các sự việc hiện tượng trong tác phẩm. Nó được xem như một chiếc camera dẫn dắt người đọc vào thế giới nghệ thuật mà nhà văn xây dựng lên. Không thể có nghệ thuật nếu như không có điểm nhìn vì nó thể hiện sự chú ý quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tái tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Đồng thời, điểm nhìn cũng chính là cơ sở để phân biệt người kể chuyện với tác giả. Truyện bao giờ cũng được kể từ một điểm nhìn nhất định và bởi một người kể chuyện nào đó.

Theo lí thuyết của tự sự học, có ba kiểu điểm nhìn gắn với ba kiểu người kể chuyện. Đó là điểm nhìn từ đằng sau - Zero, điểm nhìn từ bên trong và điểm nhìn từ bên ngoài.

Người kể chuyện toàn tri ứng với điểm nhìn zero, nhìn từ đằng sau. Khi đó tiêu cự bằng không hay còn gọi là phi tiêu điểm (zero focalization). Người kể chuyện mang sức mạnh toàn năng, thông suốt, tường tận hết mọi chuyện không chỉ ở hiện tại mà còn có khả năng tái hiện lại quá khứ và dự báo trước tương lai. Với vai trò như thượng đế, người kể chuyện biết hết mọi chuyện. Ngay cả đời sống nội tâm phức tạp và thầm kín của con người cũng được thâu tóm và kể lại một cách trung thực. Độ bao quát hiện thực của người kể chuyện bao giờ cũng lớn hơn tất cả mọi nhân vật. Con mắt của người trần thuật có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, xoáy sâu vào từng chi tiết nhỏ của đời sống để kể lại cho độc giả. Nhờ vậy mà mọi hiện thực đều được phơi bày một cách

rõ nét. Điều này dường như đang trở thành một hạn chế lớn của kiểu người kể chuyện toàn tri và điểm nhìn zero. Ngày nay, dạng người kể chuyện này không được nhiều nhà văn sử dụng vì nó tạo ra tâm lí nhàm chán cho độc giả. Con người hiện đại luôn được xem là một thực thể phức tạp và khó hiểu. Bởi vậy, mọi câu chuyện được viết ra đều phải tạo cho người đọc hứng thú khám phá, một thái độ biết hoài nghi, phủ nhận. Nhưng kiểu người kể chuyện toàn tri với điểm nhìn zero lại không thể thực hiện được điều đó khi mọi chỗ trống đều được lấp đầy, mọi hiện thực đều được phơi bày khiến độc giả rơi vào cảm giác tẻ nhạt, thiếu hứng thú, nó tạo ra một lớp độc giả lười biếng.

Người kể chuyện bên trong gắn với điểm nhìn bên trong, điểm nhìn của nhân vật, nội tiêu điểm (internal focalization). Ở đây, nhà văn thôi không nói nữa mà xây dựng lên kiểu nhân vật tự nhìn, nhân vật tự nói và tự chiêm nghiệm, tự đánh giá. Bởi vậy, nó mang tính chân thực và gần gũi hơn. Tầm bao quát hiện thực, sự hiểu biết của người kể chuyện tương ứng với của nhân vật trong truyện. Ở kiểu người kể chuyện bên trong này có thể chia làm ba dạng nhỏ hơn, ứng với ba điểm nhìn bên trong của nhân vật.

Điểm nhìn bên trong cố định là một nhân vật cảm nhận, đánh giá và kể lại các sự việc từ đầu đến cuối. Thông thường, ở dạng này, người kể chuyện thường xưng hô theo ngôi thứ nhất để kể lại sự việc. Độc giả qua đó cũng chỉ biết sự việc qua cái nhìn của một nhân vật – những sự việc mà nhân vật tham gia hoặc được chứng kiến. Tuy nhiên, hạn chế của điểm nhìn bên trong cố định này là lượng sự việc được nêu ra không nhiều, yêu cầu tính tái hiện và tưởng tượng cao ở độc giả thì mới có thể nắm bắt được toàn bộ câu chuyện. Bên cạnh đó, các sự kiện, biến cố được kể đều bị nhuốm màu sắc chủ quan của nhân vật trong quá trình phát triển tính cách.

Điểm nhìn bên trong biến đổi là nhiều nhân vật kể lại nhiều chuyện khác nhau trong cùng một thời điểm. Nhờ đó, độc giả có thể nắm bắt nhiều sự kiện hơn qua cách cảm nhận của nhiều nhân vật hơn.

Điểm nhìn bên trong đa bội là khi một câu chuyện được kể lại qua cái nhìn của nhiều nhân vật. Sự thay đổi điểm nhìn giữa các nhân vật một cách linh hoạt sẽ tạo nên tính chân thực và khách quan cho câu chuyện được kể. Đồng thời, độc giả sẽ có một cái nhìn tổng quan hơn về câu chuyện, cái nhìn của nhân vật này sẽ có vai trò lấp đầy, bổ sung cho cái nhìn của nhân vật khác, tạo nên tính chỉnh thể cho cốt truyện.

Người kể chuyện bên ngoài thường gắn với điểm nhìn bên ngoài, ngoại tiêu điểm (external focalization). Trong những văn bản tự sự sử dụng kiểu người kể chuyện này, độc giả dường như không hề cảm nhận được sự tồn tại của kiểu người kể chuyện. Bởi vì khi đó, người kể chuyện giấu mình, đứng ngoài câu chuyện để miêu tả, trần thuật lại một cách khách quan và chân thực. Đặc biệt, nội tâm của nhân vật không được đi sâu khám phá mà chỉ chủ yếu là ghi lại lời nói và hành động của nhân vật. Vai trò của người kể chuyện cho phép truyện kể được đọc như một cái gì đó đã biết hơn là một cái gì đó tưởng tượng ra, một cái gì đó tường thuật hơn là một cái gì đó hư cấu.

Trong các tác phẩm tự sự, chọn cách xuất phát từ điểm nhìn nào để người kể chuyện kể lại chuyện cũng chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Có những tác phẩm từ đầu đến cuối đều nhất mực tuân thủ theo một kiểu người kể chuyện, một điểm nhìn duy nhất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó lại là sự phối ghép của nhiều điểm nhìn khác nhau mà người ta gọi đó là lối kể chuyện phân mảnh. Ở lối kể chuyện này xuất hiện nhiều kiểu người kể chuyện trong cùng một tự sự, kể lại sự việc bằng nhiều điểm nhìn khác nhau.

Có thể mở đầu, người kể chuyện giấu mình để kể, sau đó, chức năng trần thuật có thể được chuyển cho một hay nhiều nhân vật trong truyện, từ điểm nhìn ngôi thứ nhất chuyển tiếp sang điểm nhìn bên trong,... Với lối viết phân mảnh như vậy sẽ tạo lên cái nhìn đa diện, đa chiều cho tác phẩm, và đặc biệt là nó không gây cảm giác nhàm chán cho độc giả.

Ở Việt Nam, điểm nhìn cũng được khai thác ở các góc độ trên. Chẳng hạn: Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân nghiên cứu điểm nhìn dưới góc độ ngữ dụng học; Nguyễn Thái Hòa chú ý đến điểm nhìn trong truyện; Hữu Đạt nghiên cứu điểm nhìn trong mối tương quan với độc giả và cấu trúc của truyện.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán (chủ biên) thì: “Điểm nhìn nghệ thuật (tiếng Anh: Point of view) là vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật” [24;113]. Như vậy, có thể nói, điểm nhìn là sự lựa chọn cự ly trần thuật nào đó loại trừ được sự can thiệp của tác giả vào các sự kiện được miêu tả và cho phép văn xuôi trở nên “tự nhiên” hơn, phù hợp với cuộc sống hơn. Chủ thể trần thuật thay mặt tác giả có mặt ở khắp nơi, nhưng không ai nhìn thấy, lại có sức mạnh toàn năng giống như Thượng Đế vậy.

Điểm nhìn trần thuật biểu hiện qua các phương tiện nghệ thuật, ngôi kể, lời văn, giọng điệu, cách gọi tên sự vật,… Nó cung cấp một phương diện để người đọc nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật của tác phẩm, nhận ra phong cách đặc trưng của nhà văn.

Như vậy, điểm nhìn trần thuật giữ một vai trò rất quan trọng, là xuất phát điểm của bất kỳ một tác phẩm tự sự nào. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ điểm nhìn là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật chứ không phải là bản thân cấu trúc đó. Cấu trúc nghệ thuật của một tác phẩm là hằng số không đổi của những quan hệ của các yếu tố nghệ thuật được lựa chọn để đưa vào tác phẩm. Điểm nhìn nghệ thuật chiếu cái nhìn vào các yếu tố được lựa chọn, thêm bớt hoặc nhấn mạnh và chỉ được suy ra từ cái nhìn tổng thể đối với tác phẩm nghệ thuật do yêu cầu của người tiếp nhận.

Điểm nhìn trần thuật và ngôi kể là hai yếu tố cấu thành phương thức trần thuật của một tác phẩm tự sự. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này với nhau tạo thành các phương thức tự sự khác nhau, đem lại những khả năng khái quát hiện thực phong phú cho truyện kể. Riêng về vấn đề điểm nhìn, nhà văn tổ chức một cách khéo léo linh hoạt sẽ làm nổi bật được khá rõ quan niệm nghệ thuật, tư tưởng của mình. Hơn nữa, chính sự lựa chọn điểm nhìn của nhà văn sẽ quyết định rất nhiều đến giọng điệu, sắc thái thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chính vì thế, khi mỗi một tác phẩm có sự di chuyển điểm nhìn bên ngoài và bên trong, hay có sự phức hợp trong điểm nhìn sẽ giúp cho người đọc khám phá đời sống phong phú, đa dạng về nhân vật từ nhiều góc độ khác nhau.

Điểm nhìn trần thuật có thể phân chia ra làm nhiều loại:

- Điểm nhìn không gian: nhìn xa, gần, trên, dưới, lệch, thẳng,… - Điểm nhìn thời gian: nhìn từ hiện tại, quá khứ, hay tương lai,…

- Điểm nhìn tâm lí: khi người trần thuật nhìn theo tầm mắt nhân vật có đặc điểm giới tính, lứa tuổi hoặc có quan hệ thân sơ, bên trong hay bên ngoài, …

- Điểm nhìn quang học: mang tính khách quan hoàn toàn. - Điểm nhìn theo một mô hình văn hoá nào đó.

- Điểm nhìn theo một hệ tư tưởng nhất định. - Điểm nhìn dịch chuyển.

Tổ chức điểm nhìn trần thuật là khâu quan trọng nhất trong trần thuật. Bởi để miêu tả, trần thuật, nhà văn buộc phải xác định, lựa chọn điểm nhìn hợp lí. Điểm nhìn thể hiện sự chú ý và đặc điểm của chủ thể trong việc sáng tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Trên thực tế, giá trị của tác phẩm nghệ thuật một phần không nhỏ là do nó đem lại cho bạn đọc một cái nhìn mới nào đó về cuộc đời. Mặt khác, thông qua điểm nhìn trần thuật, người đọc có dịp đi sâu tìm hiểu cấu trúc tác phẩm và đặc điểm phong cách.

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 27)