1.4.1. Ngôn ngữ trần thuật
Mỗi tác phẩm văn học được tạo nên trước hết nhờ yếu tố ngôn ngữ đúng như lời của nhà văn M.Gorki đã nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Nhà văn sáng tạo nên tác phẩm bằng sự chọn lựa, chắt lọc ngôn từ trong vốn ngôn ngữ đa dạng, phong phú của dân tộc mình. Người đọc khi khám phá tác phẩm sẽ bóc tách lớp vỏ ngôn từ để thâm nhập vào thế giới bí ẩn bên trong những câu chữ, trong hệ thống cấu trúc của tác phẩm. Khi xây dựng tác phẩm văn học, nhà văn đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất giữa nội dung và hình thức. Đồng thời qua cách sáng tạo ngôn từ nghệ thuật, nhà văn bộc lộ được tài năng và cá tính sáng tạo riêng của mình, để lại dấu ấn trên những trang viết cụ thể.
Ngôn ngữ trần thuật trước hết phải là ngôn ngữ văn học, nghĩa là ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Đó là thứ ngôn ngữ mang đầy đủ các đặc trưng: tính hình tượng, tính đa nghĩa, tính cá thể hóa và cụ thể hóa.
Ngôn ngữ trần thuật là ngôn ngữ đa dạng, ngôn ngữ của nhiều tính cách, bao gồm: ngôn ngữ của người trần thuật, ngôn ngữ nhân vật và lời nói nước đôi. Trong đó, ngôn ngữ người trần thuật giữ vai trò quyết định.
Trong tác phẩm tự sự, ngôn ngữ trần thuật thể hiện rõ vai trò và tầm quan trọng của nó trong kiến tạo tác phẩm. Trong văn học dân gian, các tác phẩm tự sự chưa thực sự được chú ý ở lời văn trần thuật; các thành phần của lời văn trần thuật chưa được đa dạng nên giọng điệu trong tác phẩm còn đơn điệu, xuôi chiều. Đến văn học viết, tác phẩm tự sự đã có sự linh hoạt, đa dạng trong các thành phần của lời văn trần thuật; phong phú, đa sắc trong giọng điệu trần thuật vì thế đã đem lại hiệu quả thẩm mỹ tích cực cho tác phẩm. Các nhà lý luận văn học chỉ ra những dạng thức phổ biến của lời văn trần thuật trong các tác phẩm tự sự như: lời tác giả và lời nhân vật hay lời trực tiếp và lời gián tiếp.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, ngôn ngữ người trần thuật là “phần lời văn độc thoại thể hiện quan điểm tác giả hay quan điểm người kể chuyện (sản phẩm sáng tạo của tác giả) đối với cuộc sống được miêu tả, có những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện tạo hình và biểu hiện ngôn ngữ” [24, tr. 212 - 213].
Ngôn ngữ người trần thuật không những có vai trò then chốt trong phương thức trần thuật mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, thể hiện cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả.
Ngôn ngữ người trần thuật có thể có một giọng (chỉ nhằm gọi ra sự vật) hoặc có thể có hai giọng (như lời mỉa mai, nhại,…) thể hiện sự đối thoại với người khác về cùng một đối tượng miêu tả.
Ngôn ngữ nhân vật, theo Từ điển thuật ngữ văn học, là “lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc các loại hình tự sự và kịch” [24, tr. 214].
Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng mà nhà văn sử dụng để thể hiện cuộc sống và tính cách nhân vật. Trước đây, trong văn học trung đại, do ý thức cá nhân chưa được đề cao, ngôn ngữ nhân vật chưa được cá thể hoá sâu sắc và chưa có sự phân biệt với ngôn ngữ tác giả. Nhưng về sau, cùng với sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, ngôn ngữ nhân vật được coi là đối tượng của sự miêu tả, và cá tính hoá trở thành một yêu cầu thẩm mĩ. Nhà văn có thể cá tính hoá ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách: nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lặp lại những từ, câu mà nhân vật thích nói, hoặc trực tiếp miêu tả phong cách ngôn ngữ nhân vật,…
Dù tồn tại dưới hình thức nào hoặc được thể hiện bằng cách nào, ngôn ngữ nhân vật cũng phải đảm bảo kết hợp hài hoà tính cá thể và tính khái quát, nghĩa là một mặt, mỗi nhân vật có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng, mặt khác ngôn ngữ ấy lại phản ánh được ngôn ngữ của một tầng lớp người nhất định.
Ngoài ra, ngôn ngữ trần thuật còn bao gồm cả ngôn ngữ nước đôi. Đó vừa là lời nói của tác giả, vừa là lời nói của nhân vật, bộc lộ cả thế giới bên trong và thế giới bên ngoài nhân vật.
Việc phân biệt lời tác giả và lời nhân vật có ý nghĩa nhất định nhất là đối với văn học Hiện thực phê phán, ở đó không chỉ có sự tách bạch lời tác giả và lời nhân vật, mà nó còn có sự “trao quyền” trần thuật, phát ngôn cho nhân vật, để nhân vật bộc lộ tính cách qua sự cá tính hóa của ngôn ngữ nhân vật. Tuy nhiên, sự phân biệt thành lời văn trực tiếp và lời văn gián tiếp được chú ý nhiều hơn. Trong đó, lời văn trực tiếp được xem là “lời do nhân vật hoặc do tác giả - những con người trực tiếp nói lên trong tác phẩm” [48; 330]. Do vậy, lời trực tiếp trong tác phẩm tự sự chủ yếu là những câu thoại và chúng đảm nhận nhiều chức năng quan trọng. Theo Phương Lựu, nó có những chức
năng chính như: chức năng phản ánh hiện thực ở ngoài nhân vật; chức năng tự bộc lộ của nhân vật (cho thấy sự tồn tại của nó); chức năng biểu hiện nội tâm, thế giới bên trong của nhân vật… Trong đó, lời trực tiếp của cái tôi tác giả thường thuộc về những đoạn trữ tình ngoại đề, hay những lời phẩm bình, triết lý. Trong lời trực tiếp của nhân vật lại thường được tìm hiểu ở hai dạng cơ bản là lời đối thoại trực tiếp giữa các nhân vật trong tác phẩm với nhau và lời nội tâm của nhân vật khi tự nói với chính mình. Lời nội tâm được xem là một dạng đặc biệt của lời trực tiếp, trong đó lời nội tâm bao gồm độc thoại nội tâm và đối thoại nội tâm. Thực ra, đối thoại nội tâm cũng là một dạng của độc thoại nội tâm, nhưng điểm khác ở chỗ là nó mang tính chất đối thoại, nghĩa là chúng ta sẽ nghe thấy nhiều giọng cùng vang lên một lúc, các giọng ấy đối thoại với nhau, tranh biện với nhau trong mạch nội tâm của nhân vật.
Cùng với lời văn trực tiếp, lời văn gián tiếp cũng được các nhà văn xây dựng và phát huy khả năng biểu hiện của nó trong việc tạo dựng hình tượng nghệ thuật. Lời gián tiếp được hiểu là “lời tác giả hay lời người trần thuật do tác giả ủy quyền” [48; 69]. Mỗi một dạng thức lời văn đều có những chức năng riêng; Lời văn gián tiếp cũng có hai chức năng chính là “tái hiện và phân tích, lí giải thế giới khách vật chất, sự việc, con người, cảnh vật,…lí giải lời nói, ý thức người khác” [48; 335].
Cũng chia thành những tiểu loại nhỏ như dạng lời văn trực tiếp; lời văn gián tiếp có thể được chia làm hai loại theo quan niệm của M. Bakhtin là lời gián tiếp một giọng và lời gián tiếp hai giọng. Lời gián tiếp một giọng chính là lời của người trần thuật không có lời đan xen của nhân vật, là “lời tái hiện, phẩm bình các hiện tượng của thế giới trong ý nghĩ khách quan vốn có của chúng theo ý đồ của tác giả, không liên can gì tới ý thức, suy nghĩ của người khác về chúng” [48; 335]. Lời gián tiếp hai giọng lại thường có lời kể của chủ thể trần thuật xen lời nhân vật. Trong loại lời văn này lại có các dạng chính là
lời nửa trực tiếp, lời gián tiếp phong cách hóa, lời gián tiếp của người kể chuyện. Trong ba loại lời văn trên thì lời nửa trực tiếp (tức là lời vừa xen những yếu tố lời trực tiếp của nhân vật) được coi là dễ đem lại hiệu quả thẩm mỹ sâu sắc nhất trong việc thể hiện tiếng nói bên trong nhân vật. Bởi nó kết hợp đồng thời hai hình thức phát ngôn từ chủ thể trần thuật và nhân vật. Nhờ thế nó dễ dàng tạo nên sự phức hợp giọng điệu cho tác phẩm. Khi phân biệt các thành phần của lời văn nghệ thuật cũng cần nhận thấy rằng trong một tác phẩm văn học, nhất là trong các tác phẩm tự sự sẽ có sự kết hợp đan xen các kiểu lời văn nghệ thuật. Nhờ sự kết hợp đa dạng các kiểu lời văn này mà nhà văn phát huy được sức mạnh của “nghệ thuật ngôn từ” để diễn tả được tính đa sắc điệu của đời sống.
Bằng việc chọn lựa ngôn từ tinh tế và tận dụng các ưu thế về tính khái quát, tính trừu tượng và tính đa nghĩa của ngôn ngữ, các nhà văn có thể tái hiện được toàn bộ đời sống xã hội phức tạp của con người tùy vào điểm nhìn và nhận thức của mỗi nhà văn về hiện thực. Như vậy, ngôn ngữ qua bàn tay sáng tạo của nhà văn trở thành lời văn nghệ thuật mà Bakhtin nhận xét là “ngôn ngữ trong tính toàn vẹn, cụ thể và sinh động của nó chứ không phải ngôn ngữ với tính cách là đối tượng chuyên biệt của ngôn ngữ học có được bằng một sự trừu tượng hóa và tất yếu một khía cạnh nào đó của sự sống cụ thể của lời nói” [67; tr.189]