Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 63)

c. Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ 3 theo điểm nhìn phức hợp

2.1.2.2. Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất

nhất

Khảo sát truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi thấy những truyện ngắn tiêu biểu được trần thuật theo dạng thức này là: Đui mù; Cái mặt không chơi

được; Những truyện không muốn viết; Mua nhà; Quái dị; Truyện tình; Điếu văn; Lão Hạc; Dì Hảo....

Truyện ngắn được trần thuật với chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất là dạng thức trần thuật trong đó tác giả chọn một nhân vật xưng tôi kể chuyện từ đầu đến cuối, tham gia với tư cách là người trong cuộc, dẫn dắt toàn bộ câu chuyện.

Xuyên suốt truyện ngắn Cái mặt không chơi được, nhân vật “tôi” đã kể về chính bản thân mình thông qua sự quan sát đánh giá của những nhân vật khác về mình mà cụ thể là vẻ bề ngoài của một “cái mặt không chơi được”. Nó có một cái gì khó gần, khó ưa, khó nhìn qua sự đánh giá của các nhân vật khác: qua cái nhìn của Đa về “tôi” thì “mặt hắn có một cái gì khó tả”; qua cái nhìn của Kình về Tri theo lời kể lại của Đức thì “Nó bảo trông mày…làm sao ấy”; qua lời Đức kể lại nhận xét của Nhung thì cũng: “Trông Tri…thế nào”...

Sau này khi đã đi làm rồi, mọi người cũng không gần gũi được với “cái mặt không chơi được” của nhân vật “tôi”. Chính điều đó tác động rất nhiều đến tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật khiến nhiều lúc “tôi” đã phải bứt rứt tự hỏi, tự phán xét mình.

Trong truyện ngắn Mua nhà, nhân vật “tôi” giữ vai trò trung tâm kể lại những sự việc xoay quanh cuộc sống nghèo túng của anh ta với một người bạn, không phải để than thở về cái nghèo để có được sự thương hại mà chủ yếu là “tôi” muốn bày tỏ để bạn mình thông cảm cho việc tiếp đãi bạn không được chu đáo như người ta đã tiếp đãi “tôi”. Ý nghĩa sâu sắc của truyện mà chủ thể trần thuật “tôi” muốn bộc lộ chính là triết lý cuối truyện: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này co thì người kia hở”.

Ở truyện ngắn Lão Hạc, nhân vật xưng “tôi” là ông giáo, giữ vai trò chủ thể trần thuật chính. Nhân vât “tôi” là một nhân chứng, thông qua cuộc trò chuyện giữa mình với lão Hạc mà khơi gợi và dẫn dắt mạch truyện phát triển. Nam Cao đã đặt điểm nhìn vào ông giáo để kể lại cuộc đời của Lão Hạc. Vì vậy, câu chuyện chủ yếu được nhìn theo con mắt của ông giáo. Nhân vật “tôi” hiểu thấu cả những tâm tư, tình cảm của lão Hạc, nhưng khi nghe Binh Tư nói tới việc lão xin bả chó, “tôi” đã không giấu được cảm xúc xót xa của mình: “Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết […]. Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Cuối cùng, khi nhận ra bản chất cái chết của lão Hạc thì “tôi” lại càng kính trọng “chất ngọc” trong nhân phẩm của lão. Nhân vật “tôi” chỉ còn biết ngậm ngùi:“Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt”. Trong truyện ngắn này, chúng ta bắt gặp một cái tôi vô cùng nhân đạo trong ngòi bút của Nam Cao. Bằng việc kể lại câu chuyện về cuộc đời giản dị của một lão nông qua con mắt của người trí thức,

nhà văn thể hiện niềm yêu mến và kính trọng của mình với người nông dân nghèo khổ.

Trong những truyện ngắn này, hình tượng của chủ thể trần thuật “tôi” không còn hiện lên rõ nét như dạng thức trần thuật ở trên, bởi vì, chủ thể trần thuật lúc này chỉ giữ vai trò là người quan sát, chứng kiến, kể lại câu chuyện, sự việc và hạn chế đến mức thấp nhất sự tham gia của bản thân vào câu chuyện khi kể. Tuy nhiên, sự khách quan này cũng không hoàn toàn tuyệt đối cho nên nhân vật “tôi” vẫn có thể tham gia trực tiếp vào diễn biến câu chuyện, cùng trao đổi với các nhân vật khác để làm nổi rõ ý nghĩa của truyện.

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 63)